Hoàng Su Phì phấn đấu chăn nuôi chiếm trên 30% giá trị sản xuất nông nghiệp
BHG - Đang có trong tay 2.219 ha cỏ, nuôi 21.844 con trâu, 5.586 con bò, 22.100 con dê và tổng đàn lợn trên 72.000 con... Phấn đấu mức tăng trưởng đàn gia súc bình quân trên 8%/năm để có thu nhập từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng trên 25%/năm 2016 và trên 30%/năm vào năm 2020. Giải pháp nào để Hoàng Su Phì đạt được mục tiêu đề ra!?.
Trao đổi với Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì, Hoàng Hải Lý về chiến lược thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng giai đoạn 2016 – 2020, anh khẳng định: Nghị quyết 209/2015/NQ - HĐND tỉnh đã trao cho các cấp ủy, chính quyền chiếc “chìa khóa” để mở cửa các nguồn tài lực thúc đẩy chăn nuôi. Nguồn tài lực đó bao gồm cả Nhà nước và nhân dân cùng huy động. Trong đó, Nhà nước tháo gỡ vốn đầu tư bằng cơ chế, chính sách, còn nhân dân đóng góp công sức, đất đai và cả tiền bạc tích cóp lâu nay trong mỗi gia đình để đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn lực đó hiện tại trong dân rất lớn. Và Nghị quyết 209 của tỉnh là động lực để thu hút người dân trong toàn tỉnh cùng với Nhà nước đầu tư cho phát triển.
Còn đối với Hoàng Su Phì, mục tiêu là chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp chuyển sang trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò. Tận dụng đồi rừng, sức lao động trong dân để phát triển đàn dê. Huyện có chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín để nhân dân phát triển đàn lợn. Thực hiện phát triển kinh tế “xanh” chứ không đánh đổi môi trường. Ngoài sự hỗ trợ vốn từ phía Nhà nước, Hoàng Su Phì còn tiết kiệm ngân sách, các khoản chi không cần thiết để hỗ trợ người dân đầu tư chăn nuôi... Hiện nay, các cấp chính quyền cơ sở đang phối hợp chặt với Ngân hàng NN &PTNT thẩm tra các phương án chăn nuôi để tiến hành giải ngân trong quý II.2016. Theo báo cáo sơ bộ của Phòng NN&PTNT huyện cho biết, đến cuối tháng 4.2016, phòng đã thẩm định sơ bộ 884 hồ sơ xin vay vốn mua trâu, bò về nuôi. Trong đó, có 875 hồ sơ xin vay vốn chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Còn lại là nhu cầu vay vốn chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Tổng đàn trâu, bò dự kiến mua về nuôi năm 2016 là 3.419 con. Lượng vốn cần cho nhu cầu ước cần trên 66.870 triệu đồng. Ngoài ra, đồng bào trong huyện còn đầu tư nuôi dê nâng đàn lên 22.000 con gắn liền công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Đồng thời, tập trung mạnh phát triển đàn lợn lên trên 73.000 con, nuôi ong 4.233 tổ, chưa kể gia cầm và nuôi cá. Mục tiêu sẽ đưa đàn trâu lên 22.000 con, đàn bò trên 6.000 con, đàn dê trên 23.000 con vào năm 2020, để có giá trị chăn nuôi chiếm tối thiểu là 30% trong tổng thu nhập từ sản xuất nông - lâm nghiệp trong kinh tế hộ.
Theo sự chỉ đạo của huyện, toàn bộ số lượng trâu, bò do người dân tự tìm, tự thỏa thuận mua. Trâu, bò mua về được nuôi nhốt cách ly ít nhất từ 7 - 10 ngày. Các cơ quan chức năng như, chính quyền cơ sở, cán bộ thú y huyện, thú y viên thôn bản giám sát và theo dõi sức khỏe và kiểm dịch chặt trước khi đưa về nuôi tại gia đình, hoặc các trang trại. Toàn bộ quá trình chăn nuôi được cán bộ thú y kiểm tra sức khỏe và tiêm phòng dịch bệnh định kỳ cho gia súc. Mọi sự mua bán, vận chuyển và giết mổ giao cho chính quyền các cấp cùng cơ quan chức năng kiểm đếm, thẩm định tuân thủ theo quy định pháp luật và theo tiêu chuẩn an toàn VSATTP.
Để chắc làm, chắc ăn, Hoàng Su Phì đã kiện toàn lại 24 HTX ở 25 xã, thị trấn. Tổ chức thành lập 252 nhóm sở thích tại 167 thôn bản, có 2.618 hộ tham gia. Nhiệm vụ của các HTX và các nhóm sở thích là phối kết hợp cùng các gia đình tổ chức làm ăn. Trên cơ sở, thống nhất về cách thức làm ăn, phương pháp đầu tư, phòng, chống dịch bệnh nhằm tạo ra một nền sản xuất “Xanh, sạch phát triển bền vững” ngay từ các thôn bản. Thực hiện các giải pháp thụ tinh nhân tạo để cải tạo giống trên đàn trâu, bò nuôi sinh sản. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao chất lượng thịt đối với đàn trâu, bò nuôi thương phẩm. Sử dụng các thức ăn thô, xanh sẵn có từ cỏ, rơm rạ, thân cây ngô, đậu, cỏ từ rừng và phối trộn với thức ăn tinh từ lúa gạo, ngô, đậu có sẵn để giảm giá thành đầu vào... lãnh đạo huyện cũng giao cho chính quyền các cấp giám sát việc thực hiện và báo cáo theo tháng, quý. Nếu, có thiệt hại do lơi là quản lý thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Những giải pháp đồng bộ, cùng cách làm cụ thể, thiết thực để phát triển chăn nuôi gia súc hiện nay, Hoàng Su Phì đang hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đạt được vào năm 2020. Đến năm 2020, Hoàng Su Phì còn kỳ vọng nông dân trong huyện sẽ thực sự trở thành những “công nhân” nông nghiệp được đào tạo chăn nuôi bài bản “có nghề” trong tay.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc