Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc tại tỉnh ta

15:24, 12/10/2016

BHG- Sáng 12.10, Đoàn công tác Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) do đồng chí Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh ta về tình hình chăn nuôi ong tại 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh; tư vấn kỹ thuật nuôi ong, quản lý lĩnh vực nuôi ong cho ngành Nông nghiệp tỉnh. Cùng đi có đại điện Hiệp Hội nuôi ong Việt Nam, Công ty Cổ phần ong T.Ư. Làm việc với Đoàn có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và một số phòng, trung tâm trực thuộc Sở.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân (ngoài cùng bên phải) và đoàn công tác kiểm tra, tìm hiểu nghề nuôi ong ở 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh tại gia đình anh Lý Sán Rèn, xã Thanh Vân (Quản Bạ).
Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân (ngoài cùng bên phải) và đoàn công tác kiểm tra, tìm hiểu nghề nuôi ong ở 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh tại gia đình anh Lý Sán Rèn, xã Thanh Vân (Quản Bạ).

Trong chương trình làm việc, Đoàn công tác Cục Chăn nuôi đã cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT đến thăm, kiểm tra hoạt động nuôi ong của một số hộ dân ở xã Thanh Vân (Quản Bạ). Tại các hộ đến thăm, các thành viên trong đoàn đã trao đổi, tìm hiểu thực tế tình hình chăn nuôi ong nội và ong ngoại của người dân trong những năm gần đây.

Sau khi đi tìm hiểu thực tế tại cơ sở, Đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT về tình hình phát triển chăn nuôi ong trên địa bàn 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT với đoàn công tác, trong những năm gần đây, tỉnh ta đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi ong, qua đó nghề nuôi ong đã có nhiều thay đổi như: Chuyển dần từ hình thức nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang đầu tư nuôi tập trung số lượng lớn để phát triển kinh tế gia đình; đã có nhiều hộ nuôi từ 50 đến 100 đàn; hình thành một số doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác nuôi ong và kinh doanh mật ong. Số lượng đàn ong của tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Tính đến năm 2015, tổng đàn ong của tỉnh là 27.862 đàn, tăng 44,% so với năm 2011. Trong đó, phát triển nuôi ong tập trung chủ yếu tại 4 huyện vùng cao phía Bắc của tỉnh với tổng số 19.750 đàn, chiếm 70,9% so với tổng đàn toàn tỉnh. Song song với sự phát triển đàn ong, tỉnh ta đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật ong Bạc hà Mèo Vạc trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh. Khẳng định thương hiệu mật ong của tỉnh…

Qua quá trình kiểm tra thực tế, tại buổi làm việc với Sở Nông nghiệp, đại diện Cục Chăn nuôi, Hiệp hội nuôi ong Việt Nam và Công ty Cổ phần ong T.Ư đã đánh giá khái quát một số thuận lợi khó khăn về tình hình chăn nuôi ong của tỉnh ta, đồng thời tư vấn về cách quản lý hoạt động chăn nuôi ong, sản phẩm mật ong...

Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT.
Đoàn công tác làm việc với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý và tham mưu các văn bản chỉ đạo cho UBND tỉnh về hoạt động nuôi ong của ngành Nông nghiệp tỉnh. Đồng thời đưa ra một số đề nghị nhằm tư vấn cho ngành Nông nghiệp tỉnh ta nói riêng, Hà Giang nói chung trong hoạt động quản lý, phát triển đàn ong và nghề nuôi ong cũng như thương hiệu Mật ong Bạc hà của tỉnh như: Cần nghiên cứu thật kỹ các quy định để có giải pháp bảo tồn nguồn gen giống ong địa phương của Hà Giang; có báo cáo thật chính xác và đầy đủ về nghề nuôi ong, sinh kế  của đồng bào vùng cao Hà Giang; xây dựng quan điểm vừa phát triển vừa bảo tồn giống ong địa phương, trên cơ sở đó, có đề xuất với Bộ Nông nghiệp để có chương trình bảo tồn giống ong bản địa của Hà Giang; đánh giá sự sinh trưởng và phát triển của cây bạc hà, số lượng diện tích đông đặc cụ thể để có quy định rõ ràng về số lượng đàn ong được phép nuôi trong diện tích đó; tiếp tục tham khảo thêm để xác định mật độ hợp lý của cây bạc hà với số lượng đàn ong được phép nuôi mà vẫn cho sản lượng mật cao; rà soát, đánh giá lại việc thực hiện nội dung Chỉ dẫn địa lý Mật ong Bạc hà Mèo Vạc, và có chỉnh sửa, bổ sung kịp thời để đưa ra những quy định quản lý việc nuôi ong một cách hiệu quả; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng Mật ong Bạc hà để bảo vệ thương hiệu…

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghề nuôi ong - sinh kế của người dân Cao nguyên đá: Kỳ I - Nỗi niềm người nuôi ong nội

BHG- Trên vùng Cao nguyên đá, ngoài cây ngô, con bò thì con ong được xem là vật nuôi góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nghèo. Ở nơi chỉ có đá này, con ong lấy mật từ loài hoa dại nở duy nhất vào một mùa trong năm, tạo ra sản vật nổi tiếng cho vùng đất địa đầu Tổ quốc – mật ong Bạc hà. 

12/10/2016
Nuôi cá chép ruộng, mô hình "2 trong 1" ở Mậu Duệ

BHG - Mô hình nuôi cá chép ruộng ở xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh không biết đã có từ bao giờ, nhưng cho đến nay mô hình này vẫn được người dân trong xã duy trì. Với phương thức canh tác nêu trên, thì trên cùng một diện tích đất ruộng bà con nông dân nơi đây vừa có nhu nhập từ cây lúa, vừa có nguồn thu từ con cá chép ruộng.   

11/10/2016
Mật ong Bạc hà và cuộc mưu sinh trên "Bìa đỏ đá"

BHG- Nói đến con ong mật, chẳng người dân Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn nào lại không biết về loài ong bản địa và cây bạc hà. Mật ong bạc hà được chắt lọc từ CNĐ, nức tiếng tứ phương bởi giá trị dinh dưỡng và dược tính của nó. Nhiều du khách đến Miền đá đòi được đi xem, đi mua cho được thứ mật ong bạc hà. Mật ong bạc hà là nguồn sống cho biết bao hộ dân nghèo, tô điểm cho sắc mầu văn hóa trên CNĐ.

11/10/2016
Bắc Mê gỡ "nút thắt" tái cơ cấu nông nghiệp

BHG- Mặc dù chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng trong những năm qua, huyện Bắc Mê vẫn chưa có điểm nhấn, đột phá về khai thác các sản phẩm nông nghiệp lợi thế. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Để giải "bài toán" thoát nghèo cho người nông dân, địa phương đang xác định thế mạnh cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những "nút thắt" còn vướng mắc.

11/10/2016