Quang Bình, rộn ràng "mùa vàng" bội thu

07:40, 19/10/2016

BHG- Những ngày này, trong tiết trời nắng ráo, trên khắp các cánh đồng ở huyện Quang Bình, bà con nông dân đang hối hả thu hoạch lúa vụ Mùa. Sau vụ lúa Xuân thắng lợi, người dân nơi đây lại đón một vụ Mùa bội thu.

Bà con nông dân xã Nà Khương thu hoạch lúa vụ Mùa.
Bà con nông dân xã Nà Khương thu hoạch lúa vụ Mùa.

Sáng sớm trên những cánh đồng thôn Trung, xã Vĩ Thượng rộn vang tiếng máy tuốt lúa hòa cùng tiếng nói cười của những người nông dân đang tay liềm tay hái thu hoạch lúa Mùa, tất cả tạo thành một bức tranh “mùa vàng” bội thu, thắng lợi. Nhanh tay cắt, bó từng bó lúa, bà Hà Thị Phải tươi cười nói: “Vụ này, hơn 6.000 m2 đất lúa của gia đình tôi đều gieo trồng bằng phương pháp mạ khay, máy cấy. Bình thường, phải cần 15 công lao động cấy cả ngày mới được thì nay chỉ cần 2 công lao động, tốn hơn 2 giờ đồng hồ là xong. Năm nay, mặc dù thời tiết không mấy thuận lợi tuy nhiên do chăm bón thích hợp nên cây lúa vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh hại và cho năng suất khá cao. Nhà tôi chưa thu hoạch hết nhưng giờ đã thấy nhiều hơn vụ trước đến ba bao thóc rồi”.

Vụ Mùa năm nay, xã Vĩ Thượng gieo cấy hơn 200 ha lúa, khoảng 200 ha ngô và rau màu các loại. Nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, xã thực hiện phương pháp gieo trồng mạ khay, máy cấy trên cánh đồng mẫu 1 ha với 3 hộ dân tham gia. Qua khảo sát của cơ quan chuyên môn, cùng với việc gieo trồng các giống lúa chất lượng cao là BC 15, TBR 225 và áp dụng các phương pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa của xã Vĩ Thượng đạt được 60 tạ/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với phương pháp cấy tay thủ công.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quang Bình, năm nay, toàn huyện gieo cấy hơn 3.700 ha lúa, đạt 100% kế hoạch năm. Cơ cấu giống tập trung vào các giống chủ lực như: Nhị ưu 838, Việt lai 20, Thiên ưu 8, BC 15 và nếp các loại. Cùng với việc gieo cấy các giống lúa chất lượng cao, huyện cũng tiếp tục thực hiện dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng tại 2 xã Bằng Lang và Xuân Giang; mở rộng gieo trồng mạ khay nhằm ứng dụng máy cấy tại các xã trọng điểm thực hiện sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của huyện gồm: Bằng Lang, Xuân Giang, Tiên Yên, Vĩ Thượng, Yên Thành.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, đồng chí Phùng Viết Vinh cho biết: Mặc dù sản xuất vụ Mùa 2016 diễn ra trong tình hình thời tiết bất lợi (mưa bão gây ngập úng một số diện tích lúa và hoa màu các loại) nhưng huyện đã kịp thời chỉ đạo các địa phương nhanh chóng, linh hoạt ứng phó với mưa bão, đảm bảo sản xuất đúng khung thời vụ. Việc thực hiện các mô hình cơ giới hóa nông nghiệp góp phần giải phóng sức lao động, phát triển sản xuất theo hướng “5 cùng” một cách hiệu quả. Mô hình này tiết kiệm từ 20 – 25% lượng giống, giảm 1/3 chi phí sản xuất; cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt (18 – 20 dành/khóm), khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; năng suất đạt cao hơn 2 – 3 tạ/ha so với gieo cấy thủ công; người nông dân lãi thêm 1,2 đến 1,5 triệu đồng/ha. Đến nay, toàn huyện đã thu hoạch được khoảng 70% diện tích; năng suất đạt 57,3 tạ/ha, sản lượng ước đạt 21.397 tấn.

Dự kiến đến cuối tháng 10, huyện Quang Bình sẽ thu hoạch xong toàn bộ diện tích lúa Mùa và triển khai thực hiện sản xuất vụ Đông đúng khung thời vụ. Theo kế hoạch vụ Đông năm 2016, Quang Bình gieo trồng 220 ha ngô, 25 ha khoai tây, 30 ha khoai lang và khoảng 300 ha rau đậu các loại. Hiện nay, huyện đã bắt đầu thực hiện đăng ký cung ứng giống, phân bón cho gieo trồng vụ đông và tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây trồng vụ đông cho bà con nhân dân tại các xã, thị trấn trên địa bàn.

                YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cao su miền núi phía Bắc mở cạo khai thác mủ

BHG- Vừa qua, tại Công ty CP Cao su Lai Châu, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã tổ chức Lễ mở cạo, khai thác mủ cao su. Đây là dấu mốc quan trọng sau 9 năm triển khai chương trình phát triển cây cao su trên vùng miền núi phía Bắc (2007 – 2016).

19/10/2016
Nhộn nhịp chợ phiên biên giới Mốc 358

BHG - Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi tuần một phiên, chợ biên giới Mốc 358 (hay còn gọi Mốc 9) thuộc địa phận xã Bạch Đích (Yên Minh) luôn tấp nập, người mua, người bán trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa cư dân hai bên biên giới. 

18/10/2016
Gian nan xây dựng và bảo vệ thương hiệu Mật ong Bạc hà

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó con ong được chọn làm thế mạnh giúp bà con 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế con ong đã trở thành "cứu cánh" - mang lại miếng cơm, manh áo cho bà con trên vùng Cao nguyên đá với thương hiệu Mật ong Bạc hà! Tuy nhiên, thời gian qua con ong và uy tín thương hiệu Mật ong Bạc hà luôn bị đe dọa – đồng nghĩa với miếng cơm, manh áo của bà con 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh cũng bị... đe dọa.

18/10/2016
Vì sao nhiều Dự án trồng rừng không triển khai theo tiến độ?

BHG - Từ năm 2007 – 2015, toàn tỉnh có 20 Dự án (DA) trồng rừng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đầu tư theo đăng ký trên 6.695,8 tỷ đồng, thời hạn hoạt động trung bình từ 30 – 50 năm. Trong đó, có trên 31 nghìn ha được tỉnh thu hồi và cấp thẳng cho doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chuyên môn, có tới 14 DA được cấp phép đầu tư từ năm 2008 đến năm 2014 phải thanh tra, kiểm tra vì không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả theo đúng tiến độ cam kết của chủ đầu đầu tư; buộc các ngành chức năng phải kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư toàn bộ hay một phần DA. Vậy nguyên nhân do đâu?

18/10/2016