Rừng đặc dụng Phong Quang vẫn đang bị "xẻ thịt"
BHG - Rừng đặc dụng Phong Quang có nhiều loại gỗ quý hiếm nên lâu nay luôn bị bọn “lâm tặc” tìm cách khai thác trái phép. Đã có thời gian một số nơi trong khu vực rừng đặc dụng trở thành “điểm nóng” khi “lâm tặc” chặt phá một cách rầm rộ, thậm chí sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng khiến cho công tác quản lý, bảo vệ rừng nhiều lúc rơi vào bế tắc. Mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để tình trạng này!. Những cây gỗ hàng trăm năm và có cây nghìn năm tuổi đang đứng trước nguy cơ bị “xẻ thịt” bất cứ lúc nào.
Rừng vẫn... “chảy máu”
Rừng đặc dụng Phong Quang có trên 8.900 ha với nhiều loại gỗ quý hiếm, trong đó gỗ nghiến có trữ lượng tương đối lớn. Do giá trị kinh tế từ loại gỗ này, bọn “lâm tặc” thường xuyên dòm ngó và thực hiện các hành vi khai thác trái phép. Mặc dù các ngành chức năng đã vào cuộc một cách quyết liệt nhưng tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trên địa bàn vẫn thường xuyên xảy ra. Điều đáng nói, các đối tượng khai thác, mua, bán và vận chuyển lâm sản chủ yếu là người dân sống trong vùng lõi và vùng giáp ranh. Với các hoạt động tinh vi, xảo quyệt, các đối tượng này đã không ít lần qua mặt cơ quan chức năng để cung cấp gỗ cho các đầu nậu.
Hiện trường la liệt gỗ nghiến “thừa” do “lâm tặc” bỏ lại. (ảnh chụp lúc 11h sáng 3.6) |
Một trong những địa bàn có diện tích rừng lớn phải kể đến xã Minh Tân với trên 7.200 ha đất lâm nghiệp; lâm sản tập trung nhiều ở các thôn Tân Sơn, Lùng Thiềng, Phìn Sảng, Thượng Lâm, Hoàng Lỳ Pả, Mã Hoàng Phìn. Đây là vùng được “lâm tặc” xem như miếng mồi béo bở để tiến hành khai thác. Cũng chính lợi nhuận từ gỗ mang lại đã khiến cho nhiều người bất chấp pháp luật, lén lút chặt phá rừng. Mới đây, vào ngày 1.4.2016, lực lượng Tổ quần chúng bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thôn Tân Sơn, xã Minh Tân trong khi tuần tra, kiểm tra rừng đã phát hiện 3 đối tượng đang khai thác trái phép gỗ nghiến nhóm IIA tại khu rừng đặc dụng thôn Tân Sơn. Tại địa điểm phát hiện, Tổ công tác đã bắt được đối tượng Sùng Ngọc Chung (sinh năm 1984, trưởng thôn Tả Lèng, xã Minh Tân) cùng với 10,208m3 gỗ nghiến; 2 đối tượng gồm Vàng Mí Lềnh (sinh năm 1991, trú tại thôn Pao Mã Phìn, xã Tả Ván, huyện Quản Bạ) và Giàng Seo Lử (sinh năm 1986, trú tại thôn Tả Lèng, xã Minh Tân) bỏ chạy, sau đó được cơ quan chức năng triệu tập và đã thừa nhận hành vi khai thác lâm sản trái phép cùng với Sùng Ngọc Chung.
Đây chỉ là một trong số 2 vụ được phát hiện từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã Minh Tân. Bởi theo tìm hiểu thực tế, ở hầu hết các thôn của xã Minh Tân, tình trạng gỗ nghiến bị chặt hạ vẫn thường xuyên xảy ra. Thậm chí có những thôn gỗ nghiến bị khai thác nhiều, khu vực khai thác nằm không xa khu vực dân cư nhưng hàng ngày gỗ nghiến bị cưa đổ chưa có dấu hiệu dừng lại. Câu hỏi đặt ra: Liệu có sự tiếp tay cho “lâm tặc’?. Theo lời khẳng định của Chủ tịch UBND xã Minh Tân, Phàn Văn Hạc cho biết: “Hiện nay tình trạng gỗ nghiến bị khai thác lén lút là có thật. Việc cán bộ xã tiếp tay cho “lâm tặc” thì không, nhưng việc nắm bắt cán bộ ở thôn bản có tham gia hay không thì chưa thể nắm hết”. Như vậy có thể nói, đến thời điểm hiện nay, rừng ở Minh Tân vẫn đang trong tình trạng... “chảy máu”.
Cần thêm những giải pháp ngăn chặn hiệu quả.
Việc rừng đặc dụng Phong Quang bị các đối tượng lén lút khai thác trái phép không chỉ lãnh đạo ở các xã nằm trong khu vực biết mà lực lượng kiểm lâm cũng biết. Tuy nhiên, làm sao để chấm dứt tình trạng này vẫn đang là bài toán chưa tìm được lời giải. Trong buổi làm việc với ông Nguyễn Việt Hưng, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Phong Quang thêm một lần khẳng định: “Tuy không phải điểm nóng nhưng tình trạng khai thác lâm sản trái phép ở rừng đặc dụng Phong Quang vẫn diễn ra. Thực tế đến nay, để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này là rất khó”.
Một gốc nghiến hàng nghìn năm tuổi bị cưa xăng chặt hạ. (ảnh chụp lúc 11h sáng 3.6) |
Lý giải về vấn đề này, ông Hưng cho biết: Do nhu cầu về gỗ, lâm sản của của nhân dân ngày càng nhiều; khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh giàu tài nguyên rừng; các đối tượng sử dụng mọi hình thức khai thác, vận chuyển gỗ qua các lối mòn sang Trung Quốc tiêu thụ; phần lớn nhân dân trong khu vực là đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có thu nhập thấp, thiếu việc làm nên tình trạng phát rừng làm rẫy, khai thác lâm sản tự do trong rừng, săn bắt động vật rừng trái phép để mưu sinh, gây khó khăn trong việc kiểm soát người dân vào rừng; các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ và có nhiều “tai mắt” cảnh giới; sử dụng nhiều loại phương tiện, xe không biển số hoặc biển số giả để vận chuyển; khi bị phát hiện bỏ chạy, gây khó khăn trong việc truy tìm, xác định đối tượng để xử lý. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, nguồn nhân lực còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất của BQL chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nên gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. “Mối lo ngại nhất chính là phía đầu nậu tiêu thụ gỗ tăng giá mua vào những dịp lễ, tết làm cho các đối tượng đi khai thác một cách ồ ạt, khiến cho việc ngăn chặn gặp nhiều khó khăn” – ông Hưng cho biết thêm.
Theo ghi nhận của phóng viên tại thời điểm 11h sáng ngày 3.6.2016, hiện trong khu vực rừng đặc dụng Phong Quang còn một số điểm “lâm tặc” khai thác khá mạnh. Có mặt tại thôn Lùng Thiềng, xã Minh Tân chúng tôi nhận thấy, có một số lượng lớn gỗ nghiến bị chặt hạ. Trong khu vực Lũng Chuối, thôn Lùng Thiềng, gỗ nghiến bị cưa đổ ngổn ngang; một số đã bị cắt theo dạng thớt và được vận chuyển đi nơi khác. Có những cây nghiến hàng nghìn năm tuổi bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc. Thậm chí, một số cây gỗ kích thước lớn cũng bị các đối tượng xẻ thành ván. Có những cây được cắt từ lâu và không ít cây vết cắt còn khá mới. Điều đó cho thấy, tình trạng khai thác gỗ nghiến ở đây tái diễn trong thời gian khá dài. Trưởng thôn Lùng Thiềng, Phàn Văn Đức cho biết: “Tình trạng gỗ nghiến trong thôn bị khai thác diễn ra từ lâu nhưng chưa có cách nào để bắt các đối tượng, do thôn Lùng Thiềng giáp ranh với địa phận xã Thuận Hòa và Phong Quang, để vào thôn chỉ có một đường duy nhất, tai mắt cảnh giới của “lâm tặc” có ở nhiều điểm nên việc ngăn chặn không thể thực hiện”.
Trên thực tế, cấp ủy, chính quyền các xã trong khu vực rừng đặc dụng Phong Quang và các cơ quan chức năng đã tuyên truyền, vận động nhân dân; phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thành lập các trạm kiểm lâm; tăng cường hoạt động của tổ kiểm lâm cơ động; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tổ chức cho nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng và thành lập các tổ tự quản tại các thôn, thành lập tổ xung kích bảo vệ rừng của xã; tăng cường công tác quản lý cưa xăng; hỗ trợ những người cung cấp tin về các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép... nhưng tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn thường xuyên tái diễn. Rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và có giải pháp thực sự hiệu quả để rừng đặc dụng Phong Quang không còn nỗi lo bị “xẻ thịt”.
HẢI ĐĂNG
Ý kiến bạn đọc