Thành phố Hà Giang: Dự án Vành đai thực phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng sau 3 năm chưa rõ... hình hài
BHG - Thành phố Hà Giang có đầy đủ tiềm năng thực hiện dự án về nông nghiệp khi quỹ đất phục vụ cho sản xuất ở các xã vành đai lớn, cơ chế chính sách phù hợp, người dân có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng rau và phát triển chăn nuôi hàng hóa, thị trường tiêu thụ rộng lớn; được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của ngành chức năng... Vậy nhưng sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án “Vành đai thực phẩm hàng hóa an toàn, chất lượng giai đoạn 2013 – 2015”, người tiêu dùng vẫn đang “mơ hồ” về một vành đai thực phẩm sạch.
Đi tìm thực phẩm sạch
Ngày 30.10.2013, UBND T.P Hà Giang có Quyết định số 4436/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án phát triển vành đai thực phẩm hàng hóa an toàn chất lượng thành phố Hà Giang giai đoạn 2013 - 2015. Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án với sự đầu tư, hỗ trợ lớn về giá giống rau, thuốc bảo vệ thực vật, cơ sở hạ tầng, nhà lưới, chuồng trại... Bước đầu, Dự án đã có tác động đến nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân về ý thức phát triển, sử dụng sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Người dân tổ 9, phường Ngọc Hà thu hoạch rau VietGAP bán cho “mối quen” ở chợ. |
Đến nay, TP Hà Giang đã có 50 ha rau chuyên canh; trong đó,12,6 ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng bình quân đạt 1.185 tấn/năm; chăn nuôi gần 3.500 con lợn, sản lượng 279 tấn/năm và trên 90.000 con gia cầm... Các sản phẩm này đã đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên điều mà người nông dân trăn trở là sản phẩm nông nghiệp an toàn của họ không có “chỗ đứng riêng” trên thị trường mà lẫn vào sản phẩm nông nghiệp không rõ nguồn gốc, còn người tiêu dùng thì loay hoay vì không có cách nào để phân biệt được rau... “dự án”.
Phường Ngọc Hà, xã Ngọc Đường, xã Phương Thiện là những địa chỉ trên hành trình đi tìm thực phẩm sạch của chúng tôi. Cánh đồng rau VietGAP (tổ 8,9 phường Ngọc Hà) luôn nhộn nhịp vào thời điểm người dân tất bật thu hoạch rau cho buổi chợ sáng mai. Tại đây, phóng viên được cán bộ khuyến nông phường Ngọc Hà hướng dẫn quy trình và những quy định nghiêm ngặt về sản xuất rau VietGAP và được khẳng định rau Ngọc Hà không đủ để cung cấp cho thị trường.
Theo Đề án, T.P Hà Giang đã khảo sát, xây dựng phương án bố trí các cửa hàng bán thực phẩm sạch, rau VietGAP tại một số khu vực ở chợ trung tâm thành phố, chợ đầu mối Ngọc Hà, Cầu Trắng, Minh Khai, thành lập các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cho người dân... Nhưng thông tin chúng tôi có được lại hoàn toàn trái ngược. Người dân Ngọc Hà ít nhập rau cho các cửa hàng bán rau VietGAP, chủ yếu là bán cho các mối làm ăn quen và đi bán tự do ở chợ; giá bán rau VietGAP không cao hơn so với các loại rau trồng ở các nơi khác và người tiêu dùng cũng không có cách nào để phân biệt được đâu là rau được sản xuất đúng quy trình an toàn.
Rau VietGAP “nằm chung” sạp với các loại rau, củ không rõ nguồn gốc. |
Chị Trần Thị Huyền (tổ 9) chia sẻ: “Không lo về thị trường, rau sản xuất được chừng nào thì bán hết chừng đó, nhưng rau VietGAP chưa có thương hiệu, ra chợ là đều như nhau, trong khi chúng tôi phải tuân thủ quy trình sản xuất, chi phí cũng cao hơn, chưa có giải pháp nào để người mua phân biệt được rau VietGAP... “Được biết, đã có giải pháp in chữ VietGAP và địa chỉ sản xuất lên lạt buộc rau để tạo thương hiệu và giúp người tiêu dùng phân biệt thực phẩm sạch nhưng giải pháp này chưa được thực hiện hiệu quả.
3h sáng, theo chân những người trồng rau ở Ngọc Hà ra chợ trung tâm thành phố, tại đây, những hàng rau tươi ngon buổi sớm của người dân Ngọc Hà lẫn vào những hàng rau khác và được các hộ buôn bán rau ở khắp nơi trên địa bàn thành phố về cất mua rồi mang đi. Vậy là, sau khi rời khỏi tay người trồng, rau VietGAP mất luôn... nguồn gốc.
Mục sở thị các gian hàng bán rau VietGAP tại Chợ trung tâm thành phố, những mớ rau VietGAP “nằm chung” sạp với nhiều loại rau khác nhập từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Giải thích về vấn đề này, chị Lê Thị Kim Dung, chủ 1 sạp hàng rau VietGAP cho biết: “Rau ở Ngọc Hà, Ngọc Đường chủ yếu là các loại rau ăn lá, chúng tôi phải nhập nhiều loại rau khác để gian hàng được đa dạng”.
Rời cánh đồng rau xanh tốt, chúng tôi tìm về thôn Châng (xã Phương Thiện), nơi triển khai thực hiện Đề án với quy mô chăn nuôi lợn từ 100 - 200 con/lứa. Anh Nguyễn Văn Sên, Chủ nhiệm HTX xản xuất nông - lâm nghiệp thôn Châng dẫn tôi đi xem khu chuồng trại đã bỏ trống hơn 1 tháng nay. Nguyên nhân là sau khi xuất được lứa lợn đầu tiên, không đủ vốn để quay vòng chăn nuôi nên đành bỏ ngắt quãng, chờ vay tiền từ ngân hàng NN&PTNT để tái đầu tư. Trong khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân thành phố là rất lớn, mỗi ngày có trên 100 con lợn được giết thịt, mỗi tháng có đến hàng trăm con lợn được nhập từ các tỉnh miền xuôi về địa bàn tiêu thụ thì những người chăn nuôi theo dự án như anh Sên lại gặp khó với nguồn vốn để tái đầu tư. Việc chăn nuôi ngắt quãng khiến nhu cầu thực phẩm an toàn với người dân rơi vào thiếu hụt...
Không có cách nào để phân biệt, tìm mua thực phẩm sạch, người dân mất niềm tin và nhiều người đã tận dụng những khoảng đất trống ở vỉa hè, trên sân thượng... để tự trồng rau, nuôi gà.
Đừng “Mang con bỏ chợ”
Đó là cách mà người sản xuất nông nghiệp ở T.P Hà Giang nói về các sản phẩm sản xuất theo Đề án. Thực tế, UBND thành phố đã có sự quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện để các hộ dân phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhưng sự đầu tư chưa đúng cách, đúng hướng khiến cho vành đai thực phẩm hàng hóa an toàn sau 3 năm vẫn chưa rõ “hình hài”. Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến trong buổi làm việc với UBND thành phố về đề án đã nêu rõ: Mặc dù tiềm năng lớn và có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng dự án chỉ mới đáp ứng được nhu cầu rất nhỏ, chưa tạo được vành đai thực phẩm an toàn phục vụ người dân. Sản phẩm an toàn chưa rõ và chưa tạo được lòng tin cho người tiêu dùng, thu nhập của người nông dân làm nông nghiệp tại các xã chậm thay đổi... Nguyên nhân là do cách đi, hướng đi, cách thức triển khai chưa phù hợp, chưa có sự quan tâm xuyên suốt từ cấp ủy, chính quyền các cấp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng.
Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Sên “nằm không, chờ vốn”. |
Được biết, vừa qua, lãnh đạo thành phố đã có chuyến tham quan, học hỏi mô hình trồng rau chất lượng cao tại thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), và hiện đang chỉ đạo Phòng Kinh tế xây dựng Đề án “Phát triển vành đai thực phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch”. Dự án mới sẽ mở rộng diện tích, quy mô, tập trung phát huy lợi thế vùng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, đa dạng, tạo thành chuỗi liên kết sản xuất từ đầu đến thị trường tiêu thụ; xây dựng Hà Giang trở thành thành phố “sạch”.
Để xây dựng thành phố Hà Giang trở thành “thành phố đáng sống”, là điểm dừng chân lý tưởng của khách du lịch và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng đối với thực phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân như kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh, thiết nghĩ, T.P Hà Giang cần vào cuộc quyết liệt, có giải pháp cụ thể, đúng hướng, phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với tổ chức lại sản xuất, không theo lối mòn; quyết tâm xây dựng một vành đai thực phẩm mang thương hiệu Hà Giang, để người nông dân yên tâm sản xuất, người tiêu dùng yên tâm về bữa ăn an toàn của gia đình.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc