Bắc Quang "đánh thức" tiềm năng kinh tế phía Đông sông Lô
BHG- “Nhất cận thị, nhị cận giang”, câu ca dao xưa đúc kết yêu cầu của thương nhân muốn sống gần chợ, gần sông để thuận tiện giao thương. Và ngày nay, để “nhị cận giang” thực sự trở thành “địa chỉ vàng” để tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư sản xuất (SX), kinh doanh thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển; BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang khóa XXI đã cụ thể hóa quyết tâm trên bằng Nghị quyết Phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu và rừng SX tại các xã phía Đông sông Lô, giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là “Nghị quyết sông Lô”).
Người dân thôn Thượng (xã Đồng Tâm) phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ. |
9 xã phía Đông sông Lô của huyện Bắc Quang bao gồm: Vô Điếm, Kim Ngọc, Bằng Hành, Liên Hiệp, Hữu Sản, Đức Xuân, Thượng Bình, Đồng Tiến và Đồng Tâm. Đây là vùng có thế mạnh, tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng SX và cây dược liệu. Với tổng diện tích đất tự nhiên lên đến gần 47,6 nghìn ha (chiếm 43% diện tích đất toàn huyện), 9 xã phía Đông sông Lô cơ bản phủ xanh diện tích bằng 36,2 nghìn ha đất lâm nghiệp, gồm rừng SX (gần 8,4 nghìn ha), rừng Quế (529 ha). Số diện tích còn lại là rừng tự nhiên và đất vườn, đồi tạp. Tận dụng bãi chăn thả, các xã phía Đông sông Lô đã nhân tổng đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) lên tới 10.220 con (chiếm 48,4% tổng đàn gia súc toàn huyện), gắn với trồng 278 ha cỏ làm nguồn thức ăn cho gia súc. Đặc biệt, toàn vùng có 7.026 hộ với 31.444 khẩu thì có đến 16.582 người trong độ tuổi lao động. Đây chính là nguồn nhân lực dồi dào để thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.
Tuy nhiên, thực tiễn phát triển kinh tế tại 9 xã phía Đông sông Lô được cơ quan chuyên môn huyện Bắc Quang chỉ ra rằng: Kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng. Việc chuyển dịch SX theo hướng hàng hóa còn chậm, quy mô SX nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết trong SX gắn với bao tiêu sản phẩm... Từ thực tế trên, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và giảm nghèo bền vững; tháng 7.2016, Nghị quyết sông Lô của BCH Đảng bộ huyện Bắc Quang chính thức đi vào cuộc sống. Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, Trần Văn Hòa cho biết: Với Nghị quyết này, tại 9 xã phía Đông sông Lô, huyện tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu (Quế) và rừng SX theo hướng SX hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu tập trung. Gắn SX với chế biến để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và tổ chức lại SX theo hướng đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý. Tạo vùng SX hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh của khu vực phía Đông sông Lô là chăn nuôi đại gia súc, cây dược liệu và rừng SX để cung cấp sản phẩm và nguyên liệu cho thị trường tiêu dùng; đẩy nhanh tốc độ phát triển của các xã khu vực này ngang bằng với mặt bằng chung của huyện... Đối với chăn nuôi đại gia súc, huyện hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (Viện Chăn nuôi) trong việc cải tạo, cung ứng giống chất lượng tốt cho chăn nuôi. Đồng thời, chọn lọc trâu, bò, ngựa đực địa phương có tầm vóc lớn làm giống và cải tạo đàn bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Mặt khác, phối hợp với các Viện nghiên cứu cây lâm nghiệp, dược liệu nhằm chuyển giao khoa học công nghệ SX một số giống mới, đưa vào SX tại các xã phía Đông sông Lô; trên cơ sở sử dụng đất một cách hợp lý, hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững và an toàn sinh thái môi trường.
Song song với việc làm trên, huyện Bắc Quang đặc biệt quan tâm tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, triển khai, áp dụng linh hoạt, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, chính sách khuyến khích phát triển SX nông, lâm nghiệp hàng hóa của T.Ư và tỉnh như: Nghị định 55, 75 của Chính phủ, Nghị quyết 47, 209 của HĐND tỉnh. Mặt khác, quan tâm khơi thông nguồn tín dụng đến đối tượng tham gia để hỗ trợ con giống, trồng cỏ, xây dựng chuồng trại...
Thực tiễn cho thấy, “Nghị quyết sông Lô” đi vào cuộc sống, bước đầu tạo đổi thay tích cực trong nhân dân. Nếu như trước đây, gia đình anh Hoàng Văn Sà, thôn Thượng (xã Đồng Tâm) chăn nuôi trâu hoàn toàn dựa vào nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, thì nay, gia đình anh đã chuyển đổi 1,5 ha đất SX lúa không chủ động về nước tưới sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn vỗ béo cho đàn trâu 5 con. Trong tương lai không xa, nguồn thu nhập trên góp phần không nhỏ giúp gia đình anh nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Còn anh Lý Văn Kỳ, thôn Pha (xã Đồng Tâm) cho biết: Gia đình anh đã thuê máy xúc, tạo đường đồng mức để chuyển đổi thành công 0,5 ha đất đồi tạp sang trồng Cam sành – sản phẩm đã giúp nhiều hộ trong xã trở thành triệu phú...
Với mục tiêu, giải pháp cụ thể cùng sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân, Nghị quyết trên của BCH Đảng bộ Bắc Quang sẽ từng bước tạo diện mạo mới về KT-XH cho 9 xã phía Đông sông Lô. Bởi đến năm 2020, các xã này phấn đấu nâng tổng đàn gia súc lên gần 11,5 nghìn con (chiếm 50,8% tổng đàn gia súc toàn huyện), tổ chức trồng 2.600 ha rừng SX và tái sinh, trồng bổ sung 504 ha cây dược liệu...
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc