Nâng tầm thương hiệu để nho Ninh Thuận phát triển bền vững
Từ năm 1980 đến nay, cây nho được ví như “nữ hoàng” trên địa bàn tỉnh, giúp người dân thoát nghèo, thậm chí không ít người vươn lên làm giàu. Đặc biệt, với nho đỏ (Red Cardinal), nho xanh (NH 01-48), nho đen (Black Queen)… được người tiêu dùng biết đến, đã tạo nên “thương hiệu” hình ảnh khi nói đến nho Ninh Thuận là nói đến Ninh Thuận và ngược lại. Tuy nhiên, thực tế nho Ninh Thuận hiện chưa phát triển ngang tầm với danh hiệu độc tôn của nó.
Thăng trầm với nho
Theo tài liệu lưu trữ của ngành NN&PTNT tỉnh, thời hoàng kim của cây nho được xác định vào khoảng từ đầu thập niên 80 đến cuối thập niên 90 thế kỷ trước, với tổng diện tích xấp xỉ 2.300ha. Giống nho đỏ Red Cardinal lúc bấy giờ được xem là cây trồng chủ lực trong tỉnh. Nói không quá, lúc bấy giờ, ở tỉnh ta đâu đâu cũng nghe người ta kháo nhau về chuyện trồng nho. Nhiều hộ gia đình đã đổi đời, trở thành triệu phú, xây nhà kiên cố, tiện nghi sinh hoạt, phương tiện đi lại… cũng từ cây nho. Tuy nhiên, những nông dân ở tỉnh ta từng gắn bó với nghề trồng nho không khỏi ngỡ ngàng khi “nữ hoàng” của xứ gió nắng này có ngày lại suy thoái. Từ diện tích gần 2.300ha đến nay giảm xuống còn 1.120ha.
Có rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra như: Sản xuất mang tính tự phát; do cơ cấu giống còn đơn điệu; kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và chọn lựa đất trồng nho chưa hợp lý; thiếu quy trình kỹ thuật sản xuất, bảo quản… Ông Nguyễn Văn Mọi, chủ trang trại “nho Ba Mọi” (xã Phước Thuận, Ninh Phước), cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới diện tích nho giảm. Một phần là do nhận thức của bà con chưa đầy đủ về cây nho. Vì lợi nhuận, nhiều người trồng nho đã thúc ép cây cho trái 3 vụ/năm, trong khi việc chăm sóc nho lại không thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, khiến vườn nho nhanh chóng bị suy thoái… dẫn đến người dân chặt bỏ. Nếu như người trồng được trang bị đầy đủ kiến thức về kỹ thuật trồng nho thì không lý gì cây nho không mở hướng làm giàu cho người dân.
Rồi ông dẫn chứng, nho là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn so với các cây trồng chính của tỉnh, hiệu quả kinh tế của cây nho cao hơn 8-9 lần so với cây lúa... Nếu áp dụng đúng quy trình, tổng thu từ sản xuất nho dao động từ 750-900 triệu đồng/ha/năm tùy từng loại giống, trừ các chi phí đầu tư, thu nhập từ 280-320 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ lợi nhuận trực tiếp từ thu hoạch nho tươi, các sản phẩm chế biến sau nho cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ mở rộng diện tích, công ty còn xây dựng “vệ tinh” cho mình hàng chục hộ dân trồng nho sạch với diện tích gần 25ha để cung cấp sản phẩm cho công ty. “Khi đã xây dựng được thương hiệu thì không lo rớt giá, ép giá. “Nho Ba Mọi” luôn một giá 70.000 đồng/kg nho xanh và 35.000 đồng/kg nho đỏ, được thị trường chấp nhận và có mặt tại các siêu thị, cửa hàng uy tín trong cả nước”-ông Ba Mọi cho biết thêm.
Chắp cánh cho nho
Theo thống kê ngành NN&PTNT, tổng diện tích nho trồng toàn tỉnh hiện có 1.120ha, tập trung chính ở: Ninh Phước, Ninh Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Sơn… Sản lượng hàng năm ước đạt 33.600 tấn. Tổng giá trị nho thu hàng năm khoảng 822 tỷ đồng. Ngoài ra, các sản phẩm từ nho đã mở ra thêm nhiều ngành nghề, dịch vụ-du lịch…, tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quảng bá hình ảnh Ninh Thuận.
Theo Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh giai đoạn 2011-2020”, cây nho vẫn được tỉnh ta tiếp tục xác định là cây trồng chủ lực. Diện tích trồng nho sẽ được phát triển đến năm 2020 lên 2.200ha; dự kiến sản lượng khoảng 54.100 tấn. Vùng sản xuất tập trung 1.500ha, chủ yếu ở phía Tây Ninh Phước, gồm các xã: Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hữu, Phước Thuận và Nhơn Sơn (Ninh Sơn). Theo dự tính, khi diện tích trồng nho được mở rộng khoảng 2.200ha sẽ giải quyết việc làm cho 10.000-12.000 người trong vùng thực hiện dự án và nâng cao thu nhập cho người trồng nho.
Ông Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh đang thực hiện chính sách ưu tiên hỗ trợ các thủ tục về đất đai cho những vùng sản xuất nho tập trung; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư xây dựng cơ sở chế biến rượu vang nho, sản phẩm khác như: nho khô, nước giải khát… Đồng thời, hỗ trợ giống mới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khoa học-kỹ thuật cho vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá các sản phẩm từ cây nho Ninh Thuận để mở rộng thị trường. Đến năm 2020, đưa giá trị cây nho chiếm 19-20% giá trị sản xuất ngành trồng trọt và 22-23% giá trị sản xuất cây trồng chính của tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết chặt chẽ và đảm bảo lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước, nhà khoa học và nhà nông…
Cùng với đó, Sở KH&CN tỉnh cũng đã phối hợp với Hiệp hội Nho tỉnh hoàn thành dự án cấp Trung ương “Quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Ninh Thuận cho sản phẩm nho”. Việc các sản phẩm nho được chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý” sẽ góp phần nâng cao vị thế nho Ninh Thuận trên thị trường. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất nho, mang lại lợi ích cho người trồng nho.
Ý kiến bạn đọc