HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô: Đổi mới hoạt động để phát triển bền vững
BHG- Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp Thành Đô, tổ 2, thị trấn Đồng Văn (Đồng Văn) được thành lập năm 2009, với ngành nghề kinh doanh chính là nuôi và khai thác ong mật; sản xuất nước uống đóng bình, đóng chai và kinh doanh hàng tổng hợp khác. Tuy hoạt động trên địa bàn khó khăn, nhưng do linh hoạt trong cách làm, nắm bắt được nhu cầu thị trường, tận dụng chính sách mới của Nhà nước trong khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn nên hoạt động của HTX ngày một khởi sắc; không những đem lại nguồn thu nhập ổn định cho thành viên HTX mà còn làm lợi cho cả người dân địa phương.
Thành viên HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô kiểm tra sự phát triển, sinh trưởng của đàn ong nội. |
Anh Hoàng Văn Giang, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô cho biết: Thời gian đầu thành lập, HTX gặp nhiều khó khăn trong tổ chức triển khai nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh do thiếu kinh nghiệm quản lý vận hành, vốn điều lệ ít chỉ có 500 triệu đồng, trong khi ngành nghề kinh doanh đòi hỏi phải có sự đầu tư, mở rộng thường xuyên nên hiệu quả sản xuất, lợi nhuận HTX mang lại là không nhiều; có thời điểm HTX phải hoạt động cầm chừng. Những khó khăn trên đã làm cho HTX thêm quyết tâm và có hướng đi phù hợp, từng bước đưa HTX đi lên.
Để đảm bảo cho HTX phát triển toàn diện, bền vững theo Luật HTX mới năm 2012, HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô đã chuyển đổi, đổi mới tư duy hoạt động theo hướng liên kết sản xuất khép kín cung cấp dịch vụ đầu vào - thu mua tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm trong sản xuất. Cùng đó là sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường. HTX xây dựng Điều lệ hoạt động cụ thể. Theo định kỳ 3 tháng 1 lần, HTX tổ chức họp, bàn phương án sản xuất, kinh doanh... Từ việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ rõ ràng đã phát huy được tinh thần làm chủ của thành viên trong việc góp ý kiến, góp vốn điều lệ để có thêm nguồn lực đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Với sự đồng thuận, cùng quyết tâm của thành viên, HTX đã mạnh dạn mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh đầu tư xây dựng nhà xưởng, đầu tư hệ thống dây truyền sản xuất nước uống đóng trai, đóng bình trị giá trên 100 triệu đồng. Nước uống đóng bình, đóng chai do HTX sản xuất được các ngành chức năng thẩm định, đảm bảo đủ tiêu chuẩn chất lượng để cung cấp ra thị trường trong và ngoài huyện.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh ngày 10.12.2015 về việc ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn; HTX đã vay vốn từ Ngân hàng NNo&PTNT huyện Đồng Văn 1 tỷ đồng, được hỗ trợ lãi xuất trong thời gian 2 năm để nhân rộng, phát triển đàn ong nội. Có vốn đầu tư, mục tiêu trong năm 2016 này, HTX sẽ phát triển, tăng đàn ong lên 1.500 đàn. Điều thuận lợi cho HTX hiện nay là, anh Hoàng Văn Giang, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX và một số thành viên HTX đã làm chủ được kỹ thuật nhân giống đàn ong nội bằng phương pháp tạo mũ chúa di trùng (tách đàn).
Không những phát triển đàn ong của HTX, nắm bắt được nhu cầu của người dân các xã, thị trấn vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn; đối với người dân được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong thời gian 2 năm, với mức vay tối thiểu 20 triệu đồng để nuôi ong nội, quy mô tối thiểu từ 20 tổ trở lên. HĐQT và Ban Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô đã làm việc với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn trong huyện để nắm bắt nhu cầu nuôi ong và sẵn sàng cung cấp tổ ong nội cho người dân nuôi, đảm bảo chất lượng với giá thành giao động từ 950 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/tổ. Không chỉ cung cấp tổ ong nội giống, HTX còn tự sản xuất, nhận cung cấp cả chân tầng nuôi ong cho người dân với giá bán 9.000 đồng/chân tầng (Riêng năm 2015, HTX đã bán, cung cấp cho người dân trong vùng được trên 1.200 chân tầng nuôi ong).
Hiện tại, HTX đã nhận đặt hàng cung cấp tổ ong nội cho các xã, thị trấn; nhiều hộ dân tại các xã đã được HTX cung cấp tổ ong về nuôi như: Gia đình anh Vàng Mí Và mua 50 tổ, Giàng Nhìa Sò, thôn Giàng Sì Tủng, xã Thài Phìn Tủng mua 100 tổ; Vàng Mí Nhu, thôn Sủng Trái A, xã Sủng Trái, mua 40 tổ; Giàng Mí Lùng, thôn Sà Tủng Chứ, xã Tả Phìn mua 200 tổ; Sùng Vả Sính, thôn Há Súa, xã Hố Quáng Phìn mua 40 tổ... HTX đặt mục tiêu trong năm 2016 sẽ cung ứng cho người dân trong vùng khoảng trên dưới 2.000 tổ ong (tùy thuộc vào nhu cầu nuôi ong của người dân HTX có thể cung cấp tổ ong nội giống nhiều hơn). Nếu người dân nuôi ong tốt, chất lượng mật ong đảm bảo, HTX sẵn sàng làm đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm giúp người dân.
Anh Vừ Sáu Pó, thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng nhận đặt mua của HTX 100 tổ ong cho biết: “Mua ong nuôi của HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô sản xuất không những đảm bảo về giống, lại được HTX hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh và có thể bao tiêu cả sản phẩm, mình thật yên tâm, giờ chỉ lo chăm sóc đàn ong nuôi cho tốt”.
Với sự quản lý chặt chẽ, sự điều hành hiệu quả nên chỉ trong thời gian ngắn HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô đã xây dựng được nền móng vững chắc, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho xã viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên và theo mùa vụ cho 6 lao động là người địa phương; đóng nộp thuế vào ngân sách Nhà nước đầy đủ. Mục tiêu của HTX trong năm 2016, mở rộng và phát triển đàn ong nuôi lên 2.000 đàn ong; phấn đấu doanh thu từ mật ong, bán tổ ong giống, bán cầu ong và kinh doanh sản xuất nước đóng bình đạt 3 tỷ đồng trở lên.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn khẳng định: “HTX dịch vụ tổng hợp Thành Đô là một trong số ít HTX trên địa bàn huyện Đồng Văn áp dụng chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX mới đem lại hiệu quả. HTX đã có đóng góp lớn vào sự phát triển nền nông nghiệp hàng hóa thông qua việc cung cấp tổ ong nội giống, cùng huyện từng bước thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới”.
HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc