Hướng giải quyết hợp lý trong bồi thường thiệt hại cho người dân xã Na Khê do ngập nước vùng lòng hồ Thủy điện Sông Miện

06:59, 29/09/2016

BHG- Năm 2014, do ảnh hưởng mưa lũ, mực nước vùng lòng hồ Thủy điện Sông Miện dâng cao hơn so với tính toán khi xây dựng thủy điện nhiều mét; khiến hàng nghìn mét vuông đất trồng lúa, hoa màu của hàng chục hộ dân xã Na Khê bị mất trắng. Trước những thiệt hại và ý kiến, kiến nghị của người dân Na Khê muốn được bồi thường thiệt hại phần diện tích đất sản xuất bị ngập nước do lũ dâng. Sau gần 2 năm, đến đầu tháng 9 vừa qua, sau nhiều cuộc thương lượng thất bại về cách giải quyết đền bù thiệt hại;  ông Trần Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Bát Đại Sơn cho biết: Phía Công ty đã cùng với người dân và cấp ủy, chính quyền xã Na Khê thống nhất được hướng giải quyết hợp lý nhất trong vấn đề này.

Mức nước lòng hồ Thủy điện Sông Miện dâng cao trong mùa mưa lũ năm nay khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân tiếp tục bị ngập (ảnh chụp tháng 8.2016).
Mức nước lòng hồ Thủy điện Sông Miện dâng cao trong mùa mưa lũ năm nay khiến nhiều diện tích đất sản xuất của người dân tiếp tục bị ngập (ảnh chụp tháng 8.2016).

Theo tìm hiểu, Nhà máy Thủy điện Sông Miện được xây dựng từ năm 2009, hoàn thành năm 2011 với thiết kế gồm 2 tổ máy, công suất 6MW. Người dân các thôn Phú Tỷ, Bản Rào, Na Pô của xã Na Khê (Yên Minh) phản ánh, khi Nhà máy bắt đầu xây dựng, phía chủ đầu tư đã tính toán, cắm mốc mực nước lòng hồ cao nhất khi thủy điện trữ nước để phát điện. Số diện tích đất sản xuất lương thực, hoa màu,... của người dân bị ảnh hưởng từ cột mốc này trở xuống được Công ty bồi thường đầy đủ. Tuy nhiên, mùa mưa lũ năm 2014 và 2016 mực nước lòng hồ đã ngập cao hơn cột mốc khiến khoảng 9 nghìn mét vuông đất lúa, hoa màu của người dân bị thiệt hại. Các hộ dân đã đề nghị phía Công ty Thủy điện Bát Đại Sơn bồi thường cho dân nhưng sau gần 2 năm, hai bên vẫn chưa thống nhất được cách giải quyết hợp lý.

Trước những kiến nghị của người dân Na Khê, phía Công ty Bát Đại Sơn đã cử cán phối hợp với Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Yên Minh kiểm đếm và tính toán thiệt hại đền bù cho dân. Theo Công văn số 03 của Hội đồng bồi thường huyện Yên Minh gửi cho Công ty Bát Đại Sơn vào tháng 10.2014 nêu rõ: Tổng số hộ bị thiệt hại do nước dâng ở xã Na Khê là 16 hộ,  tổng số kinh phí bồi thường thiệt hại cho các hộ là 402.752.732 đồng.

Anh Lý Vần Tờ, thôn Na Pô – một trong những hộ bị thiệt hại do nước lòng hồ dâng cao buồn rầu: “Lúc trước đất trồng lúa nhà tôi trồng được 8 kg giống (tương đương khoảng hơn 3.000 m2 đất); từ năm 2014, khi bị ngập mất diện tích ruộng gần lòng hồ thủy điện, gia đình tôi chỉ còn trồng được 5 kg giống. Đất thì mất, số thóc thu hoạch được không đủ cho cả gia đình ăn trong một năm, nhưng cũng không thấy thủy điện đền bù gì cả”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Bát Đại Sơn khẳng định: “Đúng là có vụ việc như phản ánh. Tuy nhiên, thời gian qua phía Công ty chúng tôi cũng rất tích cực và chủ động trong việc tính toán phương án bồi thường cho người dân nhưng vẫn chưa thống nhất được cách thức đền bù hợp lý nhất”. Ông Xuân cho biết thêm, các hộ dân bị thiệt muốn phía Công ty bồi thường dứt điểm một lần (thu hồi hẳn đất về phía Công ty và đền bù tiền) số diện tích đất trồng ngô, lúa bị ngập đã được các bên kiểm đếm. Tuy nhiên, theo hướng này, phía Công ty cho rằng từ khi xây dựng nhà máy cho đến năm 2014, nước lũ mới làm ngập đất sản xuất của dân. Sau đó năm 2015 lại không bị ngập và năm 2016 lại bị ngập nhưng cũng không nhiều. Không biết những năm sau có còn bị ngập hay không? Vì vậy, nếu thu hồi và đền bù một lần, thì hàng năm nếu mực nước dâng không làm ngập đất, người dân cũng không được canh tác trên vùng đất đó. Bởi đó đã là đất của Công ty. Như vậy sẽ rất thiệt thòi cho người dân khi đất sản xuất của người dân sống ở khu vực này đang rất thiếu. Ngoài ra, việc thu hồi hoàn toàn đất bị thiệt hại như vậy cũng mất rất nhiều thời gian xem xét các giấy tờ, thủ tục và phải chờ UBND tỉnh ra quyết định thu hồi. Chính vì vậy, để thuận tiện cho người dân, phía Công ty Bát Đại Sơn đã đưa ra hướng giải quyết: Hàng năm, khi mùa lũ đến, mực nước dâng cao làm ngập đất sản xuất của người dân, Công ty sẽ phối hợp với xã, huyện kiểm đếm phần diện tích đất bị ngập và bồi thường cho dân tính theo năng suất, sản lượng lương thực bình quân hàng năm người dân canh tác trên diện tích đó nhân với giá thị trường. Với những năm không bị ngập, người dân vẫn canh tác trên diện tích đó bình thường. Hướng giải quyết này đã được người dân xã Na Khê đồng tình và chấp thuận. Vì vậy, ngày 20.9, Công ty Thủy điện Bát Đại Sơn đã hoàn thành việc bồi thường cho 16 hộ dân bị thiệt hại trong 2 mùa lũ vừa qua với tổng số tiền bồi thường trên 22 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Na Khê, Nguyễn Văn Quân cho biết: Sau gần 2 năm không thống nhất được hướng đền bù nhưng đến nay, Công ty Bát Đại Sơn đã đưa ra cách giải quyết này chúng tôi thấy rất hợp lý và đồng tình ủng hộ. Đây có lẽ là giải pháp hữu hiệu, có lợi cho cả người dân và doanh nghiệp.

Được biết, do tính toán mức đầu tư không chính xác, phần xây lắp phải đội vốn lên cao; đồng thời mực nước dâng hàng năm thấp hơn dự tính, mỗi ngày Thủy điện Sông Miện không phát điện được quá 5 giờ đồng hồ trong giờ cao điểm. Cho nên, thủy điện này được xếp trong diện những thủy điện khó thu hồi vốn và lâu có lãi nhất trong các thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, dù để kéo dài 2 năm mới thống nhất được phương án đền bù, nhưng việc Công ty Bát Đại Sơn cố gắng tìm hướng giải quyết phù hợp nhất có lợi cho người dân Na Khê cũng cho thấy Công ty có trách nhiệm đối với công tác an sinh xã hội cũng như đời sống người dân quanh khu vực lòng hồ thủy điện của Công ty.

Duy Tuấn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tín hiệu vui cho sản phẩm cam Sành Hà Giang

BHG- Trong những năm qua, đến mỗi vụ cam, nhãn hiệu cam Sành Hà Giang (CSHG) thường xuyên bị các tư thương lợi dụng để bán sản phẩm của các địa phương khác kiếm lời. Vì vậy, không ít lần danh tiếng CSHG đã bị ảnh hưởng bởi những yếu tố như giá thành, chất lượng sản phẩm khi sản phẩm nhái không đạt được lượng, mẫu mã như CSHG. 

28/09/2016
HTX Xuân Mai nỗ lực phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Xuân Minh

BHG- Từ một cơ sở chế biến chè xanh thủ công, quy mô nhỏ, sản phẩm chỉ bán ở thị trường trong tỉnh; đến nay, sau hơn chục năm xây dựng, phát triển, Hợp tác xã (HTX) Xuân Mai ở thôn Minh Sơn, xã Xuân Minh (Quang Bình) đã dần tạo được uy tín, thương hiệu cho sản phẩm chè Shan tuyết Xuân Minh. Sản phẩm chè của HTX không chỉ đáp ứng nhu cầu trong, ngoài tỉnh mà còn xuất khẩu ra ngoài nước, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

28/09/2016
Hợp tác xã kiểu mới – "đòn bẩy" trong phát triển kinh tế

BHG- Hợp tác xã (HTX) kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, một trong những mục tiêu chính đó là tổ chức lại sản xuất cho người dân, đưa người dân vào tổ sản xuất để nâng cao trình độ cũng như nhận thức về thị trường. Sau một thời gian triển khai, nhiều HTX đã khẳng định vai trò "đòn bẩy" trong phát triển kinh tế, không chỉ phá bỏ "rào cản" kinh tế tập thể mà còn gỡ "nút thắt" trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

27/09/2016
Hội nghị thành lập Hợp tác xã sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Khuổi My, xã Phương Độ

BHG- Sáng 25.9, tại trụ sở thôn Khuổi My, xã Phương Độ (T.P Hà Giang) đã diễn ra Hội nghị thành lập Hợp tác xã (HTX) sản xuất nông, lâm nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Khuổi My. Tới dự có đồng chí Trần Mạnh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy – Chủ tịch HĐND thành phố Hà Giang; các đồng chí Thường trực Thành ủy, lãnh đạo các ban, ngành của thành phố; đại biểu đến từ các xã, thôn bạn, cùng đông đảo người dân trong thôn.

27/09/2016