Đồng Văn nỗ lực cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo
BHG - Xác định phát triển chăn nuôi là một trong hướng đi chính, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và là thế mạnh của địa phương. Trong những năm gần đây, huyện Đồng Văn đã triển khai nhiều giải pháp gắn với việc lồng ghép, vận dụng linh hoạt các chương trình, chính sách mới nhằm phát triển đàn gia súc. Một trong những chương trình đó là, hỗ trợ người dân cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT). Tuy còn gặp những khó khăn, nhưng đây được xem là giải pháp hữu hiệu để phát triển đàn bò hàng hóa chất lượng cao.
Bê con của gia đình anh Sùng Mí Lử, thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái (Đồng Văn) được sinh ra từ phương pháp TTNT. |
Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp TTNT, huyện Đồng Văn đã khảo sát và bình chọn được 1.780 con bò cái giống đạt tiêu chuẩn tại các hộ chăn nuôi trong toàn huyện. Để chương trình triển khai thực hiện thuận lợi, có hiệu quả; huyện đã phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng tổ chức mở các lớp tập huấn cho cán bộ Trạm thú y, cán bộ nông nghiệp và Trưởng ban thú y của 19 xã, thị trấn về quy trình kỹ thuật TTNT; tiến hành tập huấn cho người dân cách nhận biết chu kỳ, giai đoạn động dục của bò cái. Cùng đó, chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn, công chức Địa chính - Nông nghiệp, Trưởng ban thú y các xã, thị trấn phải thông báo số điện thoại và niêm yết tại trụ sở thôn để chủ hộ nuôi bò biết khi bò động dục kịp thời thông báo để các dẫn tinh viên (DTV) đến thực hiện TTNT. Một thuận lợi trong việc triển khai thực hiện TTNT bò trên địa bàn huyện là: Việc triển khai áp dụng kịp thời cơ chế hỗ trợ tiền công cho các DTV theo Nghị quyết số 209, ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh với định mức hỗ trợ được nâng lên 230.000 đồng/1 con bò thụ tinh thành công. Hỗ trợ vật tư thụ tinh cho bò theo Quyết định 22, ngày 11.11.2015 của UBND tỉnh với mức hỗ trợ 475.000 đồng/1 con bò thụ tinh thành công. Trong đó, hỗ trợ Ni tơ bảo quản tinh viên tại Trạm Thú y, Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng 100.000 đồng; hỗ trợ Ni tơ bảo quản tinh viên từ Trạm thú y đi đến thôn, xóm là 175.000 đồng; hỗ trợ tinh viên và ống tinh quản là 100.000 đồng; hỗ trợ tinh đông viên 100.000 đồng... Với cách triển khai chủ động, linh hoạt, từ đầu năm đến hết tháng 8.2016, toàn huyện đã tiến hành TTNT được trên 200 con bò. Theo kế hoạch hết năm 2016 này, huyện Đồng Văn phấn đấu tiến hành TTNT cho khoảng 500 con bò cái sinh sản.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, do tinh bò được khai thác từ những con bò đực giống đầu đàn của địa phương đã qua chọn lọc và được phối giống với những con bò cái đầu dòng nên chất lượng bê lai sinh ra từ TTNT có trọng lượng cao hơn hẳn đạt trên 22 kg/con, trong khi bê con phối giống tự nhiên có trọng lượng chỉ đạt 16,1 kg/con. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng bê TTNT là 49,7 kg, cao hơn so với cho giao phối tự nhiên 11 kg (37,8 kg); tăng trưởng/tháng đối với bê giao phối tự nhiên chỉ đạt 7,11 kg/con/tháng, trong khi bê TTNT đạt 9,19 kg/con/tháng. Đến xã Sủng Trái (Đồng Văn), nơi người dân đang hưởng lợi từ chương trình TTNT bò, với nhiều hộ dân đang thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản. Hộ anh Sùng Mí Lử, thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái nuôi một bê con hơn 1 tháng tuổi được sinh ra bằng phương pháp TTNT chia sẻ: “Bê con sinh ra bằng phương pháp TTNT có trọng lượng lớn hơn bê thụ tinh bằng phương pháp truyền thống; bê con lớn nhanh, sức đề kháng tốt; sang năm gia đình tôi phấn đấu nuôi thêm một bò cái giống và lại cho bò thụ tinh bằng phương pháp nhân tạo”.
Tuy nhiên, theo anh Lộc Ngọc Thiêu, Trưởng Trạm thú y huyện Đồng Văn: Chương trình TTNT cho bò cái giống thời gian qua trên địa bàn huyện Đồng Văn được tỉnh đánh giá đạt kết quả cao so với các huyện khác trong tỉnh. Nhưng do đây là biện pháp kỹ thuật khó và mới với người dân nên khi triển khai nên còn gặp không ít những khó khăn như: Trưởng ban thú ý xã, cán bộ thú y thôn, xóm là DTV nhưng chỉ là cán bộ bán chuyên trách, nên tinh thần và trách nhiệm với công việc có lúc, có nơi còn chưa cao; việc phát hiện thời điểm động dục ở bò của người dân nhiều lúc chưa chính xác, kịp thời; trong khi TTNT đòi hỏi cần phải đúng thời gian, thời điểm chịu đực của bò cái. Do điều kiện giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn ở vùng cao, biên giới, cách xa trung tâm xã nên việc vận chuyển Ni tơ lỏng, bảo quản tinh viên có sự hao phí lớn, làm ảnh hưởng đến việc TTNT cho bò.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên; với quyết tâm thực hiện mục tiêu hết năm 2016 sẽ TTNT cho 500 con bò, Trạm Thú y huyện Đồng Văn tham mưu cho huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn cử cán bộ của Khối nông nghiệp mỗi một người phụ trách 1 xã, thôn có nhiệm vụ rà soát lại số lượng bò trong độ tuổi sinh sản để xác định thời điểm có thể động dục qua đó lên kế hoạch, kịp thời TTNT khi cần. Tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về sự cần thiết, lợi ích của TTNT. Duy trì việc DTV ở mỗi xã, thôn thông báo dán số điện thoại cụ thể đến từng hộ chăn nuôi bò biết, trao đổi thông tin và kịp thời tiến hành TTNT khi người dân báo có bò động dục...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành chức năng; chương trình TTNT bò của huyện Đồng Văn đã đạt được những kết quả quan trọng, không chỉ giúp người dân biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển đàn bò hàng hóa chất lượng cao của huyện.
Hoàng Ngọc
Ý kiến bạn đọc