Khó khăn trong công tác giảm nghèo ở xã Thượng Bình

07:31, 08/06/2016

BHG- Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực đầu tư, sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, công tác giảm nghèo tại xã vùng 3 - Thượng Bình (Bắc Quang) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tính đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 64%, Thượng Bình vẫn là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện. Con số này đã phản ánh những khó khăn của xã trong nỗ lực cải thiện đời sống, đưa người dân từng bước thoát nghèo bền vững.

Chợ phiên xã Thượng Bình vào thứ 5 hàng tuần vẫn chủ yếu bán các mặt hàng tự sản xuất của bà con, chưa có sự giao lưu, thông thương nhiều giữa các vùng lân cận.
Chợ phiên xã Thượng Bình vào thứ 5 hàng tuần vẫn chủ yếu bán các mặt hàng tự sản xuất của bà con, chưa có sự giao lưu, thông thương nhiều giữa các vùng lân cận.

Từ nhiều năm nay, công tác giảm nghèo ở đây luôn là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương phải trăn trở; nhiều giải pháp để giúp xã giảm nghèo đã được thực hiện, nhưng hầu hết đều chưa thực sự mang lại hiệu quả. Xã Thượng Bình hiện có 407 hộ với 2.008 khẩu. Tính đến hết năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã là trên 64% (theo chuẩn nghèo mới) tăng 11% so với năm 2014. Đây là vùng đất có địa hình bị chia cắt bởi nhiều đồi núi, khe suối, nên thiếu mặt bằng để xây dựng các công trình và phát triển sản xuất hàng hóa. Xã có đến 70% dân số là dân tộc Mông, tư duy bà con trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, sản phẩm nông nghiệp làm ra khó tiêu thụ, giá thành thấp, đường giao thông đi lại đến các thôn, bản khó khăn... đã trở thành những yếu tố “níu chân” cuộc sống nghèo của bà con. Đi dọc hết trung tâm xã, tôi nhìn thật kỹ mới thấy được 3 đến 4 quán bán hàng tạp hóa nhỏ lẻ, đìu hiu, vắng khách. Bức tranh kinh tế thuần nông, chủ yếu là trồng cây lương thực đã làm cho Thượng Bình chậm phát triển. Không thể phủ nhận được, thời gian qua xã Thượng Bình đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đầu tư con giống, khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm cải thiện đời sống của người dân. Trong năm 2015, xã đã kêu gọi các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... đứng ra vay vốn ngân hàng hỗ trợ cho các hộ nghèo trên địa bàn để phát triển kinh tế. Trong quý I năm 2016, xã đã gieo cấy được 61 ha lúa, đạt 100% kế hoạch (KH) giao vụ Xuân, có 7 cánh đồng thực hiện 3 cùng; 60 ha ngô đạt 100% KH; 7,5 ha lạc đạt 93,7% KH; 3,8 ha đậu tương; 5,7 ha chè; 6,2 ha diện tích cây cam, quýt. Tổng đàn gia súc toàn xã hiện có 3.635 con, trong đó: Đàn trâu 861 con, đàn lợn 2.142 con, đàn dê 715 con, gia cầm khoảng 12.100 con. Số hộ chăn nuôi trâu từ 5-10 con có 35 hộ, từ 10 con trở lên có 04 hộ. Số hộ chăn nuôi dê từ 10 - 20 con có 10 hộ; từ 20 con trở lên có 03 hộ. Số hộ chăn nuôi lợn từ 20 trở lên có 17 hộ. Với những con số khái quát về lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi của xã cho thấy phần nào sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền trong việc tích cực vận động người dân, triển khai nhiều chính sách nhằm xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, mặc dù vậy, xã vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Diện tích lúa hàng năm, năng suất cây lương thực phụ thuộc hoàn toàn vào... “ông trời”. Trong khi đó việc đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy thử nghiệm cũng gặp khó khăn do xã chưa quy hoạch được vùng riêng để trồng lúa. Đồng đất không bằng phẳng, khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong tưới tiêu.

Chúng tôi đến thôn Nà Pia, một thôn có 100% bà con người Mông. Hiện, thôn có 39 hộ với với 280 khẩu, thì có 26 hộ nghèo (chiếm trên 66%), 6 hộ cận nghèo. Thôn không chỉ thiếu nước sản xuất mà còn thiếu cả nước sinh hoạt; toàn thôn Nà Pia có 18 ha lúa, 10 ha ngô, 10 ha rừng nhưng lúa ở đây hầu hết chỉ cấy được 1vụ/năm. Anh Vàng A Hòa, Bí thư Chi bộ thôn Nà Pia cho biết: “Những năm qua, Chi bộ thôn luôn phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh vận động nhân dân phát triển kinh tế, XĐGN. Thôn đã đưa một số giống cây mới như mận, dứa, lê vào trồng và cũng được hỗ trợ về giống cây trồng, hỗ trợ của Chương trình 135 nhưng còn hạn chế và chưa phát huy được hiệu quả. Bà con rất chịu khó làm ăn, nhưng do điều kiện tự nhiên khó khăn, nên thôn vẫn còn nghèo lắm”.

Thực tế đã cho thấy, bài toán đặt ra cho chặng đường phát triển KT - XH của xã còn khá gian nan. Những năm trước, nhiều gia đình ở xã thoát nghèo vì được hỗ trợ từ một số chương trình của Nhà nước. Song sang năm 2015, theo điều tra hộ nghèo chuẩn mới, nhiều gia đình lại tái nghèo vì còn thiếu các tiêu chí cơ bản: Thu nhập, bảo hiểm y tế... Thượng Bình rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tìm những giống cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp để từ đó từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Phàn Sành Phú, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Bình cho biết: Ngoài nông nghiệp ra, người dân tại các thôn không có ngành nghề khác nên mức thu nhập bình quân còn thấp. Bên cạnh đó, hệ thống đường giao thông liên thôn, xã đi lại còn rất khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa, gây cản trở đến sinh hoạt và phát triển kinh tế của người dân... Rất mong sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, các ngành cấp trên để xã thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác giảm nghèo.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Giao ban tiến độ thực hiện một số chương trình nông nghiệp

BHG- Chiều 31.5, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố, giao ban tiến độ thực hiện một số chương trình nông nghiệp. 

31/05/2016
"Ăn nên làm ra" từ nguồn vốn vay ưu đãi

BHG- Những năm qua, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH; nhiều hộ ở các vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của huyện Bắc Quang không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, vươn lên làm giàu. 

08/06/2016
Đẩy mạnh kết nối giao thương từ các chợ nông thôn ở Hoàng Su Phì

BHG- Là điểm tập trung lưu thông hàng hoá, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu; chợ nông thôn có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển KT-XH, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn

08/06/2016
Kết quả từ việc điều chỉnh lịch sản xuất vụ Xuân ở Xín Mần

BHG - Chỉ điều chỉnh chút ít thời gian cấy lúa Xuân tại 16 xã phía Bắc và giữ nguyên khung thời vụ cấy lúa Xuân đối với 3 xã phía Nam; thực hiện trồng ngô, đậu tương Xuân chậm hơn cùng kỳ gần 1 tháng; thế nhưng, sản xuất nông nghiệp vụ Xuân này tại Xín Mần... lại "được mùa lớn nhất từ trước tới nay".

07/06/2016