Chè Lũng Phìn cần được bảo tồn

08:26, 16/11/2016

BHG - Chè cổ thụ Shan tuyết Lũng Phìn (Đồng Văn) đã từ lâu được mệnh danh là “đệ nhất trà” bởi hương vị độc đáo, khác biệt riêng có của nó. Qua năm tháng, nhiều cây chè cổ Lũng Phìn đang có dấu hiệu của sự già cỗi, sản lượng thu hái thấp do tập quán canh tác của người dân. Trên địa bàn xã, đã xuất hiện một số cơ sở, hộ dân thu mua chè từ các vùng lân cận hoặc từ nơi khác về chế biến, đóng gói bán với nhiều mức giá khác nhau. Điều này đang đặt ra cho cấp ủy, chính quyền địa phương cần có giải pháp bảo tồn, bảo vệ thương hiệu chè cổ Lũng Phìn.

Sự quý hiếm của chè

Chè Lũng Phìn “nằm trọn” trong hai dòng họ Sùng và họ Giàng được trồng nhiều nhất ở thôn Cán Phẩy Hờ A + B. Theo người dân địa phương, uống chè Lũng Phìn thì phải tìm chè cổ thụ, mà chè cổ không đâu có ngoài anh em nhà họ Sùng và họ Giàng. Theo lời kể của ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A, xã Lũng Phìn thì cây chè được trồng ở đây có tới vài trăm năm tuổi. Trước kia, chè của họ Sùng chỉ làm ra để biếu, tiến các bậc quân vương, địa chủ chứ người dân quanh vùng muốn mua cũng không đến lượt. Chè cổ thụ Shan tuyết mọc ở Cán Pẩy Hở A + B, nằm ở độ cao trừng 1.700 m so với mực nước biển, trong 3 bề núi đá. Phía trước mặt hướng về phía mặt trời mọc, mây mù phủ quanh 4 mùa. Thời gian cây chè đón nắng mỗi ngày rất ít vì sương che, chỉ về gần chưa, buổi chiều lại khuất nắng sớm vì núi chắn. Cây chè ở đây phát triển rất chậm bởi hút dưỡng chất trên nền đất lẫn đá mầu đỏ. Riêng chất đất và đá màu đỏ của Cán Pẩy Hờ A + B trên Cao nguyên đá Đồng Văn này không đâu có. Có lẽ chính sự độc đáo, đặc biệt về chất đất, khí hậu ở Cán Pẩy Hờ A + B nên chè ở đây có hương vị rất đặc trưng, rất riêng biệt, không nhầm lẫn với bất cứ chè ở đâu. Điều dễ phân biệt chè Lũng Phìn với các loại chè khác là: Chè chỉ có hai mùa hái, chè Xuân phải sau Tết Thanh minh, chè vụ Hè - thu vào tháng 5 - 7. Từ tháng 8 trở đi thời tiết ở vùng này đã trở lạnh, cây chè ít phát triển nên dân không hái. Vì nếu thu hái quá khả năng sinh trưởng, phát triển của cây sẽ làm cho cây chè kiệt sức, khó có thể chống chọi được với cái lạnh của vùng Cao nguyên đá. Điều nhận biết khác nữa đó là chè Lũng Phìn cánh rất nhỏ, rất nhẹ, tôm chè bé, nước khi pha có màu xanh vàng, vị ngọt ngậy rất dễ chịu kèm theo. Pha chè Lũng Phìn chắt ra chén để qua đêm, thậm chí vài ngày sau vẫn không có hiện tượng dính chén, đông kết nhựa chè.

Một cây chè Shan tuyết Lũng Phìn cổ thụ đầu dòng được gắn biển bảo tồn.
Một cây chè Shan tuyết Lũng Phìn cổ thụ đầu dòng được gắn biển bảo tồn.

Theo các công trình nghiên cứu, trong cây chè, nhất là chè cổ ở Lũng Phìn, có chứa rất nhiều chất Camenlia Sinensit và các dẫn suất của nó. Các chất và các dẫn suất trên có khả năng chống ô xy hóa, có tác dụng bảo vệ gan, kháng khuẩn tốt với nhiều chủng vi khuẩn gram (-) và gram (+), có tác dụng chống viêm loét. Nghiên cứu trên tế bào ung thư nuôi cấy, Chè Lũng Phìn chứa chất có tác dụng ức chế sự phát triển ung thư và di căn ung thư lên gan, phổi. Như vậy, chè Lũng Phìn cũng đang là một tài sản quý đối với đời sống con người, đồng thời có giá trị lớn về mặt văn hóa gắn với bản sắc, tinh hoa của cộng đồng dân cư, dòng họ; là báu vật, đặc sản trên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Chè Lũng Phìn cần được bảo tồn

Hiện nay, theo thống kê toàn xã Lũng Phìn có khoảng gần 100 ha chè, trong đó, chè cổ thụ Shan tuyết chỉ có 14 ha, số còn lại là chè giống mới được trồng từ năm 1999 đến nay. Chè Shan tuyết cổ thụ có nhiều nhất ở thôn Cán Pẩy Hở A + B và tập trung trong hai dòng dọ Sùng và Giàng. Do phong tục, tập quán canh tác của người dân từ nhiều đời nay, chè cổ thụ ở đây hoàn toàn sống và phát triển tự nhiên, không có sự chăm sóc bằng phân bón, đốn tỉa qua từng năm nên chè cho năng suất rất thấp; nhiều cây chè cổ thụ cũng đã có dấu hiệu của sự già cỗi. Gia đình ông Sùng Su Sá là một trong những hộ dân có số lượng cây chè Shan tuyết cổ thụ nhiều nhất ở thôn Cán Pẩy Hở A và của xã Lũng Phìn với gần 100 cây. Trung bình một năm chè cho thu hái hai lứa, với diện tích trên mỗi năm gia đình ông cũng chỉ thu hái được khoảng trên dưới 1,5 tấn chè tươi, tương đương trên 30 kg chè khô thành phẩm. Giá bán chè Shan tuyết cổ thụ giao động ở mức trên dưới 500 nghìn đồng/kg chè khô (có thể cao hơn tùy thuộc vào kỹ thuật sao, chế biến). Kỹ thuật, cách sao chè Shan tuyết cổ thụ Lũng Phìn đòi hỏi khá cao và cầu kỳ từ khâu hái, phơi đến chế biến chè. Ở xã Lũng Phìn hiện nay còn rất ít những nghệ nhân sao chè với độ tinh tế cao do nhiều nghệ nhân đã già hoặc đã mất. Một khó khăn, trở ngại nữa trong việc gìn giữ thương hiệu của chè Lũng Phìn là hiện nay, trên địa bàn xã có một số cơ sở, hộ dân thu mua chè ở các vùng lân cận hoặc ở nơi khác về chế biến, đóng gói bán với nhiều mức giá khác nhau. Điều này đã làm giảm thương hiệu, giá trị của chè chính gốc Lũng Phìn.

Ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A, xã Lũng Phìn (Đồng Văn) thu hái chè muộn của gia đình.
Ông Sùng Su Sá, thôn Cán Pẩy Hở A, xã Lũng Phìn (Đồng Văn) thu hái chè muộn của gia đình.

Để bảo tồn và gìn giữ giống chè Shan tuyết đầu dòng Lũng Phìn, Viện khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tiến hành khảo sát, gắn biển công nhận cho 11 cây chè Shan tuyết cổ thụ đầu dòng. Được sự hỗ trợ của Viện, UBND huyện Đồng Văn cũng đã xây dựng Dự án hỗ trợ phát triển trồng chè Shan tuyết Lũng Phìn, giai đoạn 2012 - 2020; trong đó đã đưa ra các giải pháp kỹ thuật, nhân giống bằng việc tuyển chọn hạt giống từ cây mẹ, tiến hành cấy ghép mắt để trồng; hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đốn cải tạo cây chè cổ thụ. Cùng với việc bảo tồn, cải tạo cây chè, thiết nghĩ cần nhân giống, mở rộng diện tích chè Lũng Phìn vì điều này không chỉ bảo vệ nguồn gen quý mà còn có thể giúp người dân địa phương XĐGN, làm giầu từ cây chè. Thứ nữa là bảo vệ thương hiệu, bởi thương hiệu là tài sản quý trong hội nhập và sản xuất hàng hóa. Ngay trước mắt, rất cần một chế tài, một quy ước tại địa phương - nơi có cây chè Lũng Phìn để ngăn chặn việc bán hàng giả, hàng kém chất lượng, làm giảm uy tín của chè chính gốc Lũng Phìn...

 Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Linh Hồ - điểm sáng trong sản xuất vụ Đông ở Vị Xuyên

BHG - Những năm gần đây, xã Linh Hồ luôn là điểm sáng trong phong trào sản xuất vụ Đông của huyện Vị Xuyên. Người dân địa phương đã thay đổi nhiều trong tư duy sản xuất, coi vụ Đông là một trong những vụ sản xuất chính, góp phần tăng giá trị kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. 

16/11/2016
Tập huấn nâng cao năng lực quản lý, sử dụng NSNN và tài sản công đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh năm 2016

BHG- Ngày 15.11, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực quản lý, sử dụng NSNN và tài sản công đối với các đơn vị sự nghiệp công lập khối tỉnh năm 2016. Tham dự có đại diện Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính); lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh; lãnh đạo, kế toán các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. 

15/11/2016
Những chuyển biến tích cực từ Chương trình xây dựng NTM ở Đồng Yên

BHG- Chúng tôi đến xã Đồng Yên (Bắc Quang) vào một ngày cuối Thu. Con đường hơn 40 km từ trung tâm huyện Bắc Quang vào xã đều có hương lúa non, mùi khói rơm rạ hòa lẫn với nắng mới, dễ dàng cảm nhận được sự đủ đầy no ấm. 

15/11/2016
Bằng Lang về đích xây dựng Nông thôn mới trước một năm

BHG - Đến thời điểm này huyện Quang Bình đã có 2 xã hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Theo kế hoạch của huyện, trong năm 2017 xã Bằng Lang sẽ phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng sự hưởng ứng, đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới của người dân nên đến nay Bằng Lang phấn đấu đạt 19/19 tiêu chí của Nông thôn mới, hoàn thành xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016

15/11/2016