Có nên đánh đổi thương hiệu vì vài tấn mật bạc hà?
Dù tranh cãi về mặt khoa học, pháp lí giữa tỉnh Hà Giang và những người nuôi ong ngoại chưa ngã ngũ, nhiều chuyên gia, nhà quản lí cho rằng, về lý còn nhiều chỗ chưa rõ, song bên cạnh đó còn có đạo lý nữa. Không thể tham vài tấn mật bạc hà mà đánh đổi cả một thương hiệu quý giá mất bao công sức gây dựng.
Nên bảo vệ thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc. |
Nhận chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, sau khi nghe các đại biểu tham dự cuộc họp tại Hà Nội phát biểu ý kiến, đoàn công tác Cục Chăn nuôi đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với Sở NN-PTNT Hà Giang nhằm tìm hướng giải quyết thấu tình, đạt lý vấn đề bảo tồn thương hiệu mật ong bạc hà. Trong thông báo do Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân ký gửi các cơ quan báo chí thì các hộ nuôi ong tại 4 huyện với 47 xã (theo chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Mèo Vạc) thuộc tỉnh Hà Giang đều là đồng bào dân tộc thiểu số, nuôi giống ong nội địa phương (Ceran) với quy mô nhỏ từ 5 -100 đàn để lấy mật tiêu dùng và bán ra thị trường. Song cũng có một số đàn ong ngoại nuôi trong vùng, mỗi điểm nuôi từ 300 đàn trở lên, nhưng phần lớn cho ăn đường. Đoàn khảo sát cũng ghi nhận mật độ các điểm nuôi ong hiện tại là quá dày so với nguồn hoa bạc hà hiện có nên nếu để ong ngoại tràn lan chắc chắn sẽ gây xáo trộn đàn ong bản địa. Cây bạc hà tại Hà Giang chủ yếu mọc tự nhiên, gần đây có tác động cơ học của đồng bào để tăng diện tích và mật độ giúp cho đàn ong khai thác mật được nhiều hơn. Nhưng nguồn hoa bạc hà trong vùng vẫn hạn chế, cây thưa, dễ dẫn đến nguồn hoa thiếu. Theo Cục Chăn nuôi, hiện tại chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam về nuôi ong. Cục Sở hữu trí tuệ mới chỉ cấp chỉ giới địa lý mật ong Mèo Vạc cho 4 huyện với 47 xã theo Quyết định số 316/QĐ-SHTT ngày 01/3/2013 kèm theo giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00035.
Về mặt kỹ thuật, theo các tài liệu khoa học và ý kiến từ các chuyên gia, Cục Chăn nuôi khuyến cáo, nếu mật độ hoa bạc hà dày thì nuôi không quá 40 đàn/ha, khoảng cách giữa các điểm nuôi ong tối thiểu 2km, mỗi điểm không quá 100 đàn ong. Bởi nếu đặt quá gần nhau sẽ xảy ra tranh chấp nguồn hoa, cướp mật, tiêu diệt nhau, ảnh hưởng đến giao phối. Thực tế đã chứng minh, ong ngoại và ong nội có thể xảy ra tranh chấp nguồn mật hoa, cướp mật, gây chia đàn và phần thiệt hại thường thuộc về ong nội. Tuy nhiên, việc tranh chấp nguồn hoa và cướp mật của đàn ong chỉ xảy ra khi hoa khan hiếm hoặc do thời tiết bất lợi, mật hoa đột nhiên bị giảm. Bên cạnh đó, mật độ các đàn ong quá dầy hay ong ngoại nuôi gần ong nội cũng là nguyên nhân xảy ra tranh chấp.
Cục Chăn nuôi đề nghị Sở NN-PTNT Hà Giang xây dựng Tiêu chuẩn chất lượng cơ sở cho nuôi ong mật và SX mật ong bạc hà Mèo Vạc. Chương trình bảo tồn ong nội địa phương phải nêu giống cụ thể, theo văn bản 818. Cần cải tiến chất lượng đàn ong, tăng cường tập huấn và chuyển giao kỹ thuật. Rà soát và điều chỉnh lại quyết định 316 và giấy chứng nhận cho phù hợp. Đặc biệt, mọi quyết sách cần dựa trên chủ trương lớn là an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc nghèo vùng cao và an ninh quốc phòng nơi biên giới.
Theo các chuyên gia về ong, do ong nội có tính cần cù, trong khi cây bạc hà tại Hà Giang mọc rải rác nên có thể đặt ở những nơi ít hoa. Song với ong ngoại (ong Ý) chỉ khi nào nguồn hoa nhiều và phong phú loài này mới chịu ra khỏi tổ đi lấy mật. Do đó, thực tế các thùng ong ngoại tại Hà Giang hiện nay chủ yếu được nuôi bằng đường để gian lận thương mại nên Hà Giang cần quản lí thật chặt vấn đề nhái nhãn mác, thương hiệu mật ong bạc hà Mèo Vạc thì tự khắc người nuôi ong ngoại sẽ rút.
http://nongnghiep.vn
Ý kiến bạn đọc