Bắc Mê gỡ "nút thắt" tái cơ cấu nông nghiệp
BHG- Mặc dù chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng trong những năm qua, huyện Bắc Mê vẫn chưa có điểm nhấn, đột phá về khai thác các sản phẩm nông nghiệp lợi thế. Vì vậy, tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn và cần thiết. Để giải “bài toán” thoát nghèo cho người nông dân, địa phương đang xác định thế mạnh cũng như đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những “nút thắt” còn vướng mắc.
Kỳ I: Bắt đúng “bệnh” nhà nông
Với tiềm năng lớn về tài nguyên đất và có diện tích rừng phong phú, nhưng huyện Bắc Mê luôn bị đánh giá là địa phương có tốc độ phát triển chậm, chưa khai thác được thế mạnh sẵn có. Tìm hiểu về vấn đề này, đa số lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương khẳng định, bên cạnh khó khăn mang tính khách quan thì chủ yếu do người dân còn... “lười”.
Bí thư Huyện ủy Bắc Mê (người đứng giữa) trực tiếp kiểm tra tình hình phát triển cây nghệ ở xã Minh Ngọc. |
Đâu là căn nguyên?
Xác định sản xuất nông, lâm nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm; Bắc Mê đã xây dựng các Nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án và ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ; chú trọng chuyển đổi khung thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm quy hoạch và phát triển sản xuất hàng hóa tập trung theo vùng... Bằng những giải pháp đó, đến năm 2015, huyện có tổng sản lượng lương thực đạt trên 3 vạn tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 553kg/người/năm. Con số này theo đánh giá của địa phương, mặc dù đã có bước phát triển mạnh so với đầu nhiệm kỳ, nhưng vẫn không đạt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Trên thực tế, để so sánh với các huyện địa hình núi đá, Bắc Mê có nhiều lợi thế về tài nguyên đất. Thế nhưng, điều trái ngược có thể dễ dàng nhận thấy ngay giữa mùa vụ khi có không ít thửa ruộng bỏ hoang hay những mảnh vườn cỏ mọc um tùm; trong khi đó, đời sống của đa số người dân chỉ ở mức trung bình hoặc nghèo. Sau nhiều năm với không ít giải pháp phát triển nhưng tính “đột phá” trong sản xuất hàng hóa ở địa phương còn chậm, chưa có sản phẩm chế biến cạnh tranh trên thị trường; xuất hiện một số mô hình kinh tế hiệu quả nhưng vẫn mang tính manh mún và theo kiểu “mạnh ai người ấy làm”.
“Vạch” rõ căn nguyên của tình trạng này, đồng chí Nguyễn Văn Chung, Bí thư Huyện ủy Bắc Mê cho biết: “Bên cạnh khó khăn về địa hình chia cắt, độ dốc lớn, diễn biến thời tiết bất thường, xuất phát điểm nền kinh tế thấp thì cốt lõi đó là cách làm lâu đời đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người nông dân. Họ chưa chủ động trong phát triển kinh tế và tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại; một số bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước”.
Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, Bắc Mê xác định, ngoài việc bắt đúng căn nguyên bệnh “lười” của người dân, Đảng bộ huyện cũng chỉ rõ: Một số cấp ủy chưa thực sự năng động, nhạy bén trong vai trò lãnh đạo toàn diện, vẫn còn “bệnh hình thức, thành tích, bao biện làm thay”; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc có mặt chậm đổi mới; năng lực quản lý, điều hành của một số cơ quan và chính quyền cơ sở có mặt còn hạn chế, chưa thường xuyên kiểm tra, đôn đốc trong quá trình triển khai thực hiện...
Mở hướng thoát nghèo từ cây nghệ:
Khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lại sản xuất cho người nông dân ở Bắc Mê chính là việc lựa chọn cây, con giống phù hợp, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong khi đang loay hoay đi tìm câu trả lời thì cơ sở chế biến tinh bột nghệ xã Minh Ngọc của anh Nguyễn Văn Hùng (người dân trong xã) đi vào hoạt động, thu mua nghệ với giá cao đã tạo động lực giúp nhân dân mở rộng diện tích trồng nghệ. Nhận thấy trồng nghệ sẽ tạo ra sự chuyển dịch nội bộ nông nghiệp và có thể chữa được bệnh “lười” của người nông dân vì không mất công chăm sóc, không mất tiền đầu tư, Bắc Mê đã xác định mở hướng thoát nghèo từ cây nghệ.
Cơ sở chế biến tinh bột nghệ của anh Nguyễn Văn Hùng, xã Minh Ngọc liên kết với nông dân, tiêu thụ hàng trăm tấn nghệ tươi mỗi năm. |
Cây nghệ từ lâu đã gắn bó với người dân ở các xã Minh Ngọc, Yên Định, Minh Sơn, Thượng Tân và một số xã khác trên địa bàn huyện Bắc Mê. Tuy nhiên, loại cây này trước đây chỉ trồng nhỏ lẻ nhằm giúp giữ ẩm đất cho nương ngô. Gia đình anh Giàng Thanh Hậu, thôn Khâu Lừa, xã Minh Ngọc hơn chục năm nay chỉ trông vào cây ngô một vụ. Tuổi đời còn trẻ nhưng ngoài cây ngô, gia đình anh chỉ đủ khả năng nuôi thêm con lợn, con gà; có năm ngô mất mùa, cả nhà 4 miệng ăn lại phải chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Từ khi cơ sở sản xuất tinh bột nghệ xã Minh Ngọc đi vào hoạt động, thu mua nghệ tươi với giá thành cao đã giúp cho gia đình anh dần ổn định cuộc sống.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn nghệ đang thời kỳ mướt lá, anh Hậu kể: “Những năm trước, người dân trong thôn trồng rải rác và bán cho các thương lái dưới xuôi, nhưng do giá chỉ trên dưới 1 nghìn đồng/kg nên người dân không thiết tha trồng nghệ. Từ lúc cơ sở của xã thu mua với giá từ 7 – 8 nghìn đồng/kg, bà con bắt đầu mở rộng diện tích”. Được biết, nghệ là cây dễ trồng, phù hợp với nhiều loại đất; nghệ trồng cùng ngô nên chỉ mất một ít công sức nhưng mang lại hiệu quả “kép”, vì nghệ có khả năng giữ ẩm cho đất, giúp người dân tốn ít công làm cỏ; sau khi thu hoạch, lá cây nghệ được sử dụng làm phân xanh, giúp cải tạo đất. Tuy cây nghệ mỗi năm chỉ cho thu hoạch một lần nhưng sản lượng tương đối cao, mỗi ha cho sản lượng từ 30 – 35 tấn nghệ tươi. Theo đánh giá của người dân xã Minh Ngọc, trồng nghệ cho giá trị kinh tế gấp 7 – 8 lần trồng ngô, trong khi đó nghệ trồng xen canh, ngô vẫn cho thu hoạch. Nhằm bao tiêu sản phẩm cho người dân, cơ sở chế biến tinh bột nghệ xã Minh Ngọc đã hỗ trợ giống, phân bón và cam kết thu mua đúng giá toàn bộ sản phẩm của người dân. Để giúp cơ sở mở rộng diện tích nhà xưởng, huyện Bắc Mê đã đưa ra các cơ chế hỗ trợ nhằm tạo mối liên kết chặt chẽ, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người nông dân, góp phần tạo việc làm, hạn chế tình trạng đi Trung Quốc lao động tự do...
Trong lộ trình tái cơ cấu, với mục tiêu đưa cơ cấu nông nghiệp của huyện chuyển dịch đúng hướng theo quan điểm của tỉnh, Bắc Mê đang thực hiện một cuộc “đại phẫu”, trong đó chú trọng tổ chức lại sản xuất để “tẩy rửa” tư duy sản xuất lạc hậu...
Kỳ II: Cuộc “đại phẫu” tư duy sản xuất
Nhằm tạo sự cân bằng trong nội bộ ngành Nông nghiệp, huyện Bắc Mê đang thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đặt trong mối quan hệ hữu cơ, gắn với tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh và lấy chăn nuôi làm khâu “đột phá”. Tuy nhiên, “nút thắt” lớn nhất chính là người dân vẫn chưa chịu thay đổi tập quán canh tác truyền thống. Để hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, có chiều sâu, địa phương đang thực hiện một cuộc “đại phẫu” để tổ chức lại sản xuất nhằm làm thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu của người nông dân.
Người dân thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông đẩy mạnh trồng cỏ phát triển chăn nuôi. |
Thay đổi tập quán canh tác lâu đời:
Trong những năm trước, mặc dù Bắc Mê đã đưa ra nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững nhưng do người nông dân bảo thủ, không chịu thay đổi tập quán canh tác lâu đời. Chuyện cán bộ nông nghiệp và người dân làm việc theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” đã khiến cho ngành Nông nghiệp ở địa phương rơi vào tình trạng trì trệ trong một thời gian khá dài.
Không lấy làm lạ khi những cánh đồng lúa ở địa phương khác vào thì “con gái”, lúc đó người dân ở Bắc Mê mới bắt đầu gieo mạ chuẩn bị cấy. Vì thế, mùa vụ ở Bắc Mê thường mất mùa, năng suất đạt thấp, cuộc sống người nông dân luôn ở thế bấp bênh. Theo chia sẻ của lão nông Phàn Văn Giáp thôn Bản Loan, xã Yên Định: “Gia đình có trên 3 sào ruộng nhưng chưa năm nào đủ ăn. Ruộng chỉ cấy một vụ, có năm gần đến lúc thu hoạch gặp lũ quét, toàn bộ hai thửa ruộng chỉ vớt vát được vài bao tải lúa”. Trước đây, mọi người trong thôn quen với việc cấy muộn, đến thời gian thu hoạch thường vào đầu mùa mưa nên năng suất, sản lượng không cao, chưa nói đến mất trắng do thiên tai. Nhưng, từ khi chuyển đổi mùa vụ, thực hiện chủ trương “dồn điền đổi thửa”, đưa vụ Đông trở thành vụ chính và thực hiện “5 cùng” trong sản xuất, đã giúp gia đình ông dần thoát khỏi khó khăn.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây xã Yên Định chủ yếu nuôi trâu, bò làm sức kéo. Kể từ khi thay đổi nhận thức, người dân đã đầu tư mua máy cày và áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng vụ. Từ 6 chiếc máy cày được huyện hỗ trợ, đến nay xã đã có 157 chiếc máy cày, máy gieo mạ và 3 máy tuốt lúa liên hoàn. Trên cơ sở tư duy sản xuất của người nông dân được “gột rửa”, Bắc Mê đã quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa 500 ha, ngô 960 ha, lạc 300 ha, đậu tương 500 ha ở các xã trên địa bàn; thành lập 29 tổ chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; thực hiện đầu tư có thu hồi để tái đầu tư tại 4 thôn điểm của 3 xã, thị trấn làm cơ sở nhân rộng. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân tích cực sản xuất.
Bà Thào Thị Mỷ, thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông chăm sóc đàn gia súc của gia đình. |
Tạo “đột phá” từ chăn nuôi:
Mặc dù với lợi thế về đất đai nhưng chăn nuôi ở Bắc Mê lâu nay chỉ dừng lại ở quy mô hộ gia đình. Để mở hướng thoát nghèo cho người dân, trong quá trình tái cơ cấu, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch; xác định mục tiêu cụ thể. Nhằm tránh thực hiện theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”, địa phương đã đổi mới cách làm bằng việc triển khai trồng cỏ trước, sau đó mới tập trung phát triển trâu, bò theo hướng hàng hóa.
Với phương châm mỗi xã “một cây, một con, một việc”, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển trâu, bò hàng hóa gắn với thâm canh; có cơ chế hỗ trợ trồng cỏ gắn với nuôi trâu, bò nhốt; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cỏ mới trồng; hỗ trợ lãi suất cho hộ nghèo và cận nghèo vay vốn chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Với sự quyết liệt, đầu năm 2016, địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn trồng cỏ ở chỗ đất trống và tận dụng triệt để diện tích đất đai gần nhà; chuyển đổi một số diện tích đất trồng ngô năng suất thấp sang trồng cỏ chăn nuôi. Đến nay, diện tích cỏ toàn huyện mở rộng lên đến gần 2 nghìn ha, chủ động nguồn thức ăn cho trên 18 nghìn con trâu, trên 7.500 con bò và trên 18.000 con dê...
Trên cơ sở diện tích cỏ được mở rộng, Bắc Mê hướng đến quy hoạch chăn nuôi trâu, bò nhốt. Thôn Phia Vèn, xã Lạc Nông được xem là địa bàn có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nhất ở Bắc Mê. Cả thôn trông như “đại bản doanh”, khi cả thôn có 50/54 hộ tham gia nuôi trâu, bò, hộ ít nhất có từ 3 con trở lên. Trước đây, do chăn thả tự nhiên nên đàn trâu, bò của thôn phát triển không ổn định, dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình 135, ngân hàng chính sách, dự án chia sẻ,... bà con thôn Phia Vèn đã chuyển sang nuôi nhốt. Anh Giàng Mí Páo, Bí thư Chi bộ thôn Phia Vèn chia sẻ: “Sau nhiều năm hạ sơn tưởng rằng cứ mãi đói khổ; từ khi huyện có chính sách hỗ trợ, bà con chuyển sang chăn nuôi nhốt mới thấy đây thực sự là cách làm hiệu quả, giúp cho người dân trong thôn bớt đi nỗi lo đói nghèo”.
Theo tìm hiểu, sau quá trình “đại phẫu” tư duy sản xuất, người dân ở Bắc Mê đã có chuyển biến lớn trong nhận thức. Với mục tiêu phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung theo vùng, phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng chăn nuôi chiếm 31,2% giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, Bắc Mê bước đầu triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt ở các xã Minh Sơn, Lạc Nông, Phiêng Luông, Yên Phong làm cơ sở nhân rộng. Đặc biệt, người dân có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo khi Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống.
Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Mê hướng đến mục tiêu phát triển cân đối, hợp lý giữa lĩnh vực trồng trọt – chăn nuôi – lâm nghiệp. Để người nông dân là chủ thể trong quá trình tái cơ cấu, huyện đã biết cách tạo “cú hích” ngay từ lợi thế của địa phương và đa dạng các hình thức liên kết trong sản xuất. Khi những ”nút thắt” được tháo gỡ và thế mạnh được phát huy, có thể tin tưởng trong thời gian không xa, Bắc Mê sẽ là một trong những địa phương có nền nông nghiệp phát triển bền vững.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc