Sẽ có thêm 3.647 hộ vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới Quốc gia
BHG- Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, với nhiều dân tộc anh em chung sống, địa hình đồi, núi chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với cả nước, trình độ dân trí thấp, dân cư sống rải rác, do đó việc đưa điện đến từng hộ dân là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Việc đưa điện lưới Quốc gia đến vùng sâu, vùng xa luôn được Đảng, Nhà nước và tỉnh ta đặc biệt quan tâm triển khai trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay tỷ lệ hộ dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới Quốc gia vẫn khá thấp. Từ những khó khăn trên, để từng bước đưa tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng điện lưới Quốc gia tăng cao, Công ty Điện lực Hà Giang đang tiến hành triển khai gấp rút Dự án “Mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Hà Giang” bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Công nhân Điện lực Bắc Quang kéo điện về nông thôn. |
Dự án “Mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Hà Giang” có quy mô 39 trạm biến áp được xây dựng mới, với tổng dung lượng 3.270kVA; tổng chiều dài đường dây trung áp 43,739 km, đường dây hạ áp 144,908 km; 3.647 chiếc công tơ được lắp đặt mới; 212.760 mét dây sau công tơ... Tổng kinh phí thực hiện dự án gần 113 tỷ 730 triệu đồng. Dự án được triển khai tại 30 xã, thị trấn trên địa bàn 10 huyện gồm: Xã Bằng Lang, Yên Hà, Vĩ Thượng, Tân Trịnh và thị trấn Quang Bình (Quang Bình); xã Sán Xả Hồ, Bản Nhùng (Hoàng Su Phì); xã Nà Chì, Nàn Ma, Thèn Phàng (Xín Mần); xã Trung Thành (Vị Xuyên); xã Vĩnh Phúc, Liên Hiệp (Bắc Quang); xã Yên Cường, Đường Âm, Phú Nam, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê); xã Bạch Đích, Na Khê, Lũng Hồ, Du Già, Du Tiến (Yên Minh); xã Quản Bạ (Quản Bạ); xã Sủng Trái, Lũng Thầu, Tả Phìn, Tả Lủng (Đồng Văn); xã Pải Lủng, Giàng Chu Phìn, Lũng Pù, Tả Lủng (Mèo Vạc). Khi dự án hoàn thành sẽ cung cấp, cải thiện chất lượng điện áp cho khoảng 3.647 hộ dân là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; đưa tỷ lệ 75% hộ nông thôn tỉnh ta được sử dụng điện lưới Quốc gia hiện nay lên 85%.
Đồng chí Hoàng Văn Thiện, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: Dự án “Mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Hà Giang” hoàn thành sẽ góp phần cụ thể hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về phương hướng phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2020; cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng biên giới Việt – Trung đến năm 2020; Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KT-XH, kết hợp phát triển KT-XH với an ninh, quốc phòng, phát huy tiềm năng, nguồn lực của các huyện, thành phố trong tỉnh, các tỉnh trong vùng; Xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch đô thị cùng với quy hoạch điểm dân cư nông thôn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa đô thị và nông thôn; Định hướng phát triển mạng lưới đô thị và các khu dân cư nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh trên cơ sở điều chỉnh đồ án quy hoạch vùng đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007, phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh, phù hợp với định hướng phát triển đô thị, các khu dân cư nông thôn toàn quốc trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; Chương trình thực hiện chiến lược phát triển KT-XH tuyến biên giới Việt – Trung, đưa dân ra sống ổn định và lâu dài tại 34 xã vùng biên; Chương trình đưa đồng bào dân tộc thiểu số hạ sơn; Chương trình cải tạo và xây dựng các hạ tầng xã hội: Y tế, giáo dục, dịch vụ thương mại công cộng; Chương trình phát triển mạng lưới du lịch và đặc biệt hơn cả là sẽ có 3.647 hộ dân sẽ được sử dụng điện lưới Quốc gia, đây là con số hết sức có ý nghĩa đối với một tỉnh khó khăn như Hà Giang...
Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của các đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2016, kịp vào thời điểm để đồng bào đón Tết Nguyên đán 2017. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành 85% khối lượng công việc.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Đồng chí Hoàng Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang cho biết: Do địa hình ở các huyện vùng cao Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc địa hình đồi núi đá, chia cắt mạnh, có nhiều dốc cao, lại nằm trong vùng Cao nguyên đá nên trong quá trình thi công móng cột không thể dùng mìn phá đá, mà phải áp dụng phương pháp thủ công đào, đục đá nên việc thi công gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình...
Với sự đầu tư của Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực của Công ty Điện lực Hà Giang, tiến độ thi công Dự án “Mở rộng, cải tạo lưới điện cho các xã vùng sâu, vùng xa tại tỉnh Hà Giang” sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh ta; nhờ có điện sẽ giúp nhân dân nắm bắt được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp cận với khoa học kỹ thuật, từ đó áp dụng vào sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc