Lãng phí một công trình tiền tỷ
BHG- Được khởi công xây dựng từ tháng 10.2013, đến tháng 9.2014; Công trình Cải tạo, nâng cấp cụm thủy lợi các thôn: Tân Điền, Mâng, Nặm Mái, xã Kim Ngọc; Quyết Thắng, Thượng, Thác, xã Bằng Hành (Bắc Quang) được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng. Nhưng kể từ đó đến nay, hạng mục thủy lợi Nặm Mái (xã Kim Ngọc) thuộc công trình tiền tỷ này vẫn “nằm im”, gây bất bình dư luận.
Gần 2 năm trôi qua, hạng mục thủy lợi Nặm Mái chưa phát huy công năng sử dụng. |
2 đập đầu mối không dâng nước, toàn tuyến kênh dài 830 m đến thời điểm hiện tại vẫn trơ đáy, thậm chí nhiều đoạn nhường chỗ cho cỏ dại và rác thải lấn chiếm... Chưa phát huy công năng sử dụng, hạng mục thủy lợi Nặm Mái thuộc công trình trên còn gây không ít bất bình dư luận. Nguyên Bí thư Chi bộ thôn Nặm Mái, Nguyễn Công Liệu bức xúc: Khi có đoàn khảo sát, thiết kế công trình đến làm việc tại thôn, tôi là người trực tiếp dẫn đoàn đi khảo sát thực tế và tham gia đóng góp ý kiến, mong hoàn thiện hạng mục công trình. Thế nhưng, đến khi thi công, đơn vị hữu quan đã “phớt lờ” ý kiến đóng góp của nhân dân để đến giờ công trình không đạt hiệu quả như mong muốn. Theo dẫn chứng của ông Liệu, tại 2 đập đầu mối và một số đoạn kênh dẫn nước, chỗ cần cao độ thì hạ độ, còn nơi cần hạ độ thì nâng cao độ; đoạn cần được xây dựng cầu máng thì đơn vị thiết kế vẫn để kênh mương chảy theo hướng tự nhiên. Đặc biệt, điểm cuối của hạng mục thủy lợi không được đặt ở vị trí như mong muốn của người dân nên khó có thể đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho nhiều xứ đồng khác. Giải thích cụ thể hơn, ông Liệu cho biết: Nếu kênh thủy lợi này phát huy hiệu quả thì chỉ phục vụ được nước tưới tiêu cho khoảng 7 ha lúa 2 vụ. Nhưng nếu điểm cuối được đặt ở vị trí khác thì có thể phục vụ nước tưới cho khoảng 25 ha lúa 1 vụ lên 2 vụ sản xuất/năm. Mặc dù chúng tôi đã đưa ra ý kiến này với đoàn khảo sát thiết kế ngay từ đầu nhưng không được xem xét. Vì thực tế cho thấy, nếu như không có hạng mục công trình thủy lợi Nặm Mái thì 7 ha lúa 2 vụ của bà con trong thôn vẫn đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nhờ mương thủy lợi cũ (chưa được kiên cố hóa)...
Mặc dù được bàn giao đưa vào sử dụng đã gần 2 năm nay nhưng người dân được thụ hưởng từ hạng mục công trình trên mới 2 lần đắp đập, dâng nước. Song, nước chảy rất ít, khi đến đoạn cống qua đường, cách thân đập thứ 2 khoảng 150 m thì bị tắc. Lý giải điều này, Trưởng thôn Nguyễn Văn Hiến bức xúc: Chúng tôi nghi ngờ cống được sử dụng không đảm bảo chất lượng, không đúng thiết kế nên chỉ vài giờ sau khi hoàn thiện, xe ô-tô chạy qua là sập, dẫn đến tắc cống khi thông tuyến và làm ảnh hưởng đến lối đi lại của gia đình ông Mai Dương Nhấm (sống ở gần đó) mỗi lần dâng nước... Không những vậy, khi tiến hành dâng nước, hạng mục công trình này còn gây ảnh hưởng đến việc chăn nuôi thủy sản của người dân. Bởi cách thân đập thứ nhất về phía thượng nguồn khoảng 50 m, có đập đắp bằng đất để nuôi cá của gia đình ông Lý Văn Thiết. Mỗi lần dâng nước thủy lợi, thân đập đất của gia đình ông bị ngập 1,5 m, tiềm ẩn nguy cơ sạt, lở gây thiệt hại về kinh tế.
Sau nhiều ý kiến, kiến nghị của cấp ủy, chính quyền sở tại về những bất cập của hạng mục thủy lợi Nặm Mái, ngày 7.1.2016, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang (chủ đầu tư), Công ty TNHH Một thành viên 459 (TP. Hà Giang) – đơn vị chịu trách nhiệm thi công đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND xã Kim Ngọc và Bí thư Chi bộ thôn Nặm Mái. Song, biên bản làm việc mới dừng ở việc thống nhất nội dung: Xã và thôn vận động nhân dân cho dâng nước chảy vào tuyến kênh. Sau đó, xã báo cáo kết quả cho chủ đầu tư tiến hành kiểm tra toàn tuyến... Và từ đó đến nay, vì những lý do như đã dẫn chứng ở trên và do “xã bận nhiều việc” như chia sẻ của Chủ tịch UBND xã Kim Ngọc – Nguyễn Văn Tiếp nên việc tiến hành nội dung thống nhất theo biên bản giữa các bên liên quan chưa được thực hiện. Được biết, Công trình Cải tạo, nâng cấp cụm thủy lợi các thôn: Tân Điền, Mâng, Nặm Mái, xã Kim Ngọc; Quyết Thắng, Thượng, Thác, xã Bằng Hành (Bắc Quang) được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với tổng dự toán phê duyệt điều chỉnh trên 14,4 tỷ đồng.
“Nếu hạng mục thủy lợi Nặm Mái không phát huy hiệu quả thì quá lãng phí tiền bạc của Nhà nước, mà tiền của Nhà nước cũng từ nhân dân mà có” – nỗi lòng của ông Mai Dương Nhấm đọng lại trong lòng chúng tôi nhiều trăn trở. Trăn trở về bài học “lấy dân làm gốc” là khi xây dựng công trình, ngoài yếu tố tính toán khoa học còn cần kết hợp cả kinh nghiệm thực tiễn của người dân địa phương. Và đặc biệt, đừng bỏ ngỏ lời căn dặn của Bác Hồ khi Người lên thăm Hà Giang (năm 1961): “Muốn sản xuất tốt phải có đủ nước”...
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc