Nhóm sở thích chăn nuôi dê ở Tân Lập, cơ hội thành công nhờ trao quyền triệt để
BHG- Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) được thực hiện ở xã nghèo Tân Lập (Bắc Quang) từ cuối năm 2015, với việc thành lập được 17 nhóm cùng sở thích. Trong đó, nhóm sở thích nuôi dê được xã đánh giá là hoạt động hiệu quả hơn cả. Với mục tiêu chung của Dự án là tập trung vào hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững thông qua các nhóm đồng sở thích (CIG), đầu tư phát triển hàng hóa phù hợp với người nghèo tại địa phương... thì tiểu Dự án chăn nuôi dê sinh sản và dê thịt nằm trong chương trình CPRP đã mở ra cơ hội thoát nghèo, phát triển sinh kế bền vững cho nhiều hộ có cùng sở thích nuôi dê tại xã Tân Lập.
Đàn dê nhà anh Triệu Lồng Và, thành viên “Nhóm sở thích chăn nuôi dê” ở thôn Chu Thượng. |
Tân lập là một trong những xã vùng III của Bắc Quang có số lượng đàn gia súc lớn nhất huyện, trong đó riêng đàn dê có 1.329 con. Vì vậy việc thành lập “Nhóm sở thích chăn nuôi dê” là rất phù hợp với thế mạnh của địa phương. Trước đây, việc chăn nuôi dê ở thôn Chu Thượng, xã Tân Lập chỉ mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Từ “luồng gió mới” của Chương trình CPRP, nhiều hộ nuôi dê ở thôn đã được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Dự án để mua dê nuôi và thành lập “Nhóm sở thích chăn nuôi dê”. Theo đó, “Nhóm sở thích chăn nuôi dê” thôn Chu Thượng được thành lập vào tháng 5.2016. Hiện tại nhóm có 10 thành viên. Trong đó có: 1 nhóm trưởng, 1 nhóm phó, 1 thư ký kiêm kế toán và 7 tổ viên. Số thành viên nữ là 4 người, nam 6 người. Số hộ nghèo, cận nghèo có 5 hộ chiếm 50 %, còn lại là 5 hộ không nghèo chiếm 50 %. Nhóm hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi dê, sản phẩm dự kiến là dê sinh sản và dê thịt. Hiện nay, tổng đàn dê trong nhóm là 40 con. Trong đó có: 20 con dê nái, 5 dê đực và 15 dê con. Hiện tại, nhóm đã xây dựng phương án chăn nuôi dê trong thời gian 3 năm (2016 - 2019).
Với mục tiêu chung của nhóm là phát triển chăn nuôi dê địa phương kết hợp với cải tạo chất lượng giống để tăng hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho các thành viên. Cụ thể là phát triển đàn dê hiện có của nhóm từ 40 con lên thành 293 con, tăng thu nhập thành viên từ 6 triệu đồng/hộ/năm hiện tại lên hơn 12,3 triệu đồng/hộ/năm sau 3 năm thực hiện Phương án sản xuất kinh doanh “Nhóm sở thích chăn nuôi dê”. Cùng với đó nhóm sẽ phải thực hiện nhiều công việc như: Trồng 1,5 ha cỏ chăn nuôi vào năm đầu tiên, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê, tham quan mô hình, xây dựng và tổ chức họp nhóm...
Anh Triệu Lồng Và, chủ một hộ nghèo của thôn Chu Thượng, thành viên “Nhóm sở thích chăn nuôi dê” cho biết: “Nhà tôi có hơn 10 con dê, khi tham gia vào nhóm, tôi được vay 15 triệu mua thêm 5 con dê nữa. Tham gia nhóm, được chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và tập huấn tôi nhận thấy việc áp dụng kỹ thuật nuôi dê rất quan trọng. Nhiều điều mà trước đây tôi cứ chăn nuôi thả không biết hết. Vừa rồi nhà tôi mới bán 4 con dê được 8 triệu đồng. Với đặc tính dê sinh đẻ khá nhanh, từ tiền bán dê giống và dê thịt sẽ giúp gia đình tôi thoát nghèo”.
Tuy Chương trình CPRP thực hiện tại Tân Lập đến nay mới là năm thứ 2 và “Nhóm sở thích nuôi dê” ở thôn Chu Thượng mới thành lập được nửa năm, nhưng lợi ích mà các thành viên tham gia nhóm, việc hoạt động của nhóm bước đầu đã nhận thấy hiệu quả và là mô hình để nhân rộng trên địa bàn. Anh Phàn Sành Họ, Trưởng nhóm nuôi dê cho biết: “Việc thành lập nhóm đem lại nhiều lợi ích, bà con không còn chăn nuôi theo phương thức nhỏ lẻ. Thành công bước đầu là nhóm đã lựa chọn đúng vật nuôi. Trong quá trình nuôi, nếu gặp rủi ro thì các hộ báo với nhóm trưởng để báo lên Trưởng Ban Quản lý Chương trình CPRP tại xã để xử lí kịp thời. Các thành viên biết cách tích lũy đồng vốn, mọi vấn đề được họp bàn thống nhất, có định hướng đầu ra sản phẩm, mở ra cơ hội thoát nghèo cho bà con. Cùng với đó, dê là loài ít bị bệnh, không tốn chi phí thức ăn. Phù hợp với nuôi vùng núi cao, bãi chăn thả rộng, dễ nuôi nên rất phù hợp với điều kiện của xã”.
Anh Phạm Thành Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: “Sự thành công của “tiểu Dự án chăn nuôi dê” không chỉ ở những con số, thu nhập thành viên được cải thiện. Mà quan trọng là “trao cơ hội giảm nghèo” cho dân. Góp phần giúp người dân làm quen với cách làm mới, tìm ra sinh kế phát triển bền vững gắn với định hướng thị trường đầu ra, phát huy tính chủ động về lâu dài, tăng sự gắn kết trong cộng đồng và quan trọng là tư duy của dân không còn ỷ lại vào Nhà nước”.
MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc