Cần có thêm cơ chế chính sách hỗ trợ để tiếp tục triển khai Đề án phát triển ngựa bạch hàng hóa ở Mèo Vạc

09:57, 27/10/2016

BHG- Cách đây 4 năm, Mèo Vạc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ngựa bạch hàng hóa, giai đoạn 2012 – 2015”, hứa hẹn mang đến sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, đã 4 năm trôi qua, số lượng đàn ngựa bạch tăng được chỉ... “đếm trên đầu ngón tay”. Việc tạo ra sản phẩm ngựa bạch hàng hóa đến nay vẫn là “bài toán” mà huyện nghèo đang loay hoay tìm lời giải.

Ngựa bạch của gia đình ông Phàn Quẩy Chiêm, thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Máng phát triển ổn định.
Ngựa bạch của gia đình ông Phàn Quẩy Chiêm, thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Máng phát triển ổn định.

Đề án “Phát triển ngựa bạch hàng hóa, giai đoạn 2012 – 2015” được xem là hướng đi mới giúp Mèo Vạc tăng đàn ngựa và tạo sản phẩm đặc sản, đặc trưng miền Cao nguyên đá; tạo công ăn việc làm, thúc đẩy kinh tế, XĐGN, hạn chế tình trạng người dân sang Trung Quốc lao động trái phép. Trên cơ sở bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của tỉnh và nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện, địa phương đã đầu tư trên 1,6 tỷ đồng hỗ trợ mua 40 con ngựa bạch giống sinh sản (6 con ngựa đực và 34 con ngựa cái) cho 31 hộ ở 5 xã: Lũng Chinh, Sủng Máng, Tát Ngà, Pả Vi, Nậm Ban tham gia nuôi, chăm sóc. Sau một thời gian, đàn ngựa đã nhanh chóng thích nghi, phát triển tốt; ít bị dịch bệnh, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Ông Phàn Quẩy Chiêm, người dân thôn Sủng Nhỉ B, xã Sủng Máng là một trong những hộ trực tiếp tham gia nuôi cho biết: “Ngựa được gia đình nuôi nhốt, phát triển khá ổn định. Trước đây chủ yếu nuôi ngựa địa phương, mới đầu nuôi ngựa bạch gặp không ít khó khăn, nhưng ngựa là loài dễ thuần nên nếu biết cách chăm sóc sẽ cho khả năng sinh sản tốt và giá trị kinh tế cao”. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số gia đình có kinh nghiệm và quan tâm chăm sóc ngựa; đa số hộ còn lại thiếu quan tâm đầu tư, không áp dụng đúng kỹ thuật chăn nuôi ngựa nên khả năng phát triển kém; ngựa chậm lớn, còi cọc, chậm sinh sản, còn để bị dịch bệnh gây chết ngựa, không phát huy được hiệu quả. Vì thế, từ 40 con ngựa giống ban đầu, sau 4 năm mới có thêm được 3 con ngựa bạch.

Được biết, những năm trước đây, phương tiện đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân Mèo Vạc chủ yếu dựa vào sức ngựa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, đàn ngựa địa phương trên địa bàn huyện Mèo Vạc có dấu hiệu suy giảm về số lượng. Từ năm 2010, huyện Mèo Vạc đã đầu tư 500 triệu đồng hỗ trợ mua 100 con ngựa thực hiện theo Đề án “Bảo tồn và phát triển đàn ngựa địa phương phục vụ nhu cầu hàng hóa và du lịch”, với mục tiêu phấn đấu hết năm 2015 đàn ngựa của huyện có 530 con. Thế nhưng, đến tháng 8.2015, toàn huyện chỉ còn 138 con ngựa địa phương (so với năm 2010, đàn ngựa giảm 195 con). Nguyên nhân được xác định do người dân có điều kiện kinh tế mua sắm phương tiện đi lại nên việc nuôi ngựa địa phương không được chú trọng; hộ chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ, chủ yếu nuôi nhốt tại gia đình, số lượng ngựa ít nên khó khăn trong việc tăng đàn. Hiện nay, các hộ chăn nuôi ngựa chủ yếu ở những thôn xa trung tâm, đường đi lại khó khăn, nuôi ngựa phục vụ nhu cầu của gia đình...

Theo nhận định của đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc: “Mặc dù thời gian đầu, việc tăng đàn gặp nhiều khó khăn, nhưng có thể khẳng định trong thời gian tới, đàn ngựa bạch của huyện sẽ phát triển mạnh. Các lứa sinh sản sẽ đáp ứng nhu cầu về giống phục vụ mô hình”. Trong giai đoạn 2015 – 2020, để hiện thực hóa mục tiêu mở rộng quy mô đàn, tạo sản phẩm hàng hóa, huyện đang phối hợp với UBND các xã làm tốt công tác hướng dẫn kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết thu hồi, điều chỉnh đối với những hộ thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện Đề án, hiệu quả thấp sang các hộ khác có điều kiện và trách nhiệm để thực hiện; xây dựng, phát triển đàn ngựa bạch giống có chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu thịt ngựa và cao ngựa bạch vùng Cao nguyên đá. Dù đồng tình ủng hộ và nhiệt tình tham gia, nhưng đã 4 năm trôi qua, đối với người dân ở Mèo Vạc, việc nuôi ngựa bạch vẫn là câu chuyện khá mới mẻ. “Để sản phẩm ngựa bạch trở thành hàng hóa cần phải có thêm thời gian. Hơn nữa, để Đề án đi vào cuộc sống, thực sự mang lại thu nhập cho người dân, bên cạnh nỗ lực xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật chăn nuôi ngựa bạch phù hợp với điều kiện của địa phương làm cơ sở tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng cho người dân, huyện rất mong có thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ để tiếp tục thực hiện mô hình” – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc khẳng định.

KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phục hồi giá trị các khu rừng đặc dụng

BHG- Mặc dù có gần 60 nghìn ha rừng đặc dụng (RĐD) với 6 khu Bảo tồn thiên nhiên nhưng trong thời gian qua, tình trạng chặt phá rừng, săn bắt các loài động vật đang khiến cho chất lượng rừng bị thay đổi và suy thoái môi trường sống; gây suy giảm số lượng cá thể, đe dọa tuyệt chủng một số loài. Đứng trước thực trạng đó, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ toàn vẹn các hệ sinh thái rừng, các giá trị đa dạng sinh học, nguồn gen động thực vật quý hiếm, các giá trị về cảnh quan thiên nhiên và di tích lịch sử, văn hóa tại các khu RĐD.

27/10/2016
Nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG- Sản xuất Cam sành Hà Giang (CSHG) đã giúp nhiều nhà vườn tại các vùng trọng điểm cam của tỉnh như: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên trở thành triệu phú, tỷ phú từ nguồn thu nhập này. Song, để mối liên kết giữa sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm CSHG trở nên bền vững không thể thiếu công tác tìm kiếm thị trường, xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...

27/10/2016
Hiệu quả trong liên kết sản xuất, tiêu thụ mía đường trên địa bàn huyện Quang Bình

BHG- Năm 2011, trước chủ trương mở rộng quy mô sản xuất của Công ty Cổ phần Mía đường (CTCPMĐ) Sơn Dương; để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy Đường mới được xây dựng tại xã Bình Xa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), CTCPMĐ Sơn Dương đã tiến hành khảo sát xây dựng vùng nguyên liệu mía tại một số xã, huyện và tỉnh lân cận nhà máy; trong đó có huyện Quang Bình.

27/10/2016
"Mùa vàng" thắng lợi ở Vị Xuyên

BHG- Những ngày cuối Thu, khắp các cánh đồng trên địa bàn huyện Vị Xuyên rộn ràng không khí thu hoạch lúa vụ Mùa. Tiếng máy gặt đập liên hợp, máy tuốt hòa cùng tiếng nói cười của bà con rộn rã khắp một vùng quê. Mồ hôi ướt đầm lưng áo nhưng trên khuôn mặt lam lũ của những người nông dân đều rạng rỡ nụ cười. Thành quả mà họ thu được sau bao tháng ngày miệt mài trên đồng ruộng là những hạt thóc căng mẩy, vàng óng với một vụ Mùa bội thu...

26/10/2016
gửi hàng đi mỹ mua hàng hộ tại mỹ giá rẻ Nhập nguồn hàng Trung Quốc tại Cbay