Gian nan xây dựng và bảo vệ thương hiệu Mật ong Bạc hà

08:33, 18/10/2016

BHG - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVI về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó con ong được chọn làm thế mạnh giúp bà con 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh xóa đói, giảm nghèo. Trên thực tế con ong đã trở thành “cứu cánh” - mang lại miếng cơm, manh áo cho bà con trên vùng Cao nguyên đá với thương hiệu Mật ong Bạc hà! Tuy nhiên, thời gian qua con ong và uy tín thương hiệu Mật ong Bạc hà luôn bị đe dọa – đồng nghĩa với miếng cơm, manh áo của bà con 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh cũng bị... đe dọa.

Trên Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đá nhiều hơn đất thì hướng thoát nghèo, nâng cao thu nhập của người dân dựa vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi ong lấy mật Bạc hà. Thế nhưng, con ong “nội” của bà con vùng cao nuôi đang phải cạnh tranh và yếu thế trước hàng nghìn đàn ong “ngoại” được người dưới xuôi đem lên khi mùa hoa Bạc hà đến... Thực tế đó đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở cần có biện pháp bảo vệ, phát triển nghề nuôi ong của đồng bào vùng cao, bảo vệ thương hiệu Mật ong Bạc hà.

Mật ong Bạc hà của tỉnh ta là đặc sản quý trên thị trường trong và ngoài nước. Loại mật này có chất lượng đặc biệt bởi nó gắn liền với cây Bạc hà dại, chỉ sinh trưởng và phát triển trên 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh ta vào dịp cuối Thu, đầu Đông. Suốt từ năm 2011 đến năm 2013, với bao công sức của Sở Khoa học và Công nghệ từ khi lập Đề án và trải qua nhiều quy định nghiêm ngặt, sản phẩm mật ong Bạc hà của tỉnh ta mới được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL), phạm vi CDĐL gồm 47 xã thuộc 4 huyện Mèo Vạc, Yên Minh, Đồng Văn và Quản Bạ.

Đoàn công tác của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – PTNT) kiểm tra việc nuôi ong địa phương tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ.
Đoàn công tác của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp – PTNT) kiểm tra việc nuôi ong địa phương tại xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ.

Đồng chí Phạm Minh Giang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Từ khi mật ong Bạc hà được cấp CDĐL đến nay,  chất lượng sản phẩm được đảm bảo hơn và giá trị kinh tế cũng tăng lên đáng kể, tạo dựng được uy tín và danh tiếng trên thị trường. Giá bán hiện giao động từ 400 đến 500 nghìn đồng/lít, cao hơn từ 200 đến 300 nghìn đồng/lít so với thời điểm chưa có CDĐL.

Nghề nuôi ong lấy mật Bạc hà ở các huyện vùng cao núi đá đã mở hướng đi mới trong lĩnh vực chăn nuôi, hướng đi giúp đồng bào các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập. Để giúp người dân phát triển nghề nuôi ong lấy mật, tỉnh ta đã quan tâm, thực hiện nhiều sách hỗ trợ đồng bào vùng cao phát triển, như: Chính sách hỗ trợ phát triển đàn ong; chính sách hỗ trợ bảo tồn và gieo trồng bổ sung cây Bạc hà... Từ đó, số lượng đàn ong tăng lên, đến nay đạt trên 27.800 đàn, tăng gần chục nghìn đàn so với năm 2012. Sản lượng mật thu hoạch ước đạt hơn 136 tấn. Riêng 4 huyện vùng cao nguyên đá Đồng Văn có hơn 20.000 đàn ong, sản lượng mật ong Bạc hà ước gần 90 tấn/năm. Hơn 4.400 hộ dân có nguồn thu đáng kể từ nghề nuôi ong.

Để đảm bảo chất lượng mật ong Bạc hà, người nuôi ong vùng Cao nguyên đá cũng phải tuân thủ một số quy định bắt buộc đã được quy định trong tiêu chuẩn đã đăng kí CDĐL, như: Phải nuôi giống ong nôi (ong Apis cerana - ong châu Á); quy trình kỹ thuật nuôi, khai thác, bảo quản mật ong đã được ban hành; các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm... Bên cạnh đó, để đảm bảo lượng Bạc hà có trong mật ong, diện tích cây Bạc hà được các huyện quy hoạch và phát triển, một số huyện vùng cao đã quan tâm hỗ trợ nhân dân về giống và hướng dẫn kĩ thuật để phát triển diện tích Bạc hà, như Đồng Văn, Mèo Vạc, với diện tích phát triển hàng trăm ha/năm.

Thế nhưng, trong nhưng năm gần đây, một vấn đề đáng lo ngại đó là, trên vùng CDĐL mật ong Bạc hà của tỉnh ta có một số tổ chức, cá nhân ngoại tỉnh sử dụng các giống ong cao sản, ong ngoại như ong Ý đến thuê đất đặt tổ nhằm khai thác lấy mật hoa Bạc hà. Điều đáng nói, loại ong ngoại có kích thước lớn, khỏe, khả năng tranh chấp thức ăn (mật hoa Bạc hà) cao so với ong nội, lấy mật, đánh đuổi, cắn chết ong bản địa, dẫn đến sản xuất của người nuôi ong tại địa phương bị ảnh hưởng, do sản lượng, chất lượng mật ong Bạc hà bị giảm sút, thậm chí các tổ chức nuôi ong ngoại tỉnh còn tự ghi nhãn sản phẩm là Mật ong Bạc hà... làm suy giảm uy tín, danh tiếng của mật ong Bạc hà của tỉnh Hà Giang. “Cứ đến mùa hoa Bạc hà, người dưới xuôi lại đem hàng trăm bộng ong ngoại (ong Ý) lên vùng đất này. Con ong Ý thân to, là “sát thủ” của giống ong nội bà con vùng cao thường nuôi. Do đó, ở đâu có đàn ong Ý thì giống ong nội không ra khỏi tổ, đàn ong đói, chết dẫn đến việc cả đàn bỏ tổ bay đi”, đồng chí Nguyễn Văn Hưng, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Văn – huyện trong vùng trọng điểm nuôi ong của tỉnh - cho biết.

Thực tế đó dẫn đến những tranh chấp, mâu thuẫn giữa người dân vùng cao nuôi ong nội với những tổ chức, cá nhân ngoài tỉnh nuôi ong ngoại vào mùa hoa Bạc hà. Chính quyền các huyện, các xã vùng cao cũng đã có những hành động nhằm bảo vệ uy tín của sản phẩm, bảo vệ người dân bản địa nuôi ong nội. Nhằm giúp bà con 4 huyện vùng Cao nguyên đá sản xuất,  xóa đói, giảm nghèo, cũng như để bảo vệ uy tín sản phẩm mật ong Bạc hà, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị và được Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cử các chuyên gia lên Hà Giang giúp tỉnh xây về chuyên môn và các chính sách phù hợp nhằm ngăn ngừa đàn ong ngoại, bảo vệ người dân vùng cao phát triển nghề nuôi ong nội lấy mật Bạc hà, đồng thời quản lý và phát triển sản phẩm mang CDĐL theo đúng Luật Sở hữu trí tuệ và các Luật khác có liên quan.

VĂN NGHỊ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nhộn nhịp chợ phiên biên giới Mốc 358

BHG - Từ nhiều năm nay, đều đặn mỗi tuần một phiên, chợ biên giới Mốc 358 (hay còn gọi Mốc 9) thuộc địa phận xã Bạch Đích (Yên Minh) luôn tấp nập, người mua, người bán trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa giữa cư dân hai bên biên giới. 

18/10/2016
Vì sao nhiều Dự án trồng rừng không triển khai theo tiến độ?

BHG - Từ năm 2007 – 2015, toàn tỉnh có 20 Dự án (DA) trồng rừng đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) với tổng vốn đầu tư theo đăng ký trên 6.695,8 tỷ đồng, thời hạn hoạt động trung bình từ 30 – 50 năm. Trong đó, có trên 31 nghìn ha được tỉnh thu hồi và cấp thẳng cho doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, theo báo cáo của ngành chuyên môn, có tới 14 DA được cấp phép đầu tư từ năm 2008 đến năm 2014 phải thanh tra, kiểm tra vì không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả theo đúng tiến độ cam kết của chủ đầu đầu tư; buộc các ngành chức năng phải kiến nghị thu hồi giấy phép đầu tư toàn bộ hay một phần DA. Vậy nguyên nhân do đâu?

18/10/2016
Người dân xã Minh Ngọc - Gửi gắm niềm tin vào hợp tác xã "trẻ"

BHG - Vì gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh tìm đầu ra cho sản phẩm nghệ của người dân địa phương. Cơ sở sản xuất và chế biến tinh bột nghệ Minh Ngọc (Bắc Mê) đã năng động, đổi mới chuyển hoạt động từ cơ sở sản xuất nay thành hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông-lâm-nghiệp (NLN) tổng hợp Ngọc Sơn. 

17/10/2016
Diễn đàn Thanh Niên Vị Xuyên khởi nghiệp năm 2016

BHG - Ngày 16.10, tại Hội trường lớn trung tâm huyện Vị Xuyên, UBND huyện phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức Diễn đàn Thanh niên Vị Xuyên khởi nghiệp năm 2016. Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy Vị Xuyên; đại diện các tổ chức, đơn vị khởi nghiệp cùng hơn 300 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là chủ các mô hình kinh tế tiêu biểu, doanh nhân trẻ, học sinh, sinh viên… trên địa bàn huyện.

17/10/2016