Để tín dụng chính sách trở thành "đòn bẩy" phát triển kinh tế ở Mèo Vạc

09:46, 10/09/2016

BHG - Xác định rõ vai trò của tín dụng chính sách (TDCS) là “đòn bẩy” trong phát triển KT – XH, XĐGN và xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại địa phương; thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc luôn tổ chức tuyên truyền công khai các chương trình TDCS của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây được xem là cách làm hiệu quả trong việc tập hợp các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.

Tổ viên Tổ TK&VV Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc tuyên truyền các TDCS đến người dân thôn Nậm Ngạch, xã Niêm Tòng.
Tổ viên Tổ TK&VV Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc tuyên truyền các TDCS đến người dân thôn Nậm Ngạch, xã Niêm Tòng.

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của TDCS xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM. Đồng thời, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho tín dụng CSXH, tạo điều kiện để Ngân hàng CSXH triển khai có hiệu quả các chương trình TDCS. Ngay từ đầu năm 2016, Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền và coi đây là mô hình đổi mới việc thực hiện công khai thủ tục hành chính trong hoạt động của cơ quan. Theo đó, Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc tập trung tuyên truyền các hoạt động của Tổ TK&VV; quyền hạn, trách nhiệm của tổ viên tham gia sinh hoạt Tổ để vay vốn và gửi tiết kiệm; tuyên truyền, giới thiệu các chương trình TDCS Ngân hàng đang thực hiện; hướng dẫn người dân biết các bước làm thủ tục vay vốn, trả nợ và thực hành tiết kiệm; công khai bộ thủ tục giải quyết công việc của hệ thống Ngân hàng CSXH trên trang thông tin điện tử huyện...

Đồng chí Phùng Minh Thóc, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc cho biết: “Do đặc thù địa bàn đa số đồng bào Mông sinh sống nên để tăng hiệu quả, Ngân hàng đã tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng Mông trên hệ thống phát thanh của Đài truyền thanh – truyền hình huyện và hệ thống phát thanh, truyền thanh ở các xã, thị trấn”. Dựa vào phong tục, tập quán của người dân, Ngân hàng CSXH đã tiến hành phát thanh tuyên truyền mỗi tháng hai lần vào ngày chủ nhật – ngày diễn ra chợ phiên thị trấn Mèo Vạc. Tại các xã, chủ động căn giờ hợp lý để tuyên truyền mỗi tuần một lần. Đặc biệt, Trưởng thôn thực hiện phát thanh tuyên truyền một lần trên hệ thống truyền thanh của thôn bằng tiếng Mông là chủ yếu.

Theo tìm hiểu, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc đã chủ động rút ngắn nội dung các chương trình TDCS để người dân dễ hiểu, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó, kịp thời chỉnh sửa các nội dung thay đổi; các thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động TDCS tại các xã, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền. Sau một thời gian triển khai đã nhận được sự đồng tình của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn; đặc biệt các trưởng thôn nhiệt tình hưởng ứng. Theo tìm hiểu thực tế, do nhận thức người dân hạn chế cùng với khả năng tiếp thu tiếng phổ thông của đồng bào nhiều lúc hạn hẹp nên theo cách tuyên truyền thông thường, nhiều người chưa tiếp cận được các TDCS đang triển khai thực hiện. Với cách làm hiện nay, Trưởng thôn sao chép lại nội dung đã phát trên hệ thống phát thanh và mở trực tiếp cho người dân nghe trong các buổi họp thôn. Qua đó, các TDCS đến với người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn. Anh Vi Văn Pảo, Trưởng thôn Tát Ngà, xã Tát Ngà cho biết: “Bây giờ mỗi khi họp thôn lại mở cho bà con nghe, nếu chỗ nào không hiểu sẽ hỏi ngay nên hiệu quả tuyên truyền cao. Các hộ nghèo, cận nghèo trong thôn bây giờ đã chủ động làm thủ tục để vay vốn vươn lên thoát nghèo”.

Bằng việc linh hoạt, sáng tạo trong công tác tuyên truyền TDCS, Ngân hàng CSXH huyện Mèo Vạc đang đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Cùng với việc các tổ viên Tổ TK&VV từng bước hình thành thói quen thực hành tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tự có và quen dần với sản xuất hàng hoá, hoạt động tín dụng, tài chính đang khẳng định TDCS thực sự là “đòn bẩy” giúp Mèo Vạc từng bước giảm nghèo bền vững.

        Bài, ảnh: KIM TIẾN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh

BHG - Ngày 31.8, tại Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh có buổi làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế của tỉnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 8 tháng đầu năm 2016 và công tác quản lý đầu tư vào Khu kinh tế; cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành.

31/08/2016
Thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản bạ) nhiều cơ hội làm giàu bền vững

BHG- Thôn Bản Thăng, xã Tùng Vài (Quản Bạ) được thiên nhiên ưu đãi nên có 3 sản vật nổi tiếng khắp vùng gồm gạo Bản Thăng, vịt Bản Thăng và rượu Bản Thăng.

31/08/2016
Phát triển kinh tế HTX được đổi mới, đi vào chiều sâu

BHG - Tính đến trung tuần tháng 8, toàn tỉnh có 22 hợp tác xã (HTX) được thành lập theo Luật HTX năm 2012; 13 HTX thành lập theo mô hình HTX thôn Chang (Việt Lâm - Vị Xuyên); 9 HTX hoàn thành thủ tục cấp giấy đăng ký thành lập và bắt đầu hoạt động... Phát triển HTX kiểu mới, HTX bậc cao là chủ trương lớn, tỉnh ta đã và đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm cụ thể hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi lên thăm Hà Giang năm 1961.

31/08/2016
Quyết tâm hình thành vùng rau an toàn ở Vị Xuyên

BHG - Nhằm hướng đến một nguồn thực phẩm sạch, an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng; từ đầu năm đến nay, huyện Vị Xuyên đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, người dân sản xuất rau an toàn (RAT); bước đầu đã có những mô hình được thành lập với sự đầu tư khá quy mô để cho ra nguồn sản phẩm RAT.

31/08/2016