Mèo Vạc mùa no ấm
BHG - Những ngày này, cả một dải Cao nguyên đá Mèo Vạc được nhuộm sắc vàng của ngô đến kỳ thu hoạch. Từ trên triền núi đến các thung lũng mênh mông, đâu đâu cũng thấy tiếng nói cười của người dân đang cần mẫn hái ngô. Từng chiếc quẩy tấu được chất đầy, theo chân người nông dân về nhà. Ngô được mùa, Mèo Vạc năm nay thêm no ấm...
Từ thị trấn Mèo Vạc, dọc theo con đường Hạnh Phúc, ngược Mã Pì Lèng, chúng tôi có mặt ở thôn Sả Lủng, xã Pải Lủng vào một chiều mưa nhẹ; nước mưa quyện vào đất khiến cho đường vào thôn chẳng mấy dễ đi. Mất cả nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được nơi sinh sống của 47 hộ đồng bào Mông nơi đây. Thôn Sả Lủng như một “đại bản doanh” với những nếp nhà trình tường nằm san sát, bao quanh bởi những nương ngô lá ngả màu vàng sẫm và những bãi cỏ chăn nuôi xanh mướt cao quá đầu người. Do đang thời điểm bà con thu hoạch ngô nên khó có thể tìm gặp người dân ở nhà. Trực tiếp dẫn chúng tôi gõ cửa từng nhà, Phó Chủ tịch UBND xã Pải Lủng, Lý Văn Đông vừa đi vừa kể: “Sả Lủng là một trong những thôn khó khăn nhất của xã; cả thôn chỉ có 3 hộ trung bình, còn lại đều thuộc diện nghèo và cận nghèo. Những năm trước, vào thời kỳ giáp hạt, nhiều nhà phải trông chờ vào lương thực cứu đói. Năm nay, thời tiết thuận lợi, ngô được mùa nên mọi người mừng lắm. Mừng vì có thêm ngô sẽ không lo đói, có thêm thức ăn phục vụ chăn nuôi; mà chăn nuôi được nhiều sẽ đẩy lùi đói nghèo”.
Bà con nông dân xã Pải Lủng tập trung ngô, chuẩn bị vận chuyển về nhà. |
Trong căn nhà chênh vênh bên lưng núi, anh Vàng Mí Say đang ăn vội bát mèn mén để tiếp tục đi thu ngô. Anh bảo: “Hôm nay, trời mưa nên mọi người trong thôn lo lắm. Nếu mưa cả tuần mà không thu được về thì ngô sẽ bị hỏng nhiều. Do nương cách nhà khá xa nên mọi người chẳng nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Năm nay, được mùa mà không thu về kịp cũng coi như bị thiệt hại”. Giống như gia đình anh Say, hầu hết các hộ dân ở Sả Lủng đều có mặt ở nương ngô, chỉ còn người già và trẻ nhỏ ở nhà. Theo người dân cho biết, từ lâu, mọi người chỉ trồng giống ngô địa phương; do giống bị thoái hóa nên năng suất không cao; năm nay, người dân trong thôn được cán bộ Khuyến nông xã “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn kỹ thuật trồng một số giống ngô mới như: NK66, NK4300,... nên năng suất cao hơn hẳn. “Mỗi năm, cả nhà tôi trồng 10 kg giống ngô cũng chỉ được khoảng 30 bao tải, nhưng năm nay, thu một nửa nương ngô đã bằng năm trước. Dù có vất vả mà được mùa thì ai cũng vui” – anh Say phấn khởi cho biết thêm.
Không chỉ riêng thôn Sả Lủng, xã Pải Lủng, hiện nay, hơn 7.000 ha ngô trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang được bà con nông dân khẩn trương thu hoạch. Từ triền núi hay dưới thung sâu, từng chiếc bao tải, quẩy tấu lần lượt được tập kết ở ven đường đợi xe chở về nhà. Dù những giọt mồ hôi lẫn với nước mưa khiến người dân ướt sũng áo nhưng trên miệng họ luôn nở nụ cười tươi. Nụ cười hiện hữu cho mùa vụ bội thu sau bao tháng ngày nhọc nhằn chăm sóc. Để có được niềm vui ấy, chính là sự chủ động trong công tác tuyên truyền, vận động bà con gieo trồng đúng khung thời vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đặc biệt, UBND huyện Mèo Vạc xây dựng và triển khai phương án hỗ trợ các loại giống, vật tư theo nhu cầu của người dân; đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho các hộ nghèo... đã giúp người dân chủ động trong sản xuất. Được biết, trước khi bước vào vụ, huyện Mèo Vạc đã xây dựng các kế hoạch, phương án về các nguồn vốn theo Chương trình 30a, 135 về lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp; phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại... Theo nhận định của Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc, thời tiết thuận lợi, ngô trồng đúng khung thời vụ nên năng suất ước đạt 3,5 tấn/ha, cao hơn năm trước; ước sản lượng đạt trên 25 nghìn tấn, góp phần giúp địa phương đảm bảo an ninh lương thực. Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc chia sẻ: “Đối với những người làm nông nghiệp cũng như người nông dân chẳng mong muốn gì hơn ngoài chuyện được mùa. Vụ ngô năm nay cho thấy, những giống ngô mới được trồng khảo nghiệm rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đó là cơ sở để huyện tiếp tục đặt niềm tin vào mùa sau bội thu”.Khi bóng chiều buông mình sau vách núi cũng là lúc khép lại một ngày dài vất vả của những người nông dân nơi miền Cao nguyên đá Mèo Vạc. Đâu đó, trên sườn núi vẫn vang vọng tiếng gọi nhau chuyển ngô về nhà. Một mùa vụ đi qua, giúp cho đồng bào thêm ấm no và mùa sau, ngô lại phủ xanh miền đá xám...
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc