Cơ hội cho người nuôi ong từ việc thành lập Hội sản xuất và kinh doanh Mật ong trên Cao nguyên đá

08:42, 05/10/2016

BHG- Thiên nhiên ban tặng cho vùng Cao nguyên đá cực Bắc Tổ quốc điều kiện tự nhiên với nhiều loài thảo mộc quý hiếm: Tam thất, hoa bạc hà, đương quy... Gần đây, nhân dân khu vực Cao nguyên đá đang nhân rộng thêm nhiều loại cây có giá trị dinh dưỡng và chữa bệnh cao. Nhờ vậy, mật ong nơi đây không chỉ mang hương vị thơm ngon đặc trưng, mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Nghề nuôi ong lấy mật đã trở thành sinh kế bền vững đem lại thu nhập khá ổn định cho bà con. Đặc biệt, gần đây tỉnh Hà Giang đã thành lập Hội sản xuất và kinh doanh (Hội SX&KD) mật ong trên Cao nguyên đá, đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho người nuôi ong và thương hiệu Mật ong Hà Giang vươn xa ra thị trường cả nước.

Người dân huyện Quản Bạ đang chăm sóc đàn ong mật.
Người dân huyện Quản Bạ đang chăm sóc đàn ong mật.

Mật ong bạc hà là sản phẩm quý hiếm không chỉ trong mà cả ngoài nước. Là sản phẩm mật ong đầu tiên của Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Chất lượng loại mật ong này vừa thơm ngon, vừa tốt cho sức khỏe, với giá bán bình quân trên thị trường từ 400 – 600 nghìn đồng/lít. Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay toàn tỉnh có trên 27.800 đàn ong (tăng hơn 8000 đàn so với năm 2011); tăng 3,1 % so với năm 2014. Sản lượng mật thu hoạch ước đạt 136,8 tấn; tăng 6,3 % so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn ong mật tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn đã được cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Mật ong bạc hà có tổng số 20.000 tổ chiếm 70% tổng đàn ong của tỉnh, sản lượng mật ước gần 90 tấn đạt 65% sản lượng mật toàn tỉnh. Tổng số tổ chức, cá nhân thường trú tại địa phương nuôi ong là 22 tổ chức với số lượng 5.600 tổ và 4.400 hộ với số lượng 14.000 tổ.

Ông Bùi Kim Đồng, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển Nông nghiệp cho biết: “Thời gian qua, việc xây dựng chỉ dẫn địa lý gắn với các sản phẩm của địa phương có đặc thù đã bước đầu phát huy được hiệu quả. Giá thành sản phẩm mật ong trước khi xây dựng chỉ dẫn địa lý khoảng 200 nghìn đồng/lít, sau khi xây dựng đạt 400-500 nghìn đồng/lít. Thị trường được mở rộng, nhiều nơi biết đến thương hiệu mật ong Cao nguyên đá Hà Giang hơn. Hội SX&KD Mật ong ra đời sẽ tạo sự liên kết chặt chẽ hơn giữa người nuôi ong, người trồng hoa và người mua bán mật ong. Hứa hẹn đưa thương hiệu Mật ong Hà Giang vươn xa hơn”.

Từ năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mật ong bạc hà Mèo Vạc. Cũng từ đây, tháng 7.2016, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Hội SX&KD mật ong trên Cao nguyên đá để đẩy mạnh sản xuất và bảo vệ thương hiệu. Hội được thành lập với 146 hội viên (HV) là đại diện các hộ nuôi ong và kinh doanh mật ong trên địa bàn 4 huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ. Hội được thành lập với mục đích đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho HV, đảm bảo sản xuất, tiêu thụ có hiệu quả bền vững và tăng thu nhập cho HV. Tạo thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn vốn, kỹ thuật và thị trường cho người nuôi ong. Đồng thời, tạo sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm và nghĩa vụ hơn giữa những người nuôi ong, giúp họ trao đổi kinh nghiệm, học tập, tổ chức hướng dẫn cho HV thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi và bảo quản mật ong để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tổ chức kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng nội bộ, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước cho sản phẩm mật ong. Từ đây, quá trình học hỏi của bà con cũng dễ dàng và mang tính thực tiễn hơn. Các hộ nuôi ong phải cam kết không pha chế thêm bất kỳ phụ gia thực phẩm nào, không lẫn tạp chất và côn trùng, mật ong phải có màu sắc và hương vị đặc trưng của từng mùa hoa.Anh Nguyễn Văn Sắc, đại diện các hộ nuôi ong ở huyện Đồng Văn cho biết: “Hiện nay, mật ong Bạc hà được bày bán đã có hiện tượng giả mạo. Nên đôi khi sản phẩm của chúng tôi là mật ong thật bán ra, lại bị khách hàng nghi ngờ, không tin tưởng. Nhiều hộ nuôi ong còn nhỏ lẻ nên khó bán, chưa có sự liên kết nên sản lượng và chất lượng mật ong chưa cao. Qua việc thành lập Hội SX&KD mật ong Cao nguyên đá tạo điều kiện giúp người nuôi ong chúng tôi có sự liên kết, hợp tác với nhau để học tập và trao đổi kinh nghiệm kỹ thuật nuôi ong. Đồng thời thương hiệu mật ong Bạc hà Cao nguyên đá được giữ vững, việc buôn bán thuận lợi hơn”.

Anh Cháng Thìn Lù, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ - thành viên của Hội SX&KD mật ong trên Cao nguyên đá chia sẻ: “Hợp tác xã Mật ong dược liệu Thanh Long của chúng tôi được thành lập từ năm 2014, gồm có 15 thành viên. Ong ở đây lấy mật chủ yếu ở các loại cây dược liệu như Tam thất, Ý dĩ, Đương quy, Kim ngân. Hiện tại chúng tôi bán mật ong với quy mô còn nhỏ lẻ và giá chưa cao. Nhờ thành lập Hội SX&KD mật ong này mà chúng tôi có dịp quảng bá và giới thiệu sản phẩm mật ong dược liệu của mình đến người tiêu dùng hơn”.

Anh Ngô Mạnh Cường, Chủ tịch Hội SX&KD mật ong Cao nguyên đá Hà Giang cho biết: “Việc thành lập Hội sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn cho các hộ nuôi ong, giúp tăng thu nhập cho các HV và người nuôi ong. Thông qua nhiều cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện, nhiều hộ sẽ có cơ hội được vay vốn, mở rộng đầu tư và tập huấn về kỹ thuật nuôi ong. Từ việc thành lập Hội sẽ được T.Ư, tỉnh quan tâm hỗ trợ người nuôi ong nhiều hơn, đặc biệt là về máy tách thủy phần và diệt men giúp tăng chất lượng mật. Thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động người nuôi ong tham gia vào Hội và tạo điều kiện, tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ cho người nuôi ong”.

Việc thành lập Hội SX&KD mật ong Cao nguyên đá Hà Giang hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội cho người nuôi ong, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho người nông dân. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để đưa Mật ong Hà Giang tiếp cận thị trường là việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, khi nguồn vốn quay vòng trong tiêu thụ sản phẩm khá eo hẹp, Hội mới thành lập còn non trẻ và hạn chế kinh nghiệm. Người nuôi ong cũng mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm, dành nhiều cơ chế ưu đãi hơn nữa để khuyến khích phát triển nghề nuôi ong lấy mật trên Cao nguyên đá và giữ vững, đưa thương hiệu Mật ong Cao nguyên đá Hà Giang vươn tầm bay xa.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đồng Văn nỗ lực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo

BHG - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính,  nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc.

30/09/2016
Tăng cường công tác quản lý, thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi và khai thác đất san lấp mặt bằng thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

BHG - Ngày 22.9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã có Chỉ thị số 2226/CT-UBND gửi các đơn vị liên quan về việc tăng cường công tác quản lý, thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi và khai thác đất san lấp mặt bằng thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh. Báo Hà Giang Điện tử đăng toàn văn Chỉ thị này.

30/09/2016
Hội nghị toàn quốc về xây dựng nông thôn mới

BHG- Sáng 30.9, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới (NTM) và phát động Phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng NTM" giai đoạn 2016 – 2020. 

30/09/2016
Ra mắt HTX sản xuất và dịch vụ nông, lâm nghiệp Nặm Nịch

BHG- Ngày 30.9, thôn Nặm Nịch, xã Thanh Đức (Vị Xuyên) tổ chức Lễ ra mắt Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông, lâm nghiệp (NLN) Nặm Nịch.

30/09/2016