Người dân Quản Bạ đẩy mạnh trồng, chăm sóc cây dược liệu
BHG- Hiện nay, các hộ trồng Atiso trên địa bàn huyện Quản Bạ đang thu hoạch lá, hoa và rễ củ. Trong vụ này, 5 HTX Cộng đồng phát triển dược liệu trồng được 8,775 ha Atiso. Người dân đã thu hoạch 44.783 kg lá tươi, nấu được 1.850 lít cao lỏng. Các HTX tận thu 2,3 ha gồm: HTX Cộng đồng Nặm Đăm 1,1 ha; HTX Thanh Long 0,4 ha; HTX Tùng Vài Phìn 0,5 ha; HTX Nà Chang 0,3 ha và thu hơn 1.100 kg rễ củ tươi. Ông Dương Văn Ốc, ở thôn Nà Khoang, xã Quản Bạ cho biết: “Năm nay nhà tôi trồng 1.000 m2 Atiso, rất may là ruộng nhà tôi cây phát triển tốt, không bị sâu bệnh, ở HTX đến thu mua được hơn 1 tấn lá rồi, giá là 2,5 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, tôi còn cắt hoa Atiso tươi bán được 30 – 40 nghìn đồng/kg”. Theo ghi nhận, hầu hết các hộ dân đều bán được lá và hoa Atiso.
Ông Dương Văn Ôc ở thôn Nà Khoang, xã Quản Bạ thu hái Atiso. |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, HTX và hộ dân trên địa bàn trồng lũy kế được 78,86 ha dược liệu. Cụ thể: 5 HTX Cộng đồng phát triển dược liệu triển khai trồng được 22,21 ha, gồm các loại: Đương quy 11,825 ha; Atiso 8,775 ha; Sinh địa 1,35 ha; Tục đoạn 0,55 ha; Huyền sâm 0,1 ha; Ý dĩ 0,15 ha. Doanh thu từ các hoạt động ước đạt gần 500 triệu đồng; Công ty CPTM PTNLN Bình Minh 3 không trồng mà chỉ chăm sóc 21,6 ha diện tích trồng trước đó, gồm: Đương quy 7 ha; Hà thủ ô đỏ 3 ha; Bạch chỉ 1,5 ha; Kỷ tử 1 ha; Lão quan thảo 1,5 ha; Gừng 2 ha; Tục đoạn 1,6 ha; Rau má mèo; Mã đề; Nghệ tây; Bạch chỉ; Huyết đẳng; Đan sâm...; Công ty Cổ phần PTDL ANVY Hà Giang tiếp tục chăm sóc 35,2 ha diện tích trồng trước đó.
Tuy nhiên do diễn biến thời tiết phức tạp, có 2,795 ha dược liệu bị chết do hạn hán; 1,4 ha bị thiệt hại do mưa đá, chủ yếu bị thiệt hại ở HTX Nặm Đăm và Bình Dương. Một số diện tích xuất hiện rệp và sâu xám. Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn, HTX hướng dẫn các hộ dân phun thuốc phòng trừ kịp thời. Sau đợt mưa đá đầu tháng 4, đã hướng dẫn nhân dân tận thu những diện tích bị dập nát, các diện tích còn lại bị ảnh hưởng nhẹ tiếp tục chăm sóc. Ngoài ra, vụ này có 5,8 ha Đương quy không mọc được, dù người dân đã trồng dặm lại 2 đợt, diện tích còn lại tỷ lệ mọc thấp từ 15 - 40%. Có một số diện tích trồng thay thế bằng giống Đương quy Trung Quốc, thời gian đầu cây sinh trưởng, phát triển bình thường, nhưng đến nay cây có hiện tưởng sinh trưởng phát triển chậm, có một số diện tích bị chết.
Xác định nguyên nhân cây dược liệu sinh trưởng, phát triển kém, ngành chức năng cho biết, là do nguồn giống dược liệu của các doanh nghiệp cung ứng cho các HTX và người dân không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ nảy mầm thấp, tỷ lệ chết ở giai đoạn cây con cao dù đã gieo trồng, trồng dặm lại 2 - 3 lần. Chị Hoàng Thị Thơm Hương, Trưởng trạm Khuyến nông huyện, cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn, doanh nghiệp, HTX tuyên truyền, vận động các thành viên chăm sóc, thu hoạch số diện tích cây dược liệu còn lại. Đối với diện tích sinh trưởng kém, hiệu quả kinh tế thấp, sẽ khuyến cáo nhân dân chuyển đổi trồng cây khác. Đồng thời, thường xuyên bám nắm cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và HTX, kịp thời phát hiện, phòng trừ các loại sâu bệnh hại, đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt”.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc