Hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ mía đường trên địa bàn huyện Quang Bình

09:56, 27/10/2016

BHG- Năm 2011, trước chủ trương mở rộng quy mô sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường (CTCPMĐ) Sơn Dương; để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy Đường mới được xây dựng tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), CTCPMĐ Sơn Dương đã tiến hành khảo sát xây dựng vùng nguyên liệu mía tại một số xã, huyện và tỉnh lân cận nhà máy; trong đó có huyện Quang Bình.

Hộ anh Hoàng Đình Huy, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành là một trong những hộ triển khai thực hiện trồng mía từ những vụ đầu tiên; đến nay, gia đình anh có cuộc sống ổn định thu nhập từ cây mía.
Hộ anh Hoàng Đình Huy, thôn Đồng Tiến, xã Yên Thành là một trong những hộ triển khai thực hiện trồng mía từ những vụ đầu tiên; đến nay, gia đình anh có cuộc sống ổn định thu nhập từ cây mía.

Qua nghiên cứu Bộ chính sách đầu tư, hình thức đầu tư vùng nguyên liệu của CTCPMĐ Sơn Dương, UBND huyện Quang Bình đã chấp thuận và đồng ý cho Công ty vào đầu tư tại một số xã trên địa bàn huyện; thực hiện thí điểm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía tại một số xã trên địa bàn huyện theo hình thức CTCPMĐ tự khảo sát lựa chọn, triển khai và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân. Đồng thời trong quá trình triển khai, thực hiện sẽ có đánh giá về hiệu quả và mức độ phù hợp cụ thể để làm căn cứ mở rộng vùng nguyên liệu trong những năm tiếp theo.

Sau khi được sự đồng ý của UBND huyện Quang Bình, CTCPMĐ Sơn Dương đã cử cán bộ phối hợp cùng các đơn vị chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức tuyên truyền chính sách đầu tư, hình thức đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu mía và dự thảo hợp đồng kinh tế về trồng và bao tiêu sản phẩm mía để nhân dân các xã được biết và cùng tham gia. Cùng đó,  tổ chức ký kết hợp đồng, tổ chức đưa máy móc hỗ trợ các hộ khai hoang và làm đất đối với diện tích phù hợp với việc áp dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, tổ chức cung ứng giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng cho nhân dân và tổ chức Lễ ra quân trồng mía vào đầu vụ để nhân dân các xã cùng hưởng ứng. Sau khi lựa chọn được địa điểm thực hiện CTCPMĐ Sơn Dương ký kết hợp đồng trực tiếp với các hộ để sản xuất theo hình thức Công ty đầu tư giống, vật tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người dân vào vụ thu hoạch theo như giá thỏa thuận trong hợp đồng đã ký. Hộ trồng mía có trách nhiệm thanh toán toàn bộ vốn đầu tư cho Công ty sau khi có sản phẩm tiêu thụ theo hình thức khấu trừ từ tiền bán sản phẩm, số còn lại được Công ty thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp cho các hộ.

Ngay vụ trồng mía đầu tiên năm 2012 – 2013, huyện đã chỉ đạo 3 xã trồng thí điểm là: Bằng Lang, Vĩ Thượng, Yên Thành, với tổng diện tích thực hiện là 24,7 ha; kết quả cho thấy, năng suất bình quân đạt 65 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt trên 1.605 tấn, giá bán 900 đồng/kg, giá trị đem lại từ trồng mía đạt trên 1 tỷ 444 triệu đồng. Vụ thứ hai năm 2013-2014, diện tích thực hiện là 60,84 ha, năng suất bình quân 65 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt trên 3.954 tấn, giá bán 900 đồng/kg, giá trị đem lại từ trồng mía đạt trên 3 tỷ 559 triệu đồng; Vụ thứ 3 năm 2014-2015, tổng diện tích thực hiện là 81,63 ha, năng suất bình quân 65 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt trên 5.305 tấn, giá bán 900 đồng/kg, giá trị đem lại từ trồng mía đạt trên 4 tỷ 775 triệu đồng; Vụ thứ 4 năm 2015-2016, tổng diện tích thực hiện là 51,54 ha, giá trị đem lại từ trồng mía đạt trên 3 tỷ 015 triệu đồng.Trao đổi với phóng viên về tình hình tiêu thụ mía qua các vụ, đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: Do được ký kết hợp đồng ngay từ khi triển khai thực hiện trồng, nên tình hình tiêu thụ sản phẩm mía trên địa bàn luôn ổn định. Người dân thu hoạch đến đâu được nhà máy thu mua hết đến đó; giá bán được thực hiện theo đúng như hợp đồng đã ký với mức giá là 900 đồng/ kg mía sản phẩm. Hiệu quả kinh tế từ 1 ha trồng mía chu kỳ 3 năm chi phí đầu tư hết 56 triệu đồng, khi cho thu hoạch sản phẩm thu được 175,5 triệu đồng, lợi nhuận thu được từ trồng 1 ha mía trong 3 năm được 119,5 triệu đồng (bình quân 1 ha/năm thu được 39,8 triệu đồng). Cùng đó, hiệu quả xã hội từ trồng mía theo định mức công lao động cho 1 ha trồng mía/năm bằng 170 công lao động. Để đảm bảo chăm sóc cho 1 ha trồng mía cần 2 lao động liên tục trong năm. Như vậy, giai đoạn 2012 -2016 số lao động có việc làm từ trồng mía là 542 lao động. Đồng thời thực hiện trồng mía nguyên liệu đã giúp cho người dân tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo, tăng  nội lực về tài chính để XD NTM tại địa phương.

Để tiếp tục triển khai thực hiện việc liên doanh, liên kết đầu tư và mở rộng vùng nguyên liệu mía trong những năm tiếp theo (giai đoạn 2015 – 2020), huyện Quang Bình cũng đã phối hợp với CTCPMĐ Sơn Dương tiếp tục thống kê rà soát 9 xã vùng thấp có diện tích đất đồi, đất soi bãi có thể trồng mía đường; đưa 2.000 ha vào trồng mía. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện liên kết đầu tư cùng CTCPMĐ tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, bền vững, từ đó xây dựng kế hoạch có lộ trình cụ thể để phát triển vùng nguyên liệu, dự kiến mỗi năm mở rộng thêm 50 ha trồng mới.

Hiến Chương


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG- Sản xuất Cam sành Hà Giang (CSHG) đã giúp nhiều nhà vườn tại các vùng trọng điểm cam của tỉnh như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên trở thành triệu phú, tỷ phú từ nguồn thu nhập này. Song, để mối liên kết giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm CSHG trở nên bền vững không thể thiếu công tác tìm kiếm thị trường, xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...

27/10/2016
Phục hồi giá trị các khu rừng đặc dụng

BHG- Mặc dù có gần 60 nghìn ha rừng đặc dụng (RĐD) với 6 khu Bảo tồn thiên nhiên nhưng trong thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng, săn bắt các loài động vật đang khiến cho chất lượng rừng bị thay đổi và suy thoái môi trường sống; gây suy giảm số lượng cá thể, đe dọa tuyệt chủng một số loài. Đứng trước thực trạng đó, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ toàn vẹn các hệ sinh thái rừng, các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen động thực vật quý hiếm, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa tại các khu RĐD.

27/10/2016
Thẩm định kết quả xây dựng Nông thôn mới ở Khuôn Lùng

BHG - Ngày 25.10, tại xã Khuôn Lùng (Xín Mần), Hội đồng thẩm định NTM tỉnh Hà Giang đã tiến hành thẩm định đánh giá kết quả xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, cùng lãnh đạo huyện Xín Mần và xã Khuôn Lùng.

26/10/2016
"Mùa vàng" thắng lợi ở Vị Xuyên

BHG- Những ngày cuối Thu, khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện Vị Xuyên rộn ràng không khí thu hoạch lúa vụ Mùa. Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt hòa cùng tiếng nói cười của bà con rộn rã khắp một vùng quê. Mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng trên khuôn mặt lam lũ của những người nông dân đều rạng rỡ nụ cười. Thành quả mà họ thu được sau bao tháng ngày miệt mài trên đồng ruộng là những hạt thóc căng mẩy, vàng óng với một vụ Mùa bội thu...

26/10/2016