Tín hiệu vui cho sản phẩm cam Sành Hà Giang

08:14, 28/09/2016

BHG- Trong những năm qua, đến mỗi vụ cam, nhãn hiệu cam Sành Hà Giang (CSHG) thường xuyên bị các tư thương lợi dụng để bán sản phẩm của các địa phương khác kiếm lời. Vì vậy, không ít lần danh tiếng CSHG đã bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như giá thành, chất lượng sản phẩm khi sản phẩm nhái không đạt được lượng, mẫu mã như CSHG. Để đảm bảo quyền lợi cho người trồng cam và khẳng định sản phẩm CSHG, tháng 6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã gửi đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành của tỉnh Hà Giang” (viết tắt là chỉ dẫn địa lý (CDĐL) tới Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Sau khi thẩm định, Cục sở hữu trí tuệ đã chấp nhận đơn hợp lệ. Theo quy định, sau 6 tháng, nếu đối tượng trong đơn đáp ứng được yêu cầu về bảo hộ, CSHG sẽ chính thức được cấp văn bằng bảo hộ CDĐL. Đây là tín hiệu vui đối với những người trồng cam nói riêng và thương hiệu CSHG của tỉnh nói chung.

Cam Sành Hà Giang đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường nhiều năm nay.
Cam Sành Hà Giang đã và đang khẳng định được vị thế trên thị trường nhiều năm nay.

Trên địa bàn tỉnh ta cây cam được trồng từ những năm 1980 và trồng ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, vùng có điều kiện tự nhiên thích hợp và là vùng cam trọng điểm của tỉnh nằm ở 3 huyện Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Những năm qua, thương hiệu CSHG được đông đảo người tiêu dùng ưa thích và đón nhận. Theo tìm hiểu, cam Sành thực sự trở thành cây ăn quả nổi bật của tỉnh từ đầu những năm 2000. Năm 2004, nhãn hiệu CSHG đã được Cục sở hữu trí tuệ xác lập và bảo hộ. Tỉnh ta cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này năm 2005 và xây dựng một số mô hình nâng cao chất lượng vườn cam, đồng thời tổ chức quảng bá, tiếp thị sản phẩm và tạo được uy tín thương hiệu CSHG. Qua đó, vị thế, giá trị CSHG được nâng nên rõ rệt, giúp tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người trồng cam. Thời điểm hoàng kim của CSHG được cho là vào những năm 1990  - 2000 khi đã được xuất khẩu sang các nước trong khu vực với sản lượng trên 3.000 tấn/năm.

Với những lợi thế và giá trị kinh tế mà cây cam mang lại cho người nông dân đã được khẳng định từ hàng chục năm qua, trong nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Đảng bộ tỉnh, cây cam được lựa chọn là một trong những cây chủ lực của tỉnh và được tỉnh quy hoạch phát triển vùng cam tập trung đến năm 2020 nhằm tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn với những giống cam đặc sản, truyền thống có năng suất cao, mẫu mã quả đẹp, chất lượng tốt, đưa cây cam trở thành cây ăn quả mũi nhọn của tỉnh. Chính vì vậy, đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển cây cam, đặc biệt là cam Sành được tỉnh ban hành như; Nghị quyết 2009/2015/NQ-HĐND tỉnh; Dự án phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020... Qua đó, diện tích cam tăng lên đáng kể, chỉ tính riêng năm 2015, diện tích cam trồng mới trên địa bàn tỉnh là 2.136,7 ha, nâng tổng số diện tích cam toàn tỉnh lên 5.399,8 ha. Sản lượng hiện đạt trên 13.200 tấn/năm. Giá bán cam tại vườn cho thương lái những năm gần đây khá cao, ổn định khoảng từ 10.000 – 12.000 đồng/kg. Nhiều hộ trồng cam đã trở nên khá giả, trở thành những triệu phú, tỷ phú nhờ cây cam.

Hiện nay vụ cam 2016 - 2017 đang đến gần, tỉnh đã xây dựng nhiều chương trình xúc tiến, quảng bá sản phẩm CSHG trong niên vụ này như: Thiết kế Catolog, tờ rơi, tập gấp giới thiệu sản phẩm CSHG để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tới các Trung tâm Thương mại, Hội chợ triển lãm và khách hàng trong và ngoài nước; đăng ký tham gia trưng bày sản phẩm cam Sành tại Hội chợ triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam năm 2016 dự kiến tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 11 tới. Đồng thời, Trung tâm khuyến công, xúc tiến công thương (Sở Công thương tỉnh) cũng dự kiến phối hợp với các đơn vị hữu quan tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm cam Sành niên vụ 2016 – 2017 vào tháng 11 này tại huyện Bắc Quang để giới thiệu tới các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài tỉnh trong lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ nông sản quan tâm quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm CSHG.

Một điều đặc biệt nữa trong niên vụ cam 2016 – 2017 này, đó là sản phẩm CSHG giới thiệu trong các hội chợ, triển lãm sẽ có logo, mẫu mã bao bì giống như mẫu mã đã đăng ký CDĐL với Cục sở hữu trí tuệ (đã được bảo hộ). Đồng thời, tỉnh đã xây dựng và đang từng bước triển khai kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như phát tờ rơi hướng dẫn cách nhận biết sản phẩm CSHG để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn đúng sản phẩm. Theo anh Giang Đức Hiệp, Trưởng phòng Trồng trọt – Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Đặc thù về hình thái, cảm quan của CSHG được nhận biết đó là quả cam có hình tròn hơi dẹt; vỏ màu vàng chanh hoặc vàng mã mật dày, sần hoặc có đốm nắng; múi và tép cam có màu đỏ hồng với độ ngọt thanh, chua dôn dốt, không chát và có mùi thơm. Do có vỏ dầy nên quả cam có thể để đến 20 ngày vẫn không bị hỏng. Đặc biệt, CSHG thường chín từ đầu tháng 10 đến tháng 11 (âm lịch) hàng năm”.

Hi vọng rằng, với sự chấp thuận đơn đăng ký CDĐL CSHG của Cục sở hữu trí tuệ và những chương trình xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm CSHG trong vụ cam 2016 – 2017 này. Thương hiệu CSHG sẽ tiếp tục khẳng định và nâng cao giá trị, vị thế trên trên thị trường, củng cố lòng tin với người tiêu dùng trong những năm tiếp theo.

DUY TUẤN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

HTX Xuân Mai nỗ lực phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Xuân Minh

BHG- Từ một cơ sở chế biến chè xanh thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chỉ bán ở thị trường trong tỉnh; đến nay, sau hơn chục năm xây dựng, phát triển, Hợp tác xã (HTX) Xuân Mai ở thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh (Quang Bình) đã dần tạo được uy tín, thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết Xuân Minh. Sản phẩm chè của HTX không chỉ đáp ứng nhu cầu trong, ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu ra ngoài nước, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

28/09/2016
Hợp tác xã kiểu mới – "đòn bẩy" trong phát triển kinh tế

BHG- Hợp tác xã (HTX) kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, một trong những mục tiêu chính đó là tổ chức lại sản xuất cho người dân, đưa người dân vào tổ sản xuất để nâng cao trình độ cũng như nhận thức về thị trường. Sau một thời gian triển khai, nhiều HTX đã khẳng định vai trò "đòn bẩy" trong phát triển kinh tế, không chỉ phá bỏ "rào cản" kinh tế tập thể mà còn gỡ "nút thắt" trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

27/09/2016
Hội nghị thành lập Hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Khuổi My, xã Phương Độ

BHG- Sáng 25.9, tại trụ sở thôn Khuổi My, xã Phương Độ (T.P Hà Giang) đã diễn ra Hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Khuổi My. Tới dự có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố Hà Giang; các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo các ban, ngành của thành phố; đại biểu đến từ các xã, thôn bạn, cùng đông đảo người dân trong thôn.

27/09/2016
Sẽ có thêm 3.647 hộ vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới Quốc gia

BHG- Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, với nhiều dân tộc anh em chung sống, địa hình đồi, núi chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với cả nước, trình độ dân trí thấp, dân cư sống rải rác, do đó việc đưa điện đến từng hộ dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn.

27/09/2016