Hợp tác xã kiểu mới – "đòn bẩy" trong phát triển kinh tế
BHG- Hợp tác xã (HTX) kiểu mới hoạt động theo Luật HTX năm 2012, một trong những mục tiêu chính đó là tổ chức lại sản xuất cho người dân, đưa người dân vào tổ sản xuất để nâng cao trình độ cũng như nhận thức về thị trường. Sau một thời gian triển khai, nhiều HTX đã khẳng định vai trò “đòn bẩy” trong phát triển kinh tế, không chỉ phá bỏ “rào cản” kinh tế tập thể mà còn gỡ “nút thắt” trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Công nhân HTX Duy Biên sản xuất máy chế biến chè. |
Phá bỏ “rào cản” kinh tế tập thể
Trên thực tế, kinh tế tập thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT – XH. Tuy nhiên, HTX hoạt động theo Luật 2003 (kiểu cũ), tất cả xã viên cùng hưởng, chia sẻ lợi ích như nhau và làm theo kiểu “cha chung không ai khóc” khiến cho tốc độ phát triển kinh tế chậm. Theo Luật HTX 2012 (kiểu mới), các HTX chỉ cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra, các khâu của quá trình sản xuất như nghiên cứu, chuyển giao, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; trong khi đó tài sản, vốn liếng, đất đai thuộc về các thành viên. Từ đó, gỡ bỏ được các “rào cản” kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể thời gian qua. “Sự thay đổi chủ yếu của một HTX khi chuyển đổi theo Luật 2012 chính là thay đổi cơ cấu bộ máy quản lý của HTX. Khi đó, tư cách pháp nhân của HTX được nâng cao một bước và các thành viên tự nguyện hợp tác nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đáp ứng nhu cầu chung về sản phẩm, dịch vụ cho chính mình” - đồng chí Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh khẳng định.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, không ít HTX trên địa bàn tỉnh gặp nhiều lúng túng. Chính vì vậy, tính đến cuối tháng 8 năm nay, chỉ có 117 HTX chuyển đổi trong số 684 HTX đã rà soát (chưa chuyển đổi và chuyển đổi vướng mắc). Nguyên nhân được xác định, các HTX còn thiếu chủ động trong nghiên cứu các văn bản hướng dẫn, các thủ tục chuyển đổi; một số HTX hoạt động kém hiệu quả, năng lực đội ngũ cán bộ HTX còn yếu kém; nhiều HTX quy mô nhỏ, việc xác định tài sản chia và không chia gặp nhiều vướng mắc. Bên cạnh đó, một số HTX chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về vốn nên chưa mở rộng được quy mô; chưa áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất nên thu nhập của các thành viên HTX còn thấp, khiến cho các HTX thiếu động lực dẫn tới chậm chuyển đổi...
Xuất phát từ điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc chuyển đổi theo Luật HTX 2012 là tất yếu. Bởi HTX kiểu mới góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của kinh tế hộ thành viên, đặc biệt là kinh tế hộ nông dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Trong số các HTX đã chuyển đổi, HTX Duy Biên ở thôn Kim Bàn, xã Hùng An, Bắc Quang đang khẳng định tính ưu việt của HTX kiểu mới. Mặc dù chuyển đổi chưa lâu nhưng bằng việc vận động các thành viên góp vốn và chuyên sâu vào sản xuất máy chế biến chè, HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 8 thợ chính với mức lương 7 – 10 triệu đồng/tháng. Mỗi năm, HTX sản xuất 70 – 80 bộ máy, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Do tự sản xuất nên sản phẩm của HTX Duy Biên có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Anh Phạm Hữu Biên, Giám đốc HTX chia sẻ: “Nếu so với các sản phẩm chế biến chè do Trung Quốc sản xuất, sản phẩm của HTX chiếm ưu thế hơn với độ bền cao, phù hợp với quy mô hộ gia đình và giá cả thấp hơn một nửa. Đặc biệt, với việc thay đổi thiết kế lò đốt giúp tiết kiệm 40% than củi so với các sản phẩm khác trên thị trường”. Sau khi chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX 2012, HTX Duy Biên có thể giao dịch độc lập và đang hướng tới huy động vốn để mở rộng quy mô nhà xưởng; đầu tư hệ thống máy móc tự động nhằm giảm công lao động và nâng cao chất lượng, tạo thêm sản phẩm mới...
Từ nguồn giống và phân bón cho vay của HTX Hoa Sơn, gia đình chị Phạm Thị Liên đầu tư trồng cây cam Vinh cho giá trị kinh tế cao. |
Gỡ “nút thắt” tái cơ cấu nông nghiệp
Mục tiêu hoạt động của các HTX kiểu mới chính là tổ chức lại sản xuất, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Mục tiêu đó đã được xác định trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. “Nói đúng hơn, HTX kiểu mới dựa trên tinh thần tự nguyện của các sáng lập viên, vận động những người xung quanh cùng làm, cùng tạo ra sản phẩm lớn và cùng ăn chia. Do đó, HTX kiểu mới hướng về thành viên, mọi dịch vụ của HTX đều ưu tiên phục vụ cho thành viên của mình, mang lại lợi ích gắn với quyền lợi thiết thực của họ” – Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Tiến Hưng cho biết thêm.
Mặc dù là tỉnh chủ yếu sản xuất nông nghiệp nhưng việc tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập; việc tăng nhanh sản lượng nông sản nhưng không cải tiến chất lượng, không gắn kết với thị trường tiêu thụ đã khiến giá trị thu nhập chưa cao; chưa có sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu; sản xuất nông nghiệp chưa gắn kết thị trường tiêu thụ sản phẩm; công tác dự báo thị trường còn yếu, ngành Nông nghiệp đang phải tập trung từ khâu trồng, thu hái, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, chưa có sự hỗ trợ một cách đồng bộ và thống nhất... Trước thực trạng đó, các HTX kiểu mới đã và đang góp phần gỡ từng “nút thắt” khi các HTX căn cứ vào nhu cầu thị trường để xác định quy mô phát triển.
Nếu như HTX Duy Biên mang lại lợi ích cho cá nhân các thành viên tham gia thì HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hoa Sơn, thôn Minh Thành, thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) được đánh giá cao bởi mang lại nhiều lợi ích cho hộ gia đình thành viên. Nếu như trước đây, các gia đình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và theo kiểu “mạnh ai người ấy làm” nên năng suất, sản lượng thấp, thị trường đầu ra bấp bênh. Với sự linh hoạt trong quản lý, điều hành, HTX Hoa Sơn đã cho các thành viên vay giống và phân bón với lãi suất thấp, sau khi thu hoạch và bán sản phẩm, các hộ sẽ trả lại số tiền tương đương giá trị số lượng phân bón và giống đã vay. Đồng thời, đứng ra lo bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Qua đó, HTX đã tập hợp được đông đảo thành viên tham gia. Đến nay, chỉ sau một thời gian ngắn chuyển đổi, HTX đã thu hút được 60 thành viên. Chị Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc HTX Hoa Sơn cho biết: “Hiện nay HTX đã cho các hộ ở 7/23 xã trên địa bàn huyện vay giống, phân bón; chủ yếu phát triển chè, lúa, cam và thu hồi vốn theo thời gian cho sản phẩm của từng loại cây. Với cách thức này, các thành viên hưởng ứng nhiệt tình vì mang lại lợi ích lớn cho các hộ tham gia”.
Cuộc sống gia đình chị Phạm Thị Liên, đội 4, thôn Minh Thành từ khi tham gia HTX Hoa Sơn đã khấm khá hơn nhờ nguồn vay từ HTX. Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa có vốn để phát triển; cây chè, cây cam trong vườn cho thu hoạch mỗi năm không đủ tiền trang trải hàng ngày. Sau khi được HTX hỗ trợ, gia đình chị đã mở rộng diện tích và chú trọng chăm sóc cây trồng. Vì thế, chỉ với 300 gốc cam, mỗi năm gia đình chị thu về trên 10 tấn, trong khi trước đây chỉ đạt 1- 2 tấn/vụ. “Từ ngày tham gia HTX, được Ban giám đốc tạo điều kiện nên cuộc sống gia đình bớt khổ đi nhiều. Không phải lo đầu tư phân bón từ đầu vụ nên ai cũng vui” – chị Liên phấn khởi cho biết.
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX 2012 của các HTX là chủ trương đúng đắn và cần thúc đẩy để đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển. Ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mỗi thành viên HTX cần phải tự khắc phục những hạn chế của cách làm kinh tế tập thể theo tư duy bao cấp. Có như vậy, HTX kiểu mới mới thực sự trở thành “đòn bẩy” trong phát triển KT – XH.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc