Người dân Hoàng Su Phì thêm động lực để thoát nghèo bền vững
BHG - Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10.12.2015 của HĐND tỉnh về chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm khuyến khích, hỗ trợ các gia đình, cá nhân, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Để nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, giúp người dân phát triển kinh tế; huyện Hoàng Su Phì đã có những bước đi vững chắc trong triển khai, thực hiện nghị quyết để tạo ra “cú hích” cho ngành Nông nghiệp của huyện phát triển, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân tại địa phương.
Thực tế cho thấy, chính sách hỗ trợ này là một “cú hích” mạnh nhằm tạo vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông, lâm nghiệp của Hoàng Su Phì và được các cấp, các ngành, người dân trong huyện nhiệt tình hưởng ứng. Gia đình anh Thèn Văn Tung, thôn Quang Tiến là một trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của thị trấn Vinh Quang. Nhận thấy việc nuôi trâu sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh đã quyết định đăng ký vay 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và mua thêm 4 con trâu sinh sản, nâng tổng đàn trâu của gia đình lên 7 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn, ngoài tận dụng nguồn cỏ tự nhiên, gia đình anh còn trồng thêm 1 ha cỏ để làm thức ăn cho đàn gia súc. Anh Tung chia sẻ: Mình muốn mở rộng chăn nuôi nhưng lại khó khăn về nguồn vốn. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh mà gia đình anh có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Mừng lắm, nên gia đình sẽ cố gắng chăm sóc đàn trâu để phát triển kinh tế cho gia đình. Tuy nhiên, anh Tung cũng mong muốn chính sách hỗ trợ này sẽ kéo dài thời hạn cho vay ưu đãi hơn nữa. Vì theo như anh tính, để mua một con trâu giống về phải nuôi ít nhất từ 2-3 năm thì trâu mới sinh sản, khi đó trâu nghé chưa kịp lớn đã lại phải lo hoàn trả vốn vay ban đầu, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay, gia đình anh Thèn Văn Tung có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi trâu sinh sản theo hướng hàng hóa. |
Giống như nhiều địa phương khác trong tỉnh, Hoàng Su Phì cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện Nghị quyết 209, do các điều kiện bắt buộc đi kèm, đòi hỏi các hộ phải đáp ứng được thì Ngân hàng mới giải ngân; nguồn cung ứng con giống chất lượng còn hạn chế, số lượng các hộ dân đăng ký tham gia vay vốn lớn dẫn đến công tác thẩm định còn chậm; phần lớn số hộ đăng ký vay vốn không đáp ứng được điều kiện giải ngân như: Chưa có chuồng trại, thiếu nhân lực hay không có đủ diện tích đất trồng cỏ... Theo số liệu tổng hợp của huyện, tổng số hộ đăng ký vay nuôi trâu, bò là 992 hộ với nhu cầu vay vốn là trên 71 tỷ đồng (số con dự kiến mua là gần 4 nghìn con); 265 hộ có nhu cầu vay vốn để làm chuồng trại với số vốn là 2,65 tỷ đồng; 7 hộ đăng ký vay để nuôi ong với số vốn là 140 triệu đồng; đăng ký trồng chè và dược liệu được trên 7 ha với nhu cầu vay vốn là trên 1 tỷ đồng. Tính đến ngày 18.8, toàn huyện đã thẩm định và ra quyết định giải ngân được 55 hộ với tổng số vốn vay là trên 4 tỷ đồng.
Đồng chí Nguyễn Quang Duẩn, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, huyện đã thành lập “Tổ thẩm định kiểm tra, xử lý sau khi vay đối với khách hàng vay vốn”, thành phần gồm: Chủ tịch UBND các xã, thị trấn làm Tổ trưởng; cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT huyện làm Tổ phó; các thành viên gồm cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông, Trưởng các thôn, bản tham gia thành viên. Đối với các hộ có nhu cầu vay vốn, Tổ sẽ đi kiểm tra, khảo sát, bình xét các hộ đủ điều kiện tham gia vay vốn một cách chặt chẽ, công bằng, khách quan và phải đảm bảo các tiêu chí cần thiết như: Chuồng trại, nhân lực, đảm bảo diện tích đất trồng cỏ và phải thường xuyên tiêm phòng cho gia súc định kỳ... Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các hộ tham gia vay đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, từng bước mang lại hiệu quả cho người nông dân.
Với những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa từ Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực và tạo sự bứt phá trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất chăn nuôi của huyện; từng bước làm thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân sang chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc