Giải pháp phát triển đậu tương hàng hóa ở huyện Hoàng Su Phì
BHG - Là một trong những vùng có diện tích trồng đậu tương lớn nhất của tỉnh. Những năm qua, cây đậu tương luôn được coi là một trong những cây trồng mang tính chiến lược góp phần xóa đói, giảm nghèo của huyện Hoàng Su Phì. Theo số liệu thống kê, diện tích đậu tương của huyện hiện có 5.400 ha (số liệu năm 2015), trong đó vụ xuân khoảng 2.600 ha, vụ hè thu khoảng 2.800 ha. Cơ cấu giống chủ yếu là giống DT 84, giống địa phương chiếm khoảng 15% và chủ yếu là giống đậu tương hạt vàng, hạt xanh; Năng suất đậu tương của huyện bình quân đạt 15,2 tạ/ha, sản lượng hàng năm đạt trên 8.000 tấn; thu nhập từ cây đậu tương chiếm từ 16 - 18% tổng giá trị thu nhập hàng năm của hộ nông dân trong huyện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các ngành chuyên môn, do nhiều nguyên nhân về sản xuất nhất là việc đầu tư thâm canh, áp dụng Khoa học kỹ thuật chưa hợp lý; công tác giống chưa được chú trọng, việc quản lý và sản xuất giống còn tự phát dẫn đến còn nhiều bất cập và chất lượng giống bị pha tạp. Vì vậy, chất lượng thương phẩm kém, năng suất bình quân thấp. Từ thực tế đó, vận dụng các kiến thức được học tại nhà trường cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình của Tiến sỹ Dương Trung Dũng - Giảng viên khoa Nông học trường Đại học Nông lâm - Đại học Thái Nguyên, chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống đậu tương trên đất nương rẫy tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang” nhằm lựa chọn được giống đậu tương có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái, qua đó góp phần nâng cao sản lượng, thu nhập cho người dân tại địa phương.
Các hộ tham gia mô hình ở thôn Võ Thấu Chải, xã Chiến Phố chăm sóc cây đậu tương. |
Đề tài tiến hành nghiên cứu khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất của 8 giống đậu tương: ĐT22, ĐT31, ĐT51, DT2012, ĐT30, ĐT26, DT2008 và DT 84 (giống đối chứng) trong vụ Hè thu năm 2015 và vụ Xuân 2016 tại 2 xã: Xã Chiến Phố và xã Tụ Nhân của huyện Hoàng Su Phì. Qua thực thời gian thực tế khảo nghiệm trên đồng ruộng, kết quả đạt như sau: Thời gian sinh trưởng của các giống đậu tương thí nghiệm ở vụ Xuân năm 2016 ngắn hơn ở vụ Hè thu 2015, biến động từ 86 - 98 ngày (vụ Xuân năm 2016) và từ 88 - 102 ngày (vụ Hè thu năm 2015). Với thời gian sinh trưởng này các giống đều thuộc nhóm có thời gian sinh trưởng trung bình. Đối với khả năng chống chịu, tất cả các giống đậu tương tham gia thí nghiệm kể cả giống đối chứng đều bị sâu phá hại. Tuy nhiên, xét trên bình diện chung thì tỷ lệ sâu, bệnh gây hại trên các giống là không lớn, khả năng chống đổ, chống tách vỏ quả tốt; tính chống chịu của các giống đều ở mức khá.
Năng suất lý thuyết của các giống đậu tương thí nghiệm rất khác nhau, biến động khá lớn từ 21,24 - 32,62 tạ/ha (vụ Hè thu năm 2015) và 19,61 - 28,83 tạ/ha (vụ Xuân năm 2016) giống DT 2008, ĐT 22, ĐT 26 có NSLT cao hơn giống đối chứng ở cả 2 vụ, vụ Hè thu năm 2015 và vụ Xuân năm 2016. Hàm lượng Protein tổng số từ 37,56 - 41,47%, trong đó giống đậu tương DT 2008 có hàm lượng Protein cao nhất 41,47, so với giống đối chứng DT 84 chỉ có hàm lượng 37,56. Hàm lượng lipid dao động từ 15,89 - 19,32%. Giống có hàm lượng lipid cao nhất là giống ĐT 26 đạt 19,32%, giống ĐT 22 có hàm lượng Lipit thô thấp hơn giống đối chứng. Trên cơ sở thực tế, căn cứ vào các đặc tính ưu việt của giống như thời gian sinh trưởng, khả năng chống chịu, các yếu tố cấu thành năng suất, màu sắc hạt của các giống tham gia thí nghiệm, Nhóm thực hiện Đề tài chọn ra 3 giống có triển vọng phát triển phù hợp tại địa phương gồm DT 2008, ĐT 22, ĐT 26.
Nhóm đề tài thu hoạch đậu tương đánh giá năng suất, sản lượng mô hình khảo nghiệm tại xã Chiến Phố. |
Qua thực hiện các mô hình trình diễn tại thôn Võ Thấu Chải, xã Chiến Phố, hai ông Lù Seo Chang và Lù Văn Dợ đại diện các hộ tham gia mô hình nhận định, các giống đậu tương DT 2008, ĐT 22, ĐT 26 cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và khả năng canh tác của bà con. Thời gian sinh trưởng của cây ngắn ngày, khả năng kháng bệnh cao, năng suất cao. Trừ chi phí giống, phân bón, vật tư người dân có lãi khoảng từ 14-16 triệu đồng/1ha đậu tương. Không chỉ vậy, cây đậu tương lại giúp đất thêm màu mỡ, vụ sau trồng cây gì cũng cho năng suất cao hơn, vì vậy, nhiều hộ đã giữ giống cho năm sau.
Ngoài hiệu quả kinh tế, thông qua quá trình thực hiện Đề tài khảo nghiệm một số giống đậu tương mới còn giúp bà con nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho đậu tương, đổi mới nhận thức mùa vụ, biết loại bỏ những cây kém chất lượng, tạo ra giống có độ đồng đều, chủ động giữ giống cho vụ sau… Thời gian tới, chính quyền xã sẽ tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân phát huy tính chủ động trong lao động sản xuất, tích cực phát triển diện tích đậu tương để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ kết quả nghiên cứu thực tiễn và đánh giá nhận xét của cấp ủy, chính quyền, cùng với người dân địa phương, nhóm thực hiện đề tài kiến nghị với huyện Hoàng Su Phì nên phát triển giống đậu tương DT 2008, ĐT 22, ĐT 26 và ĐT84 vào sản xuất đại trà trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khuyến cáo nông dân tích cực áp dụng biện pháp quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) trong sản xuất, phát triển diện tích đậu tương tại huyện Hoàng Su Phì.
Việc tích cực khảo nghiệm đưa giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái, có năng suất, chất lượng tốt vào phát triển sản xuất đậu tương hàng hóa sẽ góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chế biến và dịch vụ tại địa phương, trong đó chủ yếu là đồng bào các dân tộc vùng cao, vùng còn nhiều khó khăn. Đậu tương là cây trồng truyền thống, cây dễ trồng có thể vừa làm nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp, chăn nuôi, vừa làm nguồn cung cấp dinh dưỡng cho người dân. Nguồn thu nhập từ sản xuất đậu tương góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện mức sống, hạn chế tệ nạn xã hội. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc đậu tương, người dân sẽ nâng cao được nhận thức, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật với các loại cây trồng, vật nuôi khác, thực hiện canh tác hợp lý trên đất dốc và áp dụng mô hình nông - lâm kết hợp, góp phần cải thiện môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên đất phục vụ cuộc sống.
Trần Quang Bằng
(Phó Chủ tịch HĐND huyện Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc