Bắc Mê đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản

21:11, 10/06/2016

BHG - Là một huyện có nhiều tiềm năng và thế mạnh về điều kiện tự nhiên cũng như diện tích mặt nước phù hợp cho việc phát triển và nuôi trồng thủy sản (NTTS), trong thời gian qua, huyện Bắc Mê đã vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển và NTTS với nhiều phương thức đa dạng như nuôi các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, nuôi cá lồng...

Hiện nay, diện tích NTTS của huyện Bắc Mê có trên 150 ha và đang không ngừng tăng về diện tích mặt nước ao, đầm; sản lượng cá bình quân mỗi năm ước đạt trên 130 tấn, góp phần không nhỏ trong tổng giá trị sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản của huyện. Nhận thấy những tiềm năng về NTTS, cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng đã thực hiện quy hoạch và phát triển vùng NTTS phù hợp với điều kiện của từng vùng; trong đó, tập trung vào các xã có diện tích mặt nước lớn như: Thượng Tân, Minh Ngọc, Lạc Nông, Yên Phong, thị trấn Yên Phú. Cùng với việc quy hoạch vùng NTTS, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển thủy sản, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động NTTS, thực hiện các mô hình khuyến ngư, từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; thông tin tuyên truyền, quản lý nguồn giống, mở rộng diện tích nuôi trồng các giống mới có năng suất, giá trị cao kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Người dân thôn Bách Sơn, xã Thượng Tân nuôi cá lồng nâng cao thu nhập cho gia đình.
Người dân thôn Bách Sơn, xã Thượng Tân nuôi cá lồng nâng cao thu nhập cho gia đình.

Thượng Tân là xã chịu ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài của khu vực lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang. Hiện nay, toàn xã có trên 29 ha diện tích mặt nước hiện đang tiến hành NTTS. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn quan tâm, chú trọng đến việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô NTTS; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện có liên quan đến việc phát triển, NTTS; chú trọng tập huấn kiến thức NTTS để giúp người dân trên địa bàn xã tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển NTTS theo hướng bền vững và có hiệu quả. Có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh bắt và nuôi thả cá, gia đình anh Nguyễn Văn Toàn, thôn Bách Sơn, xã Thượng Tân từ nhiều năm nay đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng, và coi đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Anh Toàn cho biết: Từ kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy nhiều năm nay, anh thả xen canh nhiều loại cá như: chép, trắm cỏ, bỗng, lăng, nheo... cùng với việc tận dụng các loại thức ăn trong tự nhiên như: cỏ voi, lá chuối, lá sắn; đánh các loại cá nhỏ trong lòng hồ để tiết kiệm chi phí về thức ăn chăn nuôi. Hàng năm gia đình anh thu hoạch 2 lứa cá, đạt năng suất 5 – 6 tạ/lứa; trừ đi chi phí cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh đó, tại nhiều xã trên địa bàn huyện, người dân còn tích cực tận dụng những diện tích ao của gia đình để nuôi những loại cá bản địa có giá trị kinh tế cao. Ở các thôn Nà Pồng (xã Giáp Trung), Bản Nghè (xã Yên Cường) đã hình thành những nhóm chăn nuôi cùng sở thích, trong đó tập trung vào việc nuôi trồng và nhân giống loài cá bỗng sông Gâm. Gia đình chị Bồn Thị Sàng, thôn Nà Pồng cho biết: Hiện nay giá cá bỗng loại từ 2 – 3kg là 180 nghìn đồng/1kg; vì thế nhu cầu con giống để chăn nuôi là rất lớn, nhưng nguồn cung ứng giống lại rất khan hiếm. Hiện nay, cá bỗng trong ao đã sinh sản tự nhiên, tuy nhiên gia đình vẫn chưa nắm bắt được quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo để nhân rộng việc ươm giống loài cá này.

Có thể thấy được rõ ràng tiềm năng và hiệu quả kinh tế của việc NTTS trên địa bàn huyện đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên việc phát triển của ngành NTTS trong thời gian qua vẫn chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của huyện. Tập quán NTTS của người dân còn lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ; năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế chưa cao; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, ươm nuôi giống, phát triển nuôi thâm canh, nghiên cứu khoa học, dịch vụ phục vụ phát triển thủy sản còn yếu và thiếu đồng bộ. Vì vậy, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn cần có những biện pháp thiết thực để có thể đưa ngành NTTS trên địa bàn huyện trở thành một trong những ngành mũi nhọn trong việc phát triển KT – XH trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đại Tâm


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phát huy thế mạnh cây chè Shan tuyết ở xã Tân Lập

BHG - Tân Lập là xã vùng 3 của huyện Bắc Quang, có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi cho sự phát triển của cây chè Shan tuyết. Hiện xã có 451,49 ha chè Shan tuyết thì có đến trên 100 ha là chè cổ thụ. Dẫu trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cây chè vẫn được coi là loại cây "chiến lược" xóa đói giảm nghèo và làm giàu trong nông nghiệp, nông thôn ở của địa phương.

10/06/2016
Hoàng Su Phì phấn đấu chăn nuôi chiếm trên 30% giá trị sản xuất nông nghiệp

BHG - Đang có trong tay 2.219 ha cỏ, nuôi 21.844 con trâu, 5.586 con bò, 22.100 con dê và tổng đàn lợn trên 72.000 con... Phấn đấu mức tăng trưởng đàn gia súc bình quân trên 8%/năm để có thu nhập từ chăn nuôi chiếm tỷ trọng trên 25%/năm 2016 và trên 30%/năm vào năm 2020. Giải pháp nào để Hoàng Su Phì đạt được mục tiêu đề ra!?.

10/06/2016
Sơ kết sản xuất vụ Xuân, triển khai vụ Mùa và vụ Đông năm 2016

BHG - Chiều 10.6, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố sơ kết sản xuất vụ Xuân, triển khai vụ Mùa và vụ Đông năm 2016. Các đồng chí: Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Vinh, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì hội nghị. 

10/06/2016
Khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới ở Đồng Văn

BHG- Những năm qua, Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở huyện Đồng Văn đã có sự vào cuộc của các cấp, ngành và người dân thông qua những chương trình, việc làm cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. 

09/06/2016