Kết quả từ việc điều chỉnh lịch sản xuất vụ Xuân ở Xín Mần
BHG - Chỉ điều chỉnh chút ít thời gian cấy lúa Xuân tại 16 xã phía Bắc và giữ nguyên khung thời vụ cấy lúa Xuân đối với 3 xã phía Nam; thực hiện trồng ngô, đậu tương Xuân chậm hơn cùng kỳ gần 1 tháng; thế nhưng, sản xuất nông nghiệp vụ Xuân này tại Xín Mần... lại “được mùa lớn nhất từ trước tới nay”.
Biến động của thời tiết
Theo con số thống kê thiệt hại sơ bộ có được: Sản xuất vụ Xuân (2011- 2012), hạn hán và nắng nóng đã làm đồng bào huyện Xín Mần mất đi gần 2.700 tấn lượng thực. Vụ Xuân tiếp ngay sau đó làm mất của Xín Mần 3.100 tấn lương thực. Vụ Xuân năm (2014 – 2015) lại tiếp tục lấy đi của đồng bào nơi đây gần 4.500 tấn. Nguyên nhân dẫn đến mất mùa vụ Xuân ở Xín Mần đều do thời tiết hạn hán và nắng nóng đầu mùa gây nên.
Ngô Xuân tại xã Tả Nhìu hứa hẹn bội thu Trong ảnh: Cán bộ nông nghiệp kiểm tra ngô Xuân trên đồng ruộng. |
Theo biểu đồ thời tiết do Phòng NN&PTNT huyện Xín Mần đo và ghi lại qua các năm cho thấy, nhiệt cao nhất thường trùng vào thời kỳ cây trồng (ngô, đậu tương) bắt đầu ra hoa, kết trái. Thời điểm đó cũng thường xuyên xảy ra hạn hán, đi kèm gió Tây khô rát cả ngày lẫn đêm. Nhiệt độ đo được dao động trong thời điểm các năm nêu trên thường từ 38 – 40 độ c. Nền nhiệt trên đi kèm với hạn hán đã làm cho sản xuất vụ Xuân ở Xín Mần nhiều năm liền bị thiệt hại nặng.
Đặc trưng của biểu đồ khí hậu trên là do đặc điểm địa lý của huyện Xín Mần nằm áp sát khu vực Tây Bắc. Đây là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi vùng áp thấp nóng (Gió phơn, gió Lào) chi phối lúc giao mùa gây ra làm ảnh hưởng đến khung thời vụ sản xuất nông nghiệp tại Xín Mần trong nhiều năm liên tục.
Quyết định thay đổi lịch sản xuất vụ Xuân
Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Bùi Minh Hiệu cho biết: Sản xuất vụ Xuân năm nay, Xín Mần quyết định điều chỉnh lại khung thời vụ: Trong đó, lúa Xuân tại 3 xã phía Nam gồm Nà Chì, Khuôn Lùng, Quảng Nguyên vẫn cấy theo lịch chỉ đạo của tỉnh. Riêng đối với 16 xã phía Bắc, điều chỉnh cấy Xuân từ ngày 15.2 đến hết ngày 15.3 (tức chậm hơn mọi năm ít nhất từ 7 – 10 ngày). Cách điều chỉnh thời vụ cấy lúa Xuân đã không xảy ra mất mát đi một ha nào bởi hạn hán và nắng nóng như các năm trước đó.
Riêng đối với toàn bộ diện tích trồng ngô trên 2.500 ha, đậu tương 1.600 ha trồng “muộn” hơn cùng kỳ là 1 tháng (tức trồng trong tháng 3 và kết thúc vào nửa đầu tháng 4). Anh Hiệu cho rằng, qua nhiều năm theo dõi diễn biến thời tiết trên địa bàn để chỉ đạo sản xuất anh nhận thấy: Khô hạn và nắng nóng thường xuất hiện khá đều vào cuối tháng 4 và kéo dài gần hết tháng 5. Ở thời điểm đó chính là thời điểm cây ngô, đậu tương ra hoa, kết trái. Do đó, dẫn đến hiện tượng ngô héo, phấn hoa ngô bị khô, dâu ngô bị quắt, không thể thụ phấn nên lép hạt. Đối với cây đậu tương và một số rau màu khác cũng dơi vào tình trạng tương tự như cây ngô, dẫn đến mất mùa, hoặc buộc phá đi, trồng lại nhiều lần gây tốn kém cho bà con nhân dân và tiêu tốn ngân sánh Nhà nước.
Việc quyết định chuyển “lùi” khung thời vụ trồng cấy vụ Xuân là để tránh hạn hán, tránh nắng nóng. Điều quan trọng hơn là “lùi vụ” còn để “đón” các trận mưa đầu mùa ở Xín Mần thường diễn ra vào khoảng đầu tuần của tuần đầu tháng 5. Đồng thời, tránh luôn cả hiện tượng thời tiết cực đoan lúc chuyển mùa từ mùa Xuân, sang mùa Hè để tránh tố lốc vào thời điểm cây trồng ra hoa, thụ phấn không hiệu quả và tránh cây trồng đổ gãy gây mất mùa.
Theo nhận xét sơ bộ của Phòng NN & PTNT huyện Xín Mần cho biết, sản xuất vụ Xuân này Xín Mần được mùa ở khắp mọi nơi và được mùa nhất từ trước tới nay. Hiện tại, đồng bào 3 xã phía Nam là: Khuôn Lùng, Nà Chì, Quảng Nguyên đã tiến hành thu hoạch được gần 2/3 diện tích đánh giá: Năng suất lúa Xuân vụ này ước đạt bình quân trên 65 – 72 tạ/ha, cao chưa từng có. Còn đối với toàn bộ diện tích cây trồng vụ Xuân bao gồm, ngô, lúa, đậu tương tại 16 xã, thị trấn phía Bắc được khẳng định là “ăn chắc” cả trăm phần trăm. Hiện nay, tranh thủ thời tiết thuận lợi, đồng bào trong huyện đang tập trung thu hoạch lúa Xuân, chuẩn bị sẵn sàng làm vụ mùa.
Bài học thực tiễn
Bài học quan trọng nhất là bài học từ công tác cán bộ. Cán bộ “ là gốc” của mọi công việc. Và điều quan trọng thứ hai được rút ra chính là sự vào cuộc mạnh mẽ, sự chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của cả bộ máy công quyền, đoàn thể huyện Xín Mần đã bám sát diễn biến thời tiết, khí hậu trên địa bàn để rồi “ Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân”.
Thật thiếu sót, nếu không nói đến sự đoàn kết, thống nhất của toàn thể nhân dân Xín Mần, luôn cần cù lao động, chịu thương, chịu khó đã nỗ lực phấn đấu vươn lên để có vụ Xuân thắng lợi mọi mặt và thắng lợi toàn diện.
Bài học chuyển khung thời vụ tại Xín Mần rất cần được nghiên cứu, đúc rút và nhân rộng tại những vùng, những huyện có thời tiết tương tự Xín Mần để tránh thiệt hại cho bà con nông dân.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc