Về Vĩnh Phúc trong niềm vui mùa lạc

09:11, 13/07/2016

BHG - Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa đến chú trọng đầu tư thâm canh cao,... của cấp ủy, chính quyền sở tại đã tạo điểm nhấn ấn tượng cho “bức tranh” tăng thu nhập, khi những cánh đồng Lạc L14 của xã Nông thôn mới – Vĩnh Phúc (Bắc Quang) bước vào vụ thu hoạch.

Nếu như vụ Xuân năm 2015, toàn xã có 745 ha đất sản xuất lạc thì năm 2016, diện tích này đã lên đến 936 ha (đạt 151% so với kế hoạch), đưa Vĩnh Phúc trở thành xã có diện tích đất trồng lạc lớn nhất huyện Bắc Quang (tiếp đến là xã Đồng Yên với 609 ha). Đặc biệt, trong tổng diện tích trên, xã Vĩnh Phúc có đến 620 ha đất lúa không chủ động về nước tưới, được chuyển đổi sang sản xuất lạc hàng hóa tập trung, áp dụng quy trình thâm canh “5 cùng” (cùng thời vụ, loại giống, cùng chung quy trình kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh và cùng thu hoạch). Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phúc, Hoàng Đức Trọng chia sẻ: Việc chuyển đổi diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng lạc, kết hợp đầu tư thâm canh cao; những cánh đồng “5 cùng” đã chứng minh hiệu quả về năng suất, giá trị kinh tế. Trong khi những cánh đồng sản xuất lạc đại trà chỉ cho năng suất bình quân 36,1 tạ/ha thì năng suất tại những cánh đồng “5 cùng” lên đến 45 tạ/ha với sản lượng 2.790 tấn. Mặt khác, trên cùng diện tích đất canh tác, nếu như 1 ha lúa cho năng suất 6,1 tấn/ha với giá trị 7 triệu đồng/tấn thì 1 ha lạc cho năng suất 4,5 tấn/ha nhưng thu về 20 triệu đồng/tấn. Như vậy, với 620 ha lúa/vụ chỉ thu 26,4 tỷ đồng nhưng khi chuyển đổi sang trồng lạc, số diện tích này giúp nông hộ thu về trên 55,8 tỷ đồng. Đặc biệt, từ đất trồng lạc vụ Xuân, đến vụ Mùa lại sản xuất lúa đã giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất để nâng cao năng suất, sản lượng lúa nên vấn đề an ninh lương thực trên địa bàn xã luôn ổn định.

Sử dụng khung gỗ để đập, tách củ lạc của người dân xã Vĩnh Phúc trở nên hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống.
Sử dụng khung gỗ để đập, tách củ lạc của người dân xã Vĩnh Phúc trở nên hiệu quả hơn so với cách làm truyền thống.

Chiều về trên những cánh đồng lạc của thôn Vĩnh Tâm, không khí lao động trở nên sôi nổi. Bởi ở đó còn có câu chuyện bội thu của nhiều nông hộ. Năm nay, năng suất lạc của gia đình chị Hoàng Thị Thiều, Bùi Thị Đào, Hoàng Thị Dược hay anh Bùi Văn Toản,... đều ước đạt từ 1 đến trên 5 tấn lạc/hộ (phụ thuộc vào diện tích sản xuất). “Không chỉ trồng lạc, hằng năm cứ vào vụ thu hoạch, gia đình tôi lại thu mua lạc cho bà con trong xã để thương lái chuyển về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, thậm chí còn xuất khẩu. Không những vậy, mẫu mã, chất lượng lạc L14 tại xã Vĩnh Phúc được các cơ sở thu mua đánh giá cao. Do đó, sản lượng lạc tại Vĩnh Phúc còn không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường” – chị Hoàng Thị Dược chia sẻ.

Đặc biệt, để có mùa lạc đạt năng suất cao như vụ Xuân năm nay, nhiều nông hộ ở Vĩnh Phúc chia sẻ: Ngoài yếu tố thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng đến việc áp dụng quy trình kỹ thuật thâm canh cao thì năm nay, người trồng lạc có sự điều chỉnh về khung lịch thời vụ. Theo đó, việc gieo trồng trong tháng Chạp (thời tiết ít mưa, hạt lạc chậm nảy mầm hoặc tỷ lệ nảy mầm không cao) được chuyển sang tháng Giêng (có mưa Xuân, tạo điều kiện thuận lợi để cây lạc sinh trưởng, phát triển). Hơn nữa, khi gặp điều kiện khô hạn, đa phần các hộ trồng lạc thực hiện dẫn nước tưới cho cánh đồng (trước đó, họ e ngại tưới nước sẽ khiến lạc, cây tương đối chịu hạn bị úng, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển). Không những vậy, để khâu thu hoạch lạc trở nên hiệu quả, tiết kiệm thời gian; các nông hộ ở xã Vĩnh Phúc đã có cách làm sáng tạo so với nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện. Khi nhổ lạc xong, thay vì phải cắt gốc, phơi khô, sau đó mới tách riêng từng củ lạc ra khỏi gốc thì năm nay, họ sử dụng phương thức đập lạc trên khung gỗ, không chỉ hiệu quả mà còn dễ dàng di chuyển đến các chân ruộng. Khung gỗ này hình chữ nhật, 4 góc có chân đỡ hình chữ A, được lót lưới kín từ thành đến lòng khung để chứa lạc, sau khi đã hoàn thành khâu đập, tách củ với gốc cây. Còn phụ phẩm từ lạc được nông hộ sử dụng làm phân xanh hoặc thức ăn trong nuôi dê...

Đến thời điểm này, hàng trăm ha lạc của xã Vĩnh Phúc bước vào thu thoạch rộ. Niềm vui no ấm, chất lượng cuộc sống đang lan tỏa đến mọi nhà. Còn cấp ủy, chính quyền sở tại lại bắt tay vào việc tập trung hoàn thành kế hoạch dồn điền, chỉnh trang đồng ruộng để tổ chức lại sản xuất. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đối với các khâu trong sản xuất; mở rộng diện tích gieo trồng giống mới năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao,... để góp phần nâng cao tiêu chí về thu nhập cho người dân xã Nông thôn mới.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Bắc Mê còn đó những nỗi lo

BHG- Thời gian qua, công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Bắc Mê nằm trên tuyến Quốc lộ 34, đoạn từ thôn Bản Tính (xã Phú Nam) đi Cao Bằng do chủ đầu tư là Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng. Đơn vị thi công là Tổng Công ty Sông Đà 5, quá trình thi công không đảm bảo an toàn nên đã xảy ra một số vụ tai nạn, không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản, mà còn khiến người dân hết sức hoang mang và lo ngại về mức độ an toàn mỗi khi lưu thông qua khu vực này.

30/06/2016
Vì sao người dân phường Ngọc Hà ngăn đường chặn xe chở quặng vào bãi tập kết?

BHG - Từ đêm 26.6 đến nay, hàng chục người dân tổ 8, phường Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đã dựng vật cản, cắt cử lực lượng túc trực ngăn chặn, không cho xe của Công ty TNHH MTV Trí Hưng (Công ty Trí Hưng) chở tinh quặng Sắt vào bãi tập kết. Người dân bức xúc vì tiếng ồn, bụi ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, còn doanh nghiệp giải quyết chưa linh hoạt, chưa thấu tình đạt lý… dẫn đến sự việc càng trở nên phức tạp.

29/06/2016
Lãng phí một công trình tiền tỷ

BHG- Được khởi công xây dựng từ tháng 10.2013, đến tháng 9.2014; Công trình Cải tạo, nâng cấp cụm thủy lợi các thôn: Tân Điền, Mâng, Nặm Mái, xã Kim Ngọc; Quyết Thắng, Thượng, Thác, xã Bằng Hành (Bắc Quang) được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nhưng kể từ đó đến nay, hạng mục thủy lợi Nặm Mái (xã Kim Ngọc) thuộc công trình tiền tỷ này vẫn "nằm im", gây bất bình dư luận.

29/06/2016
Toàn tỉnh gieo cấy trên 60% diện tích lúa vụ Mùa

BHG - Thời điểm này, nhiều cánh đồng đã được phủ màu xanh của lúa, ngô, đậu tương... Với phương châm "Gặt lúa Xuân đến đâu làm đất Mùa đến đó", người dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực xuống đồng, tiếng máy cày rền vang khắp đồng ruộng, mục tiêu là hoàn thành gieo cấy vụ Mùa đúng theo khung thời vụ.

13/07/2016