Tái cơ cấu nông nghiệp ở Cao Bồ

07:25, 22/11/2016

BHG- Cao Bồ là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, có 753 hộ dân với 3.983 khẩu sinh sống ở 11 thôn bản. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm tới 70,6%. Nhằm hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ mà Ban chấp hành Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra và làm tăng giá trị sản xuất trên từng đơn vị diện tích đất canh tác, giảm nghèo bền vững, từ khi tỉnh ban hành Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Vị Xuyên triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án, xã Cao Bồ đã nhanh chóng nắm bắt và có những định hướng, tổ chức thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của xã theo hướng trọng tâm, trọng điểm.

Tập trung thâm canh, trồng dặm, chăm sóc chè là một trong những hướng xác định tái cơ cấu nông nghiệp ở Cao Bồ. Trong ảnh: Người dân thôn Thác Hùng hái chè cuối vụ.
Tập trung thâm canh, trồng dặm, chăm sóc chè là một trong những hướng xác định tái cơ cấu nông nghiệp ở Cao Bồ. Trong ảnh: Người dân thôn Thác Hùng hái chè cuối vụ.

Trong những năm qua, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác của người dân, xã Cao Bồ đã tập trung chủ yếu vào phát triển cây chè, Thảo quả và chăn nuôi trâu. Hiện nay, Cao Bồ có tổng diện tích chè là 820 ha, trong đó có 700 ha cho thu hoạch; Thảo quả có 630 ha, tuy nhiên có trên 500 ha bị thiệt hại từ 30 – 70% do đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2016; đàn trâu có 2.138 con. Thực tế cho thấy, sự phát triển kinh tế của Cao Bồ đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: 100% diện tích chè được chứng nhận là chè Hữu cơ, với giá thành ổn định từ 10 – 12.000 đồng/kg chè tươi, cao hơn hẳn chè ở các địa phương khác, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân; đàn trâu toàn xã chia trung bình mỗi hộ có gần 3 con... Chủ tịch UBND xã Cao Bồ, Lý Quốc Hưng chia sẻ: Kinh tế của người dân Cao Bồ có bước phát triển nhưng chưa theo hướng hàng hóa và chưa có sự bền vững, cần điều chỉnh lại. Cụ thể, diện tích chè dù lớn nhưng chủ yếu chè của người dân là chè cổ thụ, mật độ cây thưa, nên sản lượng chưa cao; cây Thảo quả có giá trị lớn nhưng dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến đổi khí hậu nếu không có sự quan tâm, bảo vệ, minh chứng là thiệt hại lớn trong đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2015, đầu 2016 vừa qua; đàn trâu tuy lớn nhưng người dân chưa chăn nuôi theo hướng hàng hóa, chưa đem lại thu nhập thường xuyên và ổn định; nhận thức về phát triển sản xuất hàng hóa của đại bộ phận người dân còn thấp, chưa mạnh dạn đầu tư, vay vốn để đẩy mạnh phát triển...

Đánh giá được những tồn tại, khó khăn, cùng định hướng của Ban chấp hành Đảng bộ xã Cao Bồ đã đặt ra từ sau Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020, cấp ủy, chính quyền xã đã xác định: Ở 7 thôn vùng cao, tập trung thâm canh, tăng năng suất, sản lượng và chất lượng chè bằng cách vận động nhân dân tổ chức bón phân và trồng dặm, tăng mật độ chè/ha; tiếp tục trồng dặm cây Thảo quả và chăm sóc những diện tích bị thiệt hại có thể phục hồi, đến mùa Đông hạn chế thấp nhất thiệt hại do rét đậm, rét hại. Với 4 thôn vùng thấp, năm 2017 xã sẽ triển khai xây dựng mô hình trồng thử nghiệm một số cây dược liệu như Tam thất rừng, cây Bảy lá một hoa (thất diệp nhất chi hoa), lan Kim tuyến. Đây là những loại cây sống nhiều trên các khu rừng thuộc địa bàn xã, nếu thành công sẽ xin cơ chế của huyện hỗ trợ để nhân dân nhân rộng bởi các loại cây này có nhiều thành phần quý phục vụ trong y học nên giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Cao Bồ đã và đang tuyên truyền, vận động người dân trong xã mạnh dạn vay vốn theo chính sách Nghị quyết 209 để sản xuất hàng hóa; trong đó, tập trung vào trồng cỏ và phát triển chăn nuôi trâu hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh xác định tập trung vào phát triển 3 cây: Cam, chè, dược liệu; 3 con: Trâu, bò, ong; Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện Vị Xuyên cũng lựa chọn tập trung chủ yếu vào cây cam, chè và con trâu, bò. Từ đó, cho thấy xã Cao Bồ đang tái cơ cấu nông nghiệp theo đúng định hướng của tỉnh và huyện Vị Xuyên với điều kiện thực tế về khí hậu thổ nhưỡng và trình độ, kinh nghiệm canh tác của người dân. Tuy nhiên hiện nay, xã chưa xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các nội dung này. Thiết nghĩ, để có thể tái cơ cấu nông nghiệp của xã một cách triệt để, hiệu quả và có những đánh giá chính xác về kết quả sau khi kết thúc giai đoạn thực hiện Đề án (2016 – 2020), xã Cao Bồ cần xây dựng những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, rõ ràng mới có thể thành công như định hướng mà Đảng bộ xã đã xác định và đóng góp vào thành công chung trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của huyện.

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mật ong bạc hà Mèo Vạc: Cần giữ chất lượng theo thương hiệu đăng ký

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện trạng nuôi ong theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc của các hộ thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ và Yên Minh của tỉnh Hà Giang chủ yếu nuôi giống ong nội của địa phương (Apis cerana cerana) với quy mô nhỏ từ 5 – 100 đàn.

17/11/2016
Linh Hồ - điểm sáng trong sản xuất vụ Đông ở Vị Xuyên

BHG - Những năm gần đây, xã Linh Hồ luôn là điểm sáng trong phong trào sản xuất vụ Đông của huyện Vị Xuyên. Người dân địa phương đã thay đổi nhiều trong tư duy sản xuất, coi vụ Đông là một trong những vụ sản xuất chính, góp phần tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. 

16/11/2016
Chè Lũng Phìn cần được bảo tồn

BHG - Chè cổ thụ Shan tuyết Lũng Phìn (Đồng Văn) đã từ lâu được mệnh danh là "đệ nhất trà" bởi hương vị độc đáo, khác biệt riêng có của nó. Qua năm tháng, nhiều cây chè cổ Lũng Phìn đang có dấu hiệu của sự già cỗi, sản lượng thu hái thấp do tập quán canh tác của người dân. 

16/11/2016
Vị Xuyên: Tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2016, triển khai nhiệm vụ sản xuất năm 2017

BHG - Ngày 15.11, UBND huyện Vị Xuyên tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2016 và triển khai nhiệm vụ sản xuất năm 2017. Dự hội nghị có đồng chí Vi Hữu Cầu, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ huyện; Bí thư, Chủ tịch 24 xã, thị trấn; đại diện các HTX, hộ nông dân sản xuất giỏi...

16/11/2016