Chủ trương phát triển vật liệu xây không nung bao giờ thực sự vào cuộc sống?

08:10, 26/10/2016

BHG- Đầu năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 645/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây không nung. Mục tiêu đặt ra nhằm hạn chế, đi đến xóa bỏ hoàn toàn các loại lò sản xuất gạch đất sét nung thủ công, công nghệ lạc hậu. Theo lộ trình, từ tháng 4.2013, các công trình đầu tư bằng ngân sách phải sử dụng vật liệu không nung (VLKN). Thế nhưng, đã qua thời điểm bắt buộc, nhiều chủ công trình gần như không hề biết đến sự tồn tại của chủ trương này.

Trụ sở làm việc mới Chi cục Thuế thành phố Hà Giang - một trong số rất ít công trình đầu tư bằng ngân sách sử dụng gạch không nung.
Trụ sở làm việc mới Chi cục Thuế thành phố Hà Giang - một trong số rất ít công trình đầu tư bằng ngân sách sử dụng gạch không nung.

Nỗi buồn... “người mở đường”

Trước khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 645, ngay đầu năm 2010 và năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định, chỉ thị phê duyệt Chương trình Phát triển vật liệu xây dựng không nung đến 2020; tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung, hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung... Chủ trương này đã được các tổ chức, cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đón nhận và mạnh dạn đầu tư công nghệ, sản xuất gạch không nung như: Công ty TNHH Kiên Cường xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền sản xuất 50 triệu viên gạch Block/năm tại KCN Bình Vàng; Công ty TNHH MTV Ngọc Hà, đầu tư sản xuất 24 triệu viên gạch Block quy tiêu chuẩn/năm. Ngoài ra, tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 59 dây chuyền sản xuất gạch xi - măng cốt liệu theo công nghệ rung, ép, công suất dưới 3 triệu viên/năm,... đưa năng lực sản xuất gạch không nung toàn tỉnh đạt 100-110 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Các chủ trương, chính sách, lộ trình đưa gạch không nung vào thị trường đã rõ, thế nhưng, số phận người đi trước mở đường lại gặp nhiều lận đận. Công ty TNHH Kiên Cường - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã sớm nhận ra những lợi thế đối với thị trường gạch không nung. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu thị trường; năm 2010, Công ty quyết định đầu tư trên 10 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất gạch không nung nhằm tạo ra các chủng loại như gạch đặc, gạch 2-10 lỗ cách âm với công suất khoảng 50 triệu viên/năm. So với sản xuất thủ công truyền thống, gạch không nung có nhiều ưu điểm nổi trội, giá thành hạ, chất lượng tốt hơn bởi độ nén thủy lực cao, gạch rắn chắc, không bị vỡ, cong vênh. Sản phẩm gạch không nung của Công ty TNHH Kiên Cường được Bộ Xây dựng kiểm định đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về vật liệu xây dựng... Thế nhưng, sau thời gian ngắn hoạt động, sản phẩm làm ra tồn kho lớn, đọng vốn, buộc doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy chờ thời cơ.

Cùng thời điểm trên, năm 2010, HTX Anh Lan (Kim Ngọc - Bắc Quang) cũng được Nhà nước giao thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh: Nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm gạch không nung bằng công nghệ thích hợp. Từ nguồn ngân sách hỗ trợ, Hoàng Ngọc Anh - Chủ nhiệm HTX đã nghiên cứu, tìm ra công nghệ pha trộn thích hợp giữa đất và các chất phụ gia, tạo ra sản phẩm gạch không nung đất hóa đá vừa thân thiện môi trường, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, giá thành rẻ, đáp ứng tốt nhu cầu vật liệu xây dựng các công trình dân dụng trên địa bàn xã và vùng lân cận. Khi mới đi vào hoạt động, xã viên làm không hết việc, nhưng rồi sản phẩm được hình thành từ công nghệ đất hóa đá của HTX Anh Lan cũng chung số phận như Công ty TNHH Kiên Cường, những viên gạch không nung làm ra không bán được, nhiều người còn hoài nghi về chất lượng của nó. Dây chuyền sản xuất gạch không nung của HTX Anh Lan được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, chỉ hoạt động rầm rộ một thời gian ngắn, sau đó phải cắt giảm sản lượng rồi dừng hẳn, HTX đã phải mang thiết bị đi cầm cố lấy tiền trang trải nợ nần.

Chủ trương lớn chưa vào cuộc sống

Theo số liệu tính toán của cơ quan chức năng, năm 2015 nhu cầu sử dụng gạch xây các loại trên địa bàn tỉnh đạt 200 triệu viên, đến năm 2020 tăng lên 270 triệu viên quy tiêu chuẩn. Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, hoạt động khai thác, chế biến đá vôi, đất sét làm vật liệu xây dựng, sản xuất gạch nung, không nung phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, sản xuất thời gian qua vẫn mang tính tự phát và vô hình trung đã tạo nên những hệ lụy như tàn phá cảnh quan môi trường, phá hoại đất sản xuất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường...

Cũng theo tính toán của các chuyên gia, sản xuất gạch đất sét nung, phải sử dụng nguồn nguyên liệu chủ yếu đất sét với chất lượng từ trung bình trở lên, dùng nhiên liệu nung đốt gồm củi và nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu. Hiện nay, tỷ lệ sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên thế giới ngày càng giảm vì nguồn nguyên liệu đang cạn kiệt, công nghệ lạc hậu gây ra nhiều chất thải nguy hại, việc khai thác đất sét sẽ làm giảm diện tích đất trồng cây nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực, hủy hoại cảnh quan môi trường. Từ đó, các nhà khoa học nghiên cứu, sáng tạo ra nhiều vật liệu thay thế, trong đó có công nghệ sản xuất gạch không nung với những ưu điểm vượt trội cả về tính năng kỹ thuật, mỹ thuật, ít ảnh hưởng đến môi trường sống.

Từ thực tế đó, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020; năm 2012, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung; năm 2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 645/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển vật liệu xây không nung... Theo lộ trình sử dụng gạch không nung, tỉnh ta xác định, năm 2015 các cơ sở sản xuất đáp ứng được 30% nhu cầu tiêu thụ, tương đương khoảng 60 triệu viên, đến năm 2020 đáp ứng được từ 40-50% nhu cầu, tương đương 110-135 triệu viên quy tiêu chuẩn. Theo đó, từ đầu tháng 4.2013, các công trình đầu tư bằng nguồn ngân sách trên địa bàn thành phố Hà Giang phải sử dụng 100% VLKN; tại 4 huyện vùng cao phía Bắc, 2 huyện phía Tây phải sử dụng từ 80% VLKN đến hết năm 2015, sau đó phải sử dụng 100%; các công trình từ 9 tầng trở lên ngoài vốn ngân sách, phải sử dụng tối đa 30%, sau 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLKN trong tổng số vật liệu xây dựng.

Quy định là vậy, nhưng qua tìm hiểu được biết, từ khi quyết định của tỉnh được ban hành, trên địa bàn thành phố Hà Giang mới có duy nhất 2 công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách, gồm Trụ sở làm việc mới của Bộ CHQS tỉnh và Chi cục Thuế thành phố có sử dụng VLKN. Tìm hiểu vấn đề trên, đại diện lãnh đạo ngành Xây dựng cho rằng, VLKN chưa vào được thị trường do người có trách nhiệm chưa thực hiện đúng yêu cầu của tỉnh. Cụ thể, tại Đề án phát triển gạch không nung đã nêu rất rõ: Người quyết định đầu tư có trách nhiệm quy định sử dụng VLKN, chủ đầu tư có trách nhiệm sử dụng các loại VLKN phù hợp, các nhà thầu tư vấn thiết kế, thi công, giám sát có trách nhiệm đưa vào thiết kế các loại VLKN phù hợp với từng loại kết cấu, tuân thủ đúng quy định thiết kế về sử dụng VLKN. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, khi thẩm tra, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng công trình phải đảm bảo việc sử dụng VLKN theo đúng quy định...Nếu những người có trách nhiệm thực hiện đúng trách nhiệm của mình, tỉnh ta sẽ thực hiện tốt lộ trình xóa bỏ các lò thủ công, lò đứng liên tục và các lò sản xuất gạch đất sét nung sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đưa sản phẩm gạch không nung thân thiện môi trường vào đời sống.    

Thiên Thanh


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cơ hội để phụ nữ thoát nghèo từ nuôi lợn nái luân chuyển

BHG- Sau khi con lợn nái được tặng đẻ lứa đầu tiên, chủ hộ sẽ có trách nhiệm tặng lại một hộ nghèo khác 1 con lợn nái đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, đảm bảo làm nái sinh sản (khoảng 10kg/con), được Hội LHPN xã và cán bộ thú y thẩm định và tiêm phòng. Mô hình "Chăn nuôi lợn nái luân chuyển" của Hội LHPN tỉnh đang mang lại hiệu quả thiết thực với trên 300 hộ được tặng lợn giống, giúp các hội viên từng bước thoát nghèo.  

25/10/2016
Phụ nữ trên quê hương núi Đôi giúp nhau phát triển kinh tế

BHG- Trong câu chuyện về xây dựng Nông thôn mới, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quản Bạ, Ngô Thị Minh, hồ hởi giới thiệu về những tấm gương điển hình phụ nữ ở vùng Cao nguyên đá đang phát triển kinh tế gia đình hiệu quả. Từ những đôi bàn tay đảm đang, nhiều mô hình kinh tế, cách làm hay được chị em truyền nhau nhân rộng. 

25/10/2016
Quang Bình: Khởi công xây dựng cơ sở sản xuất lúa giống và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp

BHG - Chiều 25.10, UBND huyện Quang Bình tổ chức Lễ khởi công xây dựng cơ sở sản xuất lúa giống và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp. Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Triệu Tài Phong, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND huyện…

25/10/2016
Công đoàn ngành Giao thông vận tải Hà Giang chung sức cùng xã Tân Bắc xây dựng Nông thôn mới

BHG- Sáng 24.10, tại UBND xã Tân Bắc (Quang Bình), Công đoàn ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Giang phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động chung sức cùng xã xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đến dự có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở GTVT Hà Giang; lãnh đạo huyện Quang Bình...

24/10/2016