Người dân xã Minh Ngọc - Gửi gắm niềm tin vào hợp tác xã "trẻ"
BHG - Vì gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh tìm đầu ra cho sản phẩm nghệ của người dân địa phương. Cơ sở sản xuất và chế biến tinh bột nghệ Minh Ngọc (Bắc Mê) đã năng động, đổi mới chuyển hoạt động từ cơ sở sản xuất thành hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông-lâm-nghiệp (NLN) tổng hợp Ngọc Sơn. Với mục tiêu là đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích trồng cây nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần phát triển nền nông nghiệp chung của địa phương và tăng thu nhập cho nông dân.
Nghệ là một loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh và phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương. Những năm trước đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Minh Ngọc và một số vùng lân cận của huyện Bắc Mê trồng nghệ ra không biết mang bán cho ai? Cho đến khi HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn được thành lập, HTX đã thu mua sản phẩm nghệ tươi của các hộ dân tại xã Minh ngọc và các xã lân cận với giá thu từ 7 đến 8 nghìn đồng/1kg nghệ tươi. Tính riêng trong năm 2015, HTX đã thu mua trên 400 tấn nghệ tươi của các hộ dân trên địa bàn huyện. Sau khi thu mua HTX đã chế biến bột nghệ ngay tại địa phương và đưa ra thị trường sản phẩm tiêu thụ với giá bán 500 nghìn đồng/kg.
Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Bắc Mê trao giấy chứng nhận cho HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn. |
Chị Lã Thị Lệ, một trong những thành viên đầu tiên tham gia HTX cho biết: Trong năm 2015 gia đình tôi trồng được gần 5ha giống nghệ đỏ, đến cuối vụ gia đình đã thu được khoảng từ 20 tấn nghệ tươi và bán cho các cơ sở thu mua, thu về 60 đến 80 triệu đồng/vụ. Việc trồng nghệ cũng rất đơn giản không tốn nhiều công sức chăm sóc, mà vốn đầu tư ban đầu cũng rất ít. Hơn nữa, trồng nghệ được gia đình tôi trồng xen canh cùng với ngô cho nên việc chăm bón cũng rất thuận lợi. Bón phân, chăm sóc cho ngô thì cây nghệ cũng được chăm sóc luôn. Năm 2016 gia đình chị mở rộng diện tích trồng nghệ từ 5 ha lên hơn 7 ha.
Trước đây, việc trồng cây NLN còn manh mún chưa thực sự trở thành hàng hóa, một số cây trồng đã cho sản lượng cao. Nhưng việc chế biến chưa được tổ chức thực hiện. Xuất phát từ những hạn chế đó, các hộ trồng cây nghệ đã bàn bạc thống nhất thành lập HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn. HTX được thành lập với 7 thành viên tham gia; các thành viên tham gia HTX với tinh thần tự nguyện, cùng nhau góp vốn, góp công sức và tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh theo nội dung đăng ký. Tổng số vốn đóng góp là 2,5 tỷ đồng trong đó tiền mặt là 1,5 tỷ. Các ngành nghề sản xuất kinh doanh: Hoạt động dịch vụ, NLN; trồng cây dược liệu; ươm giống cây lâm nghiệp; trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất tinh bột và các sản phẩm từ tinh bột; chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ, tre, nứa.
Những ngày đầu mới thành lập và đi vào hoạt động HTX đã gặp không ít khó khăn vì đối tượng sử dụng dịch vụ mà HTX hướng tới là các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, họ có tập quán canh tác nông nghiệp từ rất lâu đời theo phong tục tập quán của người dân ở nơi đây vẫn còn mang nặng hình thức canh tác tự sản, tự tiêu, chưa có áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào canh tác. Chủ yếu trồng nhỏ, lẻ không tập trung; chưa tận dụng hết diện tích đất của gia đình để sản xuất, thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, dẫn đến thu nhập của người dân thiếu ổn định, gặp nhiều rủi do trong sản xuất.
Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn chia sẻ: Trước khi chuyển đổi thành mô hình HTX kiểu mới, tôi luôn chăn trở và thường xuyên tự đặt ra cho mình hàng loạt các vấn đề như: Mô hình HTX kiểu mới là mô hình như thế nào? Làm thế nào để HTX phát huy hết nội lực, phát triển bền vững? sau khi được hướng dẫn tìm hiểu Luật HTX 2012. Tôi hiểu rằng, ở mô hình HTX kiểu mới là các hộ nông dân sẽ cùng lo, tham gia vào HTX. Những người sáng lập ra HTX sẽ xây dựng kế hoạch, quy hoạch sản xuất. Xuất phát từ nhu cầu thị trường, các hộ nông dân sẽ tiếp tục sản xuất trên diện tích đất của mình theo quy hoạch. HTX sẽ chịu trách nhiệm về giống, phân bón các dịch vụ nông nghiệp khác. Đặc biệt là chịu trách nhiệm bao tiêu sản phẩm và lo đầu ra cho sản phẩm này… Ngoài ra, HTX muốn hoạt động hiệu quả và bền vững phải trên cơ sở bảo đảm các quy định của pháp luật. Tuy bước đầu có chút gian nan, nhưng với quyết tâm và sự đồng thuận cao của các thành viên; thời gian tới, HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường, phát triển thêm các dịch vụ để phục vụ thành viên trong xã và các xã lân cận.
Có thể khẳng định, mô hình HTX nói trên là mô hình HTX kiểu mới với một số đặc trưng mới. Trước tiên, đây là mô hình HTX làm cầu nối gắn người sản xuất với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, từ đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân. Mô hình mới này tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng làm sao tăng được giá trị gia tăng và lợi nhuận trên cơ sở giảm được giá thành đầu vào chứ không chờ vào sự kêu van để có những quyết định hành chính tăng giá, trợ giá từ Nhà nước như trước đây. Bên cạnh đó, HTX từng bước đầu tư, tích lũy để hình thành nên những vùng sản xuất quy mô lớn cũng như áp dụng KHKT vào thâm canh, sản xuất, xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa.
Ông Nguyễn Bình Giang, Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc cho biết: Nhằm phát huy và nâng cao hiệu quả mô hình kinh tế tập thể, trong thời gian tới, xã Minh Ngọc sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn phát triển, đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn xã. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân mở rộng, phát triển diện tích trồng cây nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển; đặc biệt, vận động nhân dân tham gia để hướng tới HTX toàn thôn; tiếp tục tuyên truyền rộng rãi về việc thành lập HTX với nhiều hình thức, loại hình, quy mô và trình độ khác nhau trong các ngành các lĩnh vực; coi phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập chung chỉ đạo củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động của các HTX hiện có và các HTX mới thành lập nhằm thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất trong các HTX. Tiếp đó, xã sẽ đưa cây nghệ trở thành một loại cây trồng chính trong cơ cấu mùa vụ nông nghiệp để tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Chung, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện uỷ Bắc Mê cho biết: HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn ra đời sẽ góp phần tạo động lực để địa phương hoàn thành các tiêu chí còn lại trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH tại một số địa phương khác trên địa bàn huyện. Việc thành lập HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn và đi vào hoạt động sẽ góp phần tìm đầu ra cho việc tiêu thụ sản phẩm và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Đồng thời cũng mong muốn, HTX duy trì hoạt động, thống nhất thời gian, chủ động khảo sát thị trường tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Phấn đấu trở thành mô hình HTX kiểu mẫu của huyện Bắc Mê cũng như của tỉnh Hà Giang.
Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Minh Ngọc còn nhỏ lẻ, manh mún, mức độ áp dụng công nghệ KHKT còn thấp thì việc thành lập HTX kiểu mới là việc làm cần thiết và cần nhân rộng. Gửi gắm niềm tin vào HTX dịch vụ NLN tổng hợp Ngọc Sơn, người dân ở mảnh đất có đến trên 90% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số đang kỳ vọng vào một HTX “trẻ” cùng chính quyền địa phương, phấn đấu trong tổ chức sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao, để san sẻ bớt khó nhọc với người dân.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc