Lĩnh vực nông nghiệp: Không vội vàng chạy theo số lượng
BHG- “Không vội vàng chạy theo số lượng, cần tính toán kỹ các yếu tố liên quan, yếu tố cần và đủ, nhằm đảm bảo thành công khi triển khai chương trình, kế hoạch lớn của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp” - chỉ đạo và yêu cầu trên được các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhắc lại nhiều lần tại Hội nghị giao ban trực tuyến về tiến độ thực hiện một số chương trình nông nghiệp vừa mới được tổ chức. Các nội dung được đề cập trực tiếp gồm tình hình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp theo Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND tỉnh, tái cơ cấu nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Việc triển khai những nội dung trên trong thời gian qua đang đặt ra nhiều yêu cầu bức thiết, cần phải có hành động cụ thể, không thể nóng vội, làm đến đâu phải chắc đến đó.
Phải thừa nhận, hiếm có nghị quyết nào liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp lại được các đồng chí lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện ráo riết như Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. Tại hội nghị giao ban vừa qua, trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh đến dự, nghe cách thức triển khai ở cơ sở và có hướng chỉ đạo cụ thể, chuyển tải những chủ trương, quan điểm vào cuộc sống một cách quyết liệt. Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh ra đời, được coi như luồng sinh khí mới thổi vào lĩnh vực nông nghiệp và với cách thức triển khai, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, nó đang hòa nhịp cuộc sống, nhận được sự đồng thuận cao. Chính vì vậy, sau một thời gian ngắn triển khai, nó đang cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nếu thực hiện một cách đồng bộ, khoa học sẽ hứa hẹn thành công lớn.
Tín hiệu vui, tích cực nhất thể hiện ở con số 16.719 lượt hộ đăng ký nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi theo Nghị quyết 209, với tổng kinh phí gần 1.129 tỷ đồng. Trong đó, 424 hộ đăng ký vay trên 15,5 tỷ đồng thực hiện sản xuất 537 ha chè; 6 hộ đăng ký vay trên 1,5 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến; 477 hộ đăng ký vay trên 36,8 tỷ đồng, thực hiện trồng, chăm sóc 755 ha cam. Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, có 14.106 hộ đăng ký nhu cầu vay trên 978 tỷ đồng nhằm phát triển 49.409 con trâu, bò; 2 tổ chức đăng ký vay 700 triệu đồng, chăn nuôi 35 con trâu, bò; 1.201 hộ đăng ký vay trên 63 tỷ đồng, thực hiện xây dựng 18.831 m2 chuồng trại; 496 hộ đăng ký vay trên 31 tỷ đồng, nuôi 31.488 tổ ong... Đến nay, các huyện đã tổ chức thẩm định 1.317 hồ sơ, có 460 hộ (chiếm 35%) đủ điều kiện vay vốn với tổng nhu cầu 37,7 tỷ đồng. Trong số đó, có 456 hộ chăn nuôi trâu, bò đủ điều kiện vay trên 34,8 tỷ đồng mua 1.659 con; 1 hộ đủ điều kiện vay 60 triệu đồng nhằm chăn nuôi 60 tổ ong. Ngân hàng NN-PTNT đã giải ngân trên 7,7 tỷ đồng cho 68/460 hộ đủ điều kiện. Đối với việc cơ giới hóa nông nghiệp, theo tổng hợp của 5 huyện, thành phố, có 1.648 hộ, 1 tổ chức đăng ký vay tổng nhu cầu vốn trên 22,8 tỷ đồng, đã có 19 hộ dân huyện Hoàng Su Phì được giải ngân trên 228 triệu đồng.
Xét về số lượng, con số trên rất đáng mừng, nhưng qua phân tích cho thấy đang bộc lộ nhiều lo ngại cần phải sớm nhận diện, có giải pháp tháo gỡ; đó chính là yếu tố phong trào, chạy theo số lượng, chưa chú trọng chất lượng. Đơn cử như trong lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò, chính sách hỗ trợ rất thiết thực nên số hộ dân đăng ký vay vốn liên tục tăng, tổng nhu cầu vốn rất lớn. Thế nhưng, họ lại chưa tính đến các yếu tố cần thiết như giống gia súc, thức ăn, công tác thú y, rồi việc học nghề, trang bị kiến thức chăn nuôi. Nếu chỉ nuôi nhỏ, lẻ theo kiểu mùa nào thức ấy thì không có gì phải bàn, nhưng khi phát triển theo hướng hàng hóa, có sử dụng nguồn ngân sách thì không thể xem nhẹ. Bởi lẽ, bài học về những thiệt hại trong chăn nuôi xảy ra mấy năm trước đến nay vẫn nóng hổi.
Còn nhớ cách đây gần chục năm, chủ trương “vàng hóa” đàn gia súc của Quang Bình nhằm XĐGN một cách nhanh chóng được người dân rất đồng tình, tham gia tích cực. Mặc dù chưa nuôi thử nghiệm, nhưng Quang Bình quyết định tăng tổng đàn gia súc theo cách nhập hàng trăm con bò vàng từ các huyện vùng cao phía Bắc về cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, do nóng vội nên đã bỏ qua các công đoạn rất quan trọng như chọn lựa giống, nguồn thức ăn, tập quán chăn nuôi và công tác thú y... dẫn đến chủ trương này nhanh chóng bị đổ bể. Bò nhập về đúng thời điểm dịch lở mồm, long móng bùng phát nên chết hàng loạt. Không chỉ những con bò lạ nước lạ cái chết ngay khi vừa đặt chân đến vùng đất mới, dịch bệnh còn lan sang cả đàn trâu địa phương khiến thiệt hại vô cùng lớn. Các hộ dân nghèo, vay vốn phát triển chăn nuôi với mong muốn thoát nghèo, nhưng gia súc chết, cuộc đời họ lại khó khăn thêm. Rồi gần đây, khi rét đậm, rét hại kéo dài, nguồn thức ăn cạn kiệt, người dân không có ý thức bảo vệ khiến “đầu cơ nghiệp” ở các huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì... chết nhiều. Nhắc lại chuyện này nhằm khẳng định một điều, chăn nuôi có thể giúp người dân XĐGN, nhưng tính rủi ro cũng rất cao, nếu chỉ làm theo phong trào, không tính toán kỹ từng phương án sẽ rất nguy hiểm.
Chính vì vậy, khi nhìn số hộ dân đăng ký lớn, tổng nhu cầu vay vốn đã lên mức nghìn tỷ đồng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất trăn trở. Từ đó có yêu cầu gắt gao, một mặt vẫn chấp nhận đàn gia súc tăng cơ học, nhưng phải tính ngay và thực hiện nhanh việc thụ tinh nhân tạo, nhằm sản xuất ra những con giống chất lượng, phục vụ nhu cầu phát triển đàn trước mắt cũng như lâu dài. Bên cạnh đó, các huyện cũng phải triển khai ngay phương án trồng cỏ, dự trữ thức ăn mùa Đông, rồi công tác thú y như thế nào để kiểm soát tốt dịch bệnh. Nói điều này không thừa, bởi vừa qua có địa phương, dịch bệnh xảy ra cả tháng nhưng không biết, phải chăng hệ thống chính trị ở cơ sở có vấn đề, công tác thú y bị buông lỏng?
Bên cạnh lĩnh vực chăn nuôi, việc hỗ trợ người dân vay vốn thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng phải thận trọng. Số lượng đăng ký đông, nhu cầu vốn lớn, nhưng đồng đất địa phương vừa ít, vừa manh mún, không nhất thiết hộ nào cũng mua máy cày, bừa. Qua kiểm tra của ngành chức năng cho thấy, có hộ chỉ vẻn vẹn nghìn m2 đất cũng vay vốn mua máy cày, vào vụ làm nhoáy cái đã xong, chiếc máy ngót chục triệu đồng nằm chơi dài, còn món tiền nợ ngân hàng vẫn treo trên vai người nông dân. Từ thực tế đó, các địa phương nên tính toán theo hướng mỗi nhóm hộ, hoặc thôn, bản chỉ nên cử một hộ đứng ra mua máy, đến mùa vụ vừa phục vụ gia đình, vừa làm dịch vụ, như vậy sẽ giúp tăng thu nhập, hiệu quả sử dụng cao hơn.
Việc ban hành các chính sách, được người dân “hấp thụ”, chứng tỏ nó phù hợp thực tế cuộc sống. Nhưng cách thức triển khai sao cho hợp lý, giúp người dân cải thiện đời sống, bảo toàn được đồng vốn là điều quan trọng nhất. Nhìn lại con số thực hiện vừa qua cho thấy, số hộ có nhu cầu đăng ký rất cao, nhưng số đủ điều kiện được giải ngân lại rất thấp. Trước hiện tượng trên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh yêu cầu phải hết sức thận trọng, các địa phương phải có đề án, kế hoạch cụ thể, khi đàn gia súc tăng một cách nhanh chóng thì nguồn thức ăn ra sao, con giống như thế nào, công tác thú y, rồi người dân có kiến thức gì chưa... chỉ khi nào đáp ứng được các điều kiện cần và đủ này mới tiến hành giải ngân, nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, đảm bảo sự thành công của một chủ trương lớn.
Thiên Thanh
Ý kiến bạn đọc