Vì sao nhiều Dự án trồng rừng không triển khai theo tiến độ?

08:18, 18/10/2016

BHG - Từ năm 2007 – 2015, toàn tỉnh có 20 Dự án (DA) trồng rừng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đầu tư theo đăng ký trên 6.695,8 tỷ đồng, thời hạn hoạt động trung bình từ 30 – 50 năm. Trong đó, có trên 31 nghìn ha được tỉnh thu hồi và cấp thẳng cho doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chuyên môn, có tới 14 DA được cấp phép đầu tư từ năm 2008 đến năm 2014 phải thanh tra, kiểm tra vì không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả theo đúng tiến độ cam kết của chủ đầu đầu tư; buộc các ngành chức năng phải kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư toàn bộ hay một phần DA. Vậy nguyên nhân do đâu?

Thực trạng những DA trồng rừng không triển khai theo tiến độ...

Thực hiện Quyết định số 757/QĐ-UBND ngày 29.4.2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra tình hình thực hiện các DA trồng rừng đã được cấp GCNĐT trên địa bàn tỉnh. Kết quả, nhiều DA dù đã được cấp GCNĐT nhiều năm nay nhưng vẫn chưa đạt được tiến độ như cam kết, thậm chí một số DA chưa triển khai thực hiện và bị đoàn kiểm tra “tuýt còi” kiến nghị thu hồi. Trong đó có DA trồng rừng sản xuất tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) của Công ty TNHH Hà Châu được phê duyệt và cấp GCNĐT do UBND tỉnh cấp lần đầu ngày 29.12.2011. Tổng diện tích đất sử dụng là 22,424 ha, trong đó: Trồng mới 11 ha keo tai tượng, bảo vệ 11,2 ha rừng trồng từ năm 2008 (nhận chuyển nhượng từ Xí nghiệp sản xuất chế biến Nông, lâm nghiệp số 1); tổng vốn đầu tư cho DA trên 2,6 tỷ đồng; thời gian thực hiện DA trong 50 năm. Tuy nhiên, qua kiểm tra Công ty mới triển khai trồng một phần cây mỡ, tỷ lệ cây sống rất thấp, còi cọc, cây cao khoảng 20-30 cm. Công tác quản lý, bảo vệ đối với diện tích rừng nhận chuyển nhượng từ năm 2008 chưa được chặt chẽ, dẫn đến cây bị chặt phá nhiều, mật độ cây còn sống thưa, cây nhỏ. Căn cứ vào kết quả kiểm tra của Đoàn công tác cho thấy, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng theo DA được phê duyệt, hồ sơ thiết kế trồng rừng và nội dung đăng ký tại GCNĐT. Do đó, Đoàn kiểm tra đã kiến nghị với UBND tỉnh chấm dứt và thu hồi GCNĐT, thu hồi đối với DA trồng rừng sản xuất tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường (TP Hà Giang) của Công ty TNHH Hà Châu.

 

Sau kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Hà Châu đã chuẩn bị cây giống và thực hiện trồng rừng lại, nhưng số cây sống sau trồng không cao.
Sau kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Hà Châu đã chuẩn bị cây giống và thực hiện trồng rừng lại, nhưng số cây sống sau trồng không cao.

Tương tự, tiến độ thực hiện DA trồng rừng Sở và sản xuất dầu ăn tại 4 huyện Cao nguyên đá Đồng Văn hiện cũng đang “dậm chân tại chỗ”. GCNĐT được UBND tỉnh cấp lần đầu ngày 28.12.2011 do Công ty CP thương mại tổng hợp Bắc Quang làm chủ đầu tư với quy mô trồng mới và cải tạo diện tích rừng là 5 nghìn ha cây sở; tổng vốn đầu tư 520 tỷ đồng, thời gian thực hiện DA 50 năm. Tuy nhiên, từ khi được cấp GCNĐT đến nay, Công ty không tiến hành triển khai DA, buộc Đoàn kiểm tra phải kiến nghị chấm dứt DA.

Ngoài hai DA bị Đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh thu hồi GCNĐT nêu trên, trong số 14 DA được kiểm tra vừa qua, một số DA triển khai chậm tiến độ như: DA trồng rừng kinh tế tại xã Minh Ngọc, Yên Định, huyện Bắc Mê của Công ty TNHH vệ sỹ Nhất Sơn (mới trồng được 193/316,8 ha rừng); DA trồng rừng kinh tế ở xã Bạch Ngọc, Ngọc Linh, huyện Vị Xuyên của HTX sản xuất và dịch vụ Hoàng Bách (DA chưa thực hiện trồng 365,013 ha do mới được bàn giao đất trên thực địa từ tháng 4.2016); DA trồng rừng sản xuất tại xã Ngọc Minh, Bạch Ngọc, huyện Vị Xuyên của HTX Ngàn Hoa (mới trồng được 727/810 ha rừng)...

Vì sao kết quả thực hiện không hiệu quả?

Việc các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào trồng rừng luôn được tỉnh khuyến khích, nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai. Cùng với đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ các DA trồng rừng như: Miễn, giảm tiền thuế thuê đất; được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định... Tuy nhiên, các DA đến nay đều thực hiện không hiệu quả, tiến độ “ì ạch”, một số DA đã được phê duyệt 8 năm (tương đương với một chu kỳ khai thác gỗ rừng sản xuất) nhưng vẫn chưa được thu hoạch, tái sản xuất... Trong khi đó, người dân nhiều địa phương đang thiếu đất sản xuất. Vậy, vì sao kết quả lại như vậy?

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nhiều diện tích đất rừng được giao cho các doanh nghiệp, HTX chủ yếu là diện tích đất vốn đang được nhiều hộ dân sử dụng trồng trọt các loại cây trồng và hoa màu. Việc các đơn vị kể trên được giao đất nhưng không sử dụng hiệu quả khiến cho người dân bức xúc, kiến nghị thu hồi, giao đất lại cho người dân sản xuất.

Nói về nguyên nhân khiến việc trồng rừng chưa đạt theo kế hoạch đề ra, bà Bùi Thị Lượng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hà Châu chia sẻ: Từ năm 2012 – 2014, Công ty đã triển khai trồng mới và trồng lại theo đúng diện tích được cấp phép. Tuy nhiên, hiệu quả lại không được như mong muốn; lý do là cây bị phá hoại nhiều vì DA nằm trong khu vực chăn thả lâu năm của người dân tại thôn Nậm Tài, xã Ngọc Đường. Nản lòng với việc đầu tư trồng rừng không mang lại hiệu quả như mong muốn, hiện, Công ty đang có chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang xây dựng Nghĩa trang nhân dân trong thời gian tới...

Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, kết quả thực hiện các DA trồng rừng sản xuất trên địa bàn toàn tỉnh đạt được rất thấp do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là một số doanh nghiệp, HTX năng lực tài chính và tổ chức thực hiện còn yếu kém; không thực hiện việc điều chỉnh GCNĐT khi có nội dung thay đổi, các chủ đầu tư đều không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo và các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp; chưa mạnh dạn đầu tư hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông đến các vùng trồng rừng nguyên liệu... Bên cạnh đó, việc quản lý, tham mưu của các ngành chuyên môn cho UBND tỉnh, huyện trong việc thực hiện các quy định, chế tài xử phạt các doanh nghiệp “chây ỳ”, chậm tiến độ, các cơ chế chính sách về phát triển rừng sản xuất; sự quan tâm, phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phối hợp cùng với doanh nghiệp, HTX tham gia các DA trồng rừng kinh tế còn nhiều hạn chế...

Trong thời gian qua, tỉnh ta đã có rất nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu từ vào địa bàn tỉnh; trong đó, có nhiều chính sách thuộc lĩnh vực lâm nghiệp. Bởi phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những chủ trương của tỉnh giai đoạn 2015 – 2020. Vì vậy, việc chậm trễ của các DA trồng rừng thời gian qua với những nguyên nhân tồn tại còn chưa giải trình rõ ràng buộc UBND tỉnh phải chỉ đạo các ngành chức năng rà soát chi tiết lại từng DA đã được cấp GCNĐT để tổ chức gặp mặt các chủ đầu tư bàn, đưa ra giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các DA trồng rừng. Hy vọng, đây sẽ là giải pháp gỡ những “nút thắt” trong thực hiện các DA này.

TIẾN LÂM 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Diễn đàn Thanh Niên Vị Xuyên khởi nghiệp năm 2016

BHG - Ngày 16.10, tại Hội trường lớn trung tâm huyện Vị Xuyên, UBND huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức Diễn đàn Thanh niên Vị Xuyên khởi nghiệp năm 2016. Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy Vị Xuyên; đại diện các tổ chức, đơn vị khởi nghiệp cùng hơn 300 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là chủ các mô hình kinh tế tiêu biểu, doanh nhân trẻ, học sinh, sinh viên… trên địa bàn huyện.

17/10/2016
Người dân xã Minh Ngọc - Gửi gắm niềm tin vào hợp tác xã "trẻ"

BHG - Vì gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh tìm đầu ra cho sản phẩm nghệ của người dân địa phương. Cơ sở sản xuất và chế biến tinh bột nghệ Minh Ngọc (Bắc Mê) đã năng động, đổi mới chuyển hoạt động từ cơ sở sản xuất nay thành hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông-lâm-nghiệp (NLN) tổng hợp Ngọc Sơn. 

17/10/2016
Đưa lâm nghiệp trở thành "trụ đỡ" sản xuất trên đất dốc

BHG- Trong giai đoạn 2010-2015, toàn tỉnh trồng được trên 69 nghìn ha rừng, đạt gần 96% kế hoạch; chăm sóc rừng qua các năm đạt trên 3.856 lượt ha; bảo vệ 979.729 lượt ha với trên 50.770 hộ, nhóm hộ tham gia; khoanh nuôi, bảo vệ 166.894 lượt ha rừng. Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; mối liên kết giữa doanh nghiệp, người dân chưa hiệu quả... Và kinh tế lâm nghiệp chưa thực sự phát huy vai trò "trụ đỡ" cho sản xuất trên đất dốc, bảo vệ môi trường (BVMT).

15/10/2016
Nghề nuôi ong - sinh kế của người dân Cao nguyên đá: Kỳ III - Tiếp thêm động lực cho dân nghèo

BHG- Thương hiệu mật ong Bạc hà được giữ vững đồng nghĩa với sinh kế của người dân Cao nguyên đá (CNĐ) không bị lung lay. Nhằm khuyến khích, mở thêm cơ hội cho người dân nghèo có điều kiện ổn định cuộc sống, tỉnh đã xác định ong là 1 trong 6 cây, con để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Do đó, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách tiếp thêm động lực cho người dân nuôi ong nâng cao chất lượng sản phẩm, để sản phẩm mật ong phát triển bền vững, trở thành thế mạnh phát triển kinh tế vùng.

15/10/2016