Gian nan giảm nghèo ở Túng Sán

07:15, 10/11/2016

BHG- Cách trung tâm huyện Hoàng Su Phì gần 20 km, con đường gập ghềnh toàn đất đá đưa chúng tôi đến với xã nghèo Túng Sán, xã duy nhất của huyện Hoàng Su Phì chưa có đường bê-tông đến trung tâm xã. Hình ảnh về con đường trơn trượt như được láng thêm “lớp mỡ” sau những ngày mưa gió cứ ám ảnh chúng tôi mãi. Làm gì để cuộc sống của đồng bào các dân tộc dưới chân đỉnh núi Tây Côn Lĩnh thuộc dãy Hoàng Liên Sơn ở xã Túng Sán thoát nghèo, có những đổi thay lớn tiến kịp với sự phát triển chung của đất nước luôn là những trăn trở với nhiều thế hệ lãnh đạo địa phương nơi đây.Chúng tôi tới Túng Sán khi bà con đang chuẩn bị thu hoạch lúa trên những thửa ruộng bậc thang. Phong cảnh ở đây rất đẹp và nên thơ, nhưng khó khăn đầu tiên thấy ngay trước mắt là con đường vào Túng Sán còn gian nan quá. Tuyến đường đi qua 2 xã Tân Tiến và Túng Sán dài hơn 13 km toàn là đường đất, đá gồ ghề, mặt đường mấp mô, lồi lõm, thuộc Dự án đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 4 nối Hà Giang - Lào Cai do Ban quản lý Dự án 6 (Tổng cục đường bộ Việt Nam) làm chủ đầu tư và thi công. Sau 7 năm (2009 - 2016) triển khai Dự án, tuyến đường thi công dang dở và phải tạm dừng do không bố trí được nguồn vốn. Hệ thống ống cống đã được đưa vào đến nơi, nhưng hiện để cỏ mọc hoang. Được biết, đây là tuyến đường độc đạo kết nối 2 xã với trung tâm huyện cũng như lưu thông với các xã khác. Tuyến đường này hiện nay đi lại rất khó khăn, đặc biệt là vào mùa mưa gây cản trở việc phát triển KT-XH của xã.

Con đường vào xã Túng Sán.
Con đường vào xã Túng Sán.

Tuy khó khăn về đường giao thông, nhưng Túng Sán là xã có tiềm năng rất lớn về phát triển du lịch và một số loại cây công nghiệp. Đến Túng Sán, du khách có thể lên chinh phục núi Tây Côn Lĩnh. Cùng với đó, diện tích Thảo quả ở đây lên đến 328 ha, cây chè Shan tuyết 259 ha. Xã cũng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa vào thử nghiệm nhiều mô hình trồng ngô che phủ Nilon, cây dong giềng, chăn nuôi... Giúp bà con thay đổi tư duy phát triển kinh tế, giảm nghèo. Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền xã đã và đang từng ngày cải thiện đời sống cho nhân dân. Tuy nhiên, do đường giao thông đi lại khó khăn nên việc buôn bán cũng bị hạn chế. Bê-tông hóa đường giao thông để tạo điều kiện thuận tiện trong việc đi lại luôn là mơ ước của bà con và cấp ủy, chính quyền xã Túng Sán.

Xã Túng Sán hiện có 8 thôn, bản với 615 hộ và 3.100 khẩu, có 6 dân tộc anh em chung sống, chủ yếu là dân tộc Cờ lao. Theo số liệu điều tra mới nhất, chuẩn nghèo mới 2016 thì hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm gần 70%, tăng gần 42% so với năm 2015 (năm 2015 là 28%). Đây là vùng đất có địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, tư duy bà con trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, sản phẩm nông nghiệp làm ra khó tiêu thụ, đường đi lại khó khăn... đã trở thành những yếu tố “níu chân” cuộc sống nghèo. Đi dọc hết trung tâm xã, tôi đếm thật kỹ mới thấy được 2 quán bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ, đìu hiu. Chủ tịch UBND xã, Đàm Đức Phương cho biết: “Khó khăn lớn của xã hiện tại là chưa có đường giao thông thuận lợi vào trung tâm xã, 2/8 thôn chưa có điện. Mặc dù diện tích đất tự nhiên rộng 49.000 ha, đất nông nghiệp chiếm phần lớn song địa hình chia cắt, đồi núi dốc nhiều. Cùng với đó điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, mùa đông chịu ảnh hưởng của rét đậm rét hại, nên Tết năm 2016 vừa qua, toàn xã có trên 260 ha Thảo quả thiệt hại do băng tuyết, gần 70% diện tích bị chết, gây thiệt hại quá lớn cho bà con, cùng trên 250 ha chè nhưng giá thị trường biến động thất thường, nên bà con chưa mặn mà với giá trị cây. Xã đã đạt được 7/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, các tiêu chí còn lại cũng rất nan giải như: Đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa... Hiện nay, điều bà con mong mỏi nhất là có được con đường bê-tông vào đến trung tâm xã. Cũng do là một xã nghèo, nên việc huy động vốn đóng góp từ nhân dân là rất hạn chế...”.

Thôn 6 Chúng Phùng gồm 54 hộ dân tộc Mông sinh sống, cách trung tâm xã khoảng 8 km. Thôn 6 Chúng Phùng là thôn “3 không” (không đường giao thông thuận lợi, không có điện thắp sáng, không có sóng điện thoại). Anh Vàng Seo Tần, Trưởng thôn cho biết: “Những năm qua, bà con luôn mong muốn có điện thắp sáng, có đường bê-tông để có xe về xã thu mua chè, thảo quả cho thuận lợi. Điện thì về lâu về dài nếu cố thì chắc bà con sẽ kéo được ít về thắp sáng thôi. Nhưng việc đóng góp để đổ con đường vào thì quá khó với bà con khi gần 100% các hộ dân trong thôn thuộc diện hộ nghèo”. Ông Vàng Seo Cấu ở thôn 5 Túng Quá Lìn, ngồi trong ngôi nhà thiếu ánh sáng chia sẻ: “Nhìn thấy chỗ khác có điện cũng muốn lắm chứ, nhưng Nhà nước chưa hỗ trợ được, nhà thì nghèo chưa kéo điện về được cũng đành chịu thôi”.

Tiêu chí về giao thông trong xây dựng Nông thôn mới là một trong những tiêu chí được đánh giá là khó thực hiện nhất đối với tỉnh Hà Giang và cũng là tiêu chí nếu thực hiện thành công sẽ thay đổi được căn bản bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Công tác giảm nghèo tại xã Túng Sán trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương. Điều cấp thiết hơn cả là làm được tuyến đường vào trung tâm xã để tạo điều kiện cho việc đi lại và buôn bán của người dân. Có như vậy, vấn đề thoát nghèo mới không còn là bài toán khó của địa phương.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị Kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước và phổ biến các chế độ, chính sách mới

BHG- Sáng 31.10, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh tổ chức Hội nghị Kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước (NSNN) và phổ biến các chế độ, chính sách mới. Tham dự hội nghị có lãnh đạo KBNN và các sở, ban, ngành của tỉnh; cán bộ KBNN các huyện, các đơn vị dự toán, kế toán trên địa bàn tỉnh.

31/10/2016
Hiệu quả sau 5 năm hoạt động Quỹ bảo vệ và phát triển rừng và 3 năm thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh

BHG- Hà Giang là một trong những tỉnh khó khăn của cả nước, có nhiều dân tộc cùng sinh sống xen kẽ, đa số đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn; hơn 80% người dân sống bằng nghề nông, lâm nghiệp. 

09/11/2016
Nông thôn mới ngày càng sáng hơn, tốt đẹp hơn

BHG- "Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) đã có tác động tích cực và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, nhận thức của cả hệ thống chính trị về ý nghĩa, mục tiêu của Chương trình. 

08/11/2016
Nỗ lực đảm bảo nguồn nước cho những mùa vàng bội thu

BHG- "Nhất nước, nhì phân...", nguồn nước luôn là yếu tố đầu tiên đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt; góp phần mang lại những mùa vàng no ấm. Chính vì vậy, việc rà soát, vận hành và sử dụng hiệu quả các công trình thủy lợi (CTTL) sau đầu tư đã được ngành chức năng và các địa phương quan tâm, chú trọng, từng bước khắc phục khó khăn, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.

08/11/2016