Huyện Quản bạ và Quang Bình đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp
BHG- Thực hiện Quyết định số 755/2013, của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cận nghèo; huyện Quản Bạ đã thực hiện rà soát, phân bổ nguồn hỗ trợ hợp lý, đúng đối tượng, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ nguồn hỗ trợ trên, nhiều hộ dân đã có công cụ sản xuất, mua sắm được máy móc phục vụ sản xuất, tăng hệ số sử dụng đất và thu nhập cho gia đình.
Người dân xã Quản Bạ (Quản Bạ) dùng máy phay đất làm vụ Mùa. Ảnh: Lê Hải |
Đến thị trấn Tam Sơn vào những ngày bà con nông dân đang làm đất cấy lúa vụ Mùa, khắp nơi trên những thửa ruộng bậc thang đều vang lên tiếng máy phay đất. Trước đây, người dân chỉ dùng sức kéo của trâu, bò để cày đất, phải mất vài ngày mới cày xong được thửa ruộng. Thì nay, chỉ cần một đến hai chiếc máy phay đất là xới đất xong trong vòng một ngày. Anh Cường, một nông dân đang cày thửa ruộng của gia đình, bộc bạch: “Do đất ở đây thiếu nước nên ruộng rất khô, đất rắn, chắc; mỗi vụ lúa trước đây chúng tôi phải dùng trâu, bò cày xới nhiều lần mới được. Nhưng bây giờ có máy phay đất, mua giá vào khoảng 7 – 14 triệu đồng, chỉ cần chạy máy 1 ngày là xong, đỡ vất vả hơn trước nhiều. Nếu nhà nào có ruộng nhiều thì có thể mượn thêm máy của nhà khác về cày”. Không chỉ sử dụng máy phay đất, người dân ở đây còn mua máy bơm nước, máy gặt lúa bằng chân hoặc chạy mô tơ để hỗ trợ sản xuất lúa. Nhờ vậy, có nhiều diện tích ruộng, nương trước đây không cấy được do thiếu nước đã được bà con tận dụng để tăng diện tích sản xuất.
Chính sách hỗ trợ công cụ sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn. Trưởng phòng Dân tộc huyện, anh Lục Sương Minh, cho biết: “Thực hiện Quyết định số 755, trong năm 2015, huyện được phân bổ 2.432 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng và mua 608 bể nước, téc nước; khai hoang 3,36 ha đất sản xuất; hỗ trợ mua 15 máy cày làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho các hộ nghèo tại 13 xã, thị trấn. Qua đó, nhiều hộ có thêm công cụ hỗ trợ sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho các hộ nghèo”.
Chia sẻ về hiệu quả của chính sách hỗ trợ nông cụ sản xuất, Phó Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Vương Đình Ba, cho biết: “Năm ngoái, xã có 7 hộ nghèo được hỗ trợ mua máy phay đất và téc nước theo Quyết định 755. Trong vài năm trở lại đây, người dân ở xã đã tích cực mua máy móc về hỗ trợ sản xuất; hiện, xã có khoảng gần 100 chiếc máy phay đất. Nhờ sử dụng máy móc hỗ trợ nên việc sản xuất lúa của bà con cũng đỡ vất vả hơn”. Toàn xã Quản Bạ có khoảng 130 ha diện tích lúa, thì gần như nhà nào cũng có một chiếc máy phay đất để làm đất. Tuy nhiên, theo anh Ba, nhu cầu mua máy móc của người dân, nhất là các hộ nghèo vẫn còn, nhưng mức hỗ trợ ít nên chưa đáp ứng được.
Đề cập đến vấn đề này, anh Lục Sương Minh, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: “Việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 755 ở trên địa bàn huyện vẫn còn một số khó khăn. Đó là kinh phí được cấp hàng năm còn thấp so với đề án được phê duyệt; định mức hỗ trợ mua nông cụ làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho một gia đình còn thấp là 5 triệu đồng/hộ, do đó ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả triển khai thực hiện”. Với một chủ trương mở lối cho bà con các dân tộc thiểu số là hộ nghèo, cận nghèo sống ở vùng đặc biệt khó khăn có đất sản xuất, công cụ sản xuất để làm ăn phát triển kinh tế là điều đáng mừng. Hy vọng, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phù hợp với hoàn cảnh của từng địa phương.
Để triển khai thực hiện việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, huyện Quang Bình đã tập trung chỉ đạo các xã tuyên truyền vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, san gạt mặt bằng ruộng, xây dựng tuyến đường nội đồng và hệ thống kênh mương để đảm bảo thuận lợi cho việc sản xuất của bà con nhân dân tại khu vực thực hiện dồn điền đổi thửa và các khu vực lân cận. Theo lãnh đạo huyện Quang Bình cho biết: Ngay từ đầu vụ sản xuất Đông - xuân 2016, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động phối hợp với UBND các xã tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai việc áp dụng gieo mạ khay và thực hiện cấy bằng máy để làm dịch vụ cung ứng mạ cho nhân dân. Qua triển khai thực hiện vụ Xuân 2016, các Tổ sản xuất mạ khay trên địa bàn đã sản xuất được 23.700 khay mạ, tương đương 87 ha lúa. Trong đó, diện tích thí điểm áp dụng máy cấy là 5 ha tại khu vực dồn điền. Qua theo dõi đánh giá sử dụng mạ khay, máy cấy giảm chi phí 1/3 so với thực hiện bằng phương pháp truyền thống, chất lượng mạ tốt, cho năng suất cao hơn cấy thông thường 2-3 tạ/ha.
Đồng chí Tăng Trung In, Bí thư Đảng ủy xã Bằng Lang cho biết: Vụ Xuân năm 2016, UBND huyện chỉ đạo xã thí điểm dồn điền đổi thửa 5,2 ha, hoàn thiện đường nội đồng với chiều dài là 368 m và hệ thống kênh mương dài 161,37 m đảm bảo thuận lợi cho việc sản xuất của nhân dân. Xã cũng đã triển khai cho nhân dân kỹ thuật cấy mạ khay bằng máy trên số diện tích này và được đánh giá là phù hợp trên đồng ruộng địa phương, qua đó cho thấy năng suất lúa cấy bằng máy tăng gấp nhiều lần so với cấy bằng thủ công. Cũng để giảm sức lao động cho nhân dân, người dân trong xã đã đua nhau mua máy nông nghiệp; hiện nay, cả xã có 118 chiếc máy cày, bừa, 32 máy tuốt lúa.
Vĩ Thượng cũng là một trong những xã có phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mạnh. Hiện nay, toàn xã có tổng số 93 máy nông nghiệp; trong đó, có 85 máy cày, bừa (có 12 máy có công nghệ tiên tiến), 1 máy cấy và 7 máy tuốt lúa. Chia sẻ với phóng viên, Bí thư Đảng ủy xã, Hoàng Lý cho biết: Trong thời gian qua xã Vĩ Thượng đã tập trung chỉ đạo đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, giảm khâu nặng nhọc cho người dân ở cả 3 khâu: làm đất, gieo cấy, thu hoạch, bảo đảm cho diện tích đất gieo trồng nói chung và diện tích đất trồng lúa của xã nói riêng. Qua cơ chế chính sách của tỉnh, của huyện; nông dân đã nhận thức rõ hơn về việc sản xuất nông nghiệp bằng cơ giới hóa, vì vậy nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mua máy cày, bừa, tuốt lúa và máy xay xát gạo... tạo bước đột phá mạnh mẽ trong việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp. Đối với khâu thu hoạch, khâu ra hạt, khâu tuốt lúa, do tính chất khẩn trương của thời vụ và sức ép thiếu lao động lúc mùa vụ nên nông dân trong xã cũng quan tâm đầu tư, sử dụng ngày càng phổ biến máy tuốt lúa bằng động cơ, vừa cải thiện điều kiện làm việc nặng nhọc cho người nông dân, vừa rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, giảm tỷ lệ rơi vãi...
Có thể nói, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của huyện Quang Bình trong thời gian qua là rất hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, cái khó để mở rộng phạm vi trên địa bàn các xã hiện nay đó là do địa hình của các xã bị chia cắt mạnh, diện tích canh tác nhỏ lẻ, một số xã vùng cao, vùng sâu có ruộng bậc thang, hệ thống tưới tiêu nhiều nơi chưa chủ động được do không có nước... Từ đó, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất còn có những khó khăn nhất định. Mặt khác, sau khi các hộ đã đăng ký, chính quyền xã chưa kịp thời hướng dẫn các hộ hoặc chuyển hồ sơ đăng ký vay vốn của các hộ đến ngân hàng để thẩm định... dẫn đến chậm trong việc triển khai mua các loại máy nông nghiệp để sản xuất...
Để triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 78/KH-UBND, ngày 25.3.2016 của UBND tỉnh về cơ giới hóa trong sản xuất nông - lâm nghiệp đến năm 2020, UBND huyện Quang Bình xây dựng, ban hành kế hoạch cơ giới hóa trong sản xuất nông - lâm nghiệp của huyện để làm căn cứ tổ chức triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp ngày càng hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Lê Hải – Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc