Tạo đà phát triển từ nguồn vốn vay

17:12, 27/05/2016

BHG - Khoảng 70% số hộ trong thôn vay vốn Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang để phát triển kinh tế. Tỷ lệ này không hề nhỏ. Nhưng chỉ một thời gian sau, nhiều người trong số họ có hàng trăm triệu đồng gửi tiết kiệm tại Ngân hàng. Sự mạnh dạn đầu tư vốn vay để phát triển kinh tế đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều nông hộ ở thôn Khuổi Nhe, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang).

Bước khởi sắc trong phát triển KT-XH của Khuổi Nhe được tạo đà từ cuối năm 2012, khi UBND huyện Bắc Quang lựa chọn Khuổi Nhe thực hiện mô hình thí điểm Tổ dân vận (TDV) thôn với sự tham gia của 11 thành viên. Trong đó, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn lần lượt giữ các chức danh Tổ trưởng, Tổ phó TDV thôn Khuổi Nhe. Còn Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội giữ vai trò thành viên. Sau khi kiện toàn, đi vào hoạt động, các thành viên TDV đã phát huy vai trò của mình trong việc vận động nhân dân phát triển kinh tế. Từ việc tham gia lớp tập huấn khuyến nông do các cấp, ngành tổ chức và bằng kinh nghiệm thực tiễn từ những hộ điển hình trong phát triển kinh tế; các thành viên TDV đã thực hiện công tác tuyên truyền, “dân vận khéo” giúp đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Nùng của thôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Cũng chính từ đây, người dân trong thôn mạnh dạn vay vốn Agribank Chi nhánh huyện Bắc Quang để phát triển kinh tế hộ. Tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh thực tiễn của mỗi gia đình mà các hộ chọn mức vay từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2012 – 2013, có đến 70% số hộ trong thôn vay vốn Ngân hàng. Song, “bằng sự cần cù, chịu khó, thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế đã giúp người dân thôn Khuổi Nhe từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống” – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, Lã Hồng Việt chia sẻ.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Agribank, ông Hoàng Đình Ban mạnh dạn đầu tư xây ao nuôi ba ba thương phẩm.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Agribank, ông Hoàng Đình Ban mạnh dạn đầu tư xây ao nuôi ba ba thương phẩm.

Phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; thôn Khuổi Nhe tập trung phát triển cây, con thế mạnh địa phương. Trong đó, cây cam Sành đã khẳng định vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế của xã Vĩnh Hảo. Do vậy, từ việc đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, 8/12 ha cam Sành đã cho thu hoạch, mang lại giá trị kinh tế cao cho các hộ trồng cam của thôn Khuổi Nhe, khi đạt năng suất trên 30 tấn/ha với giá bán dao động từ 10-15 nghìn đồng/kg và lên đến 20-30 nghìn đồng/kg khi cam vào giai đoạn cuối vụ. Thành quả này góp phần tăng thu nhập cho rất nhiều nông hộ ở Khuổi Nhe. Song, để có được kết quả trên, nhiều nhà vườn đã “gõ cửa” Ngân hàng để có tiền đầu tư phát triển vườn cam. Vì thực tiễn nghề trồng cam tại xã Vĩnh Hảo cho thấy, trong 1 năm, chi phí đầu tư cho 1 cây cam Sành đang cho thu hoạch không hề nhỏ, lên đến 250 đến trên 300 nghìn đồng/cây. Theo đó, nhiều nhà vườn ở Khuổi Nhe có xuất phát điểm tương đối thấp về kinh tế hoặc muốn đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất cam sành sẽ lựa chọn vay vốn Ngân hàng để đầu tư vườn cam nhằm sinh lợi nhuận gấp nhiều lần so với vốn đầu tư hằng năm...

Đặc biệt, với nguồn vốn vay Agribank, cùng phương thức sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, giờ đây bức tranh kinh tế ở Khuổi Khe đã góp thêm những gam màu sáng, làm phong phú đời sống vật chất, tinh thần của biết bao thế hệ người dân trong thôn. Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ có điều kiện đầu tư thâm canh, đưa tổng diện tích 38 ha chè đang cho thu hoạch của thôn đạt năng suất trên 8 tấn/ha. Đồng thời, trên 50 ha cây xoan, keo đã và đang mang lại giá trị kinh tế không hề nhỏ cho mỗi hộ dân. Bởi nếu gỗ keo xuất bán đạt đường kính 80 cm đã giúp người dân thu về 2 triệu đồng/m3. Riêng những khối gỗ có đường kính nhỏ hơn được các cơ sở thu mua, chế biến gỗ ván bóc tận thu làm ván bóc xuất khẩu nên thị trường tiêu thụ rất rộng mở - Bí thư Chi bộ thôn Khuổi Nhe, Bàn Văn Hồng không giấu được niềm vui.

Song song cùng kết quả trên, nhiều hộ còn mạnh dạn vay vốn Agribank hàng chục triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi, từng bước làm thay đổi tích cực cuộc sống nơi vùng nông thôn. Đặc biệt, nhiều người trong số họ vươn lên thoát nghèo, trở thành gương sáng trong phát triển kinh tế ở cơ sở. Điển hình như gia đình anh Bàn Văn Tư, chăn nuôi hàng chục con trâu hàng hóa. Anh Lý Trung Sỹ đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc (trâu, lợn) và mở dịch vụ xay xát phục vụ nhu cầu của nhân dân trong thôn. Không những vậy, nhiều gia đình như các anh: Lý Văn Sơn, Bàn Văn Hồng, Phạm Văn Đạt,... đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi lợn hàng hóa quy mô hơn, với 15 đến trên 20 con/lứa nuôi. Đặc biệt, từ nguồn vốn vay Agribank lên đến 80 triệu đồng, gia đình ông Hoàng Đình Ban trở thành người đầu tiên trong thôn thực hiện việc xây ao nuôi ba ba thương phẩm. Mặc dù việc nuôi ba ba mới được gia đình ông thực hiện trong năm 2015, nhưng với sự mạnh dạn phát triển kinh tế từ vật nuôi mới, cùng việc ham học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc ba ba thương phẩm, ông Ban kỳ vọng cách làm này sẽ sớm thành công để mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực...

Có thể khẳng định, từ sự quan tâm của các cấp, ngành, sự mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, vùng nông thôn Khuổi Nhe đã khoác lên mình diện mạo mới. Minh chứng cho thấy, trong tổng số 60 hộ của thôn, đến nay không có hộ nghèo và chỉ còn 3 hộ cận nghèo (theo chuẩn nghèo mới). Riêng số hộ khá, giàu đã chiếm gần 30% số hộ trong thôn. Đặc biệt, mức thu nhập bình quân đầu người của thôn đã lên đến 26 triệu đồng/người/năm. Không những vậy, nhiều hộ đã hoàn trả vốn vay và có tiền tiết kiệm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng tại Ngân hàng. Đây thực sự là những tín hiệu vui, tạo đà cho KT-XH ở Khuổi Nhe thêm phát triển.

   Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Bắc Quang tổ chức Khai mạc Hội chợ kích cầu người Việt dùng hàng Việt

BHG - Tối 26.5, UBND huyện Bắc Quang phối hợp với Công ty Cổ phần tổ chức sự kiện và truyền thông Sơn Hà (Hà Nội) tổ chức Hội chợ kích cầu người Việt dùng hàng Việt huyện Bắc Quang năm 2016. Tới dự có đồng chí Trần Văn Hòa, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bắc Quang, lãnh đạo một số phòng, ban của huyện cùng đông đảo nhân dân trong huyện.

27/05/2016
Nhân rộng mô hình Hợp tác xã toàn thôn

BHG- Hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho các thành viên; đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng chung của thành viên về kinh tế, phục vụ và hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thêm lợi ích cho các thành viên. 

26/05/2016
Nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân

BHG- Tháng 3.1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm Hà Giang. Chỉ qua 8 lời căn dặn, đủ để cảm nhận sự quan tâm đặc biệt Bác dành cho đồng bào các dân tộc Hà Giang, nhất là người lao động vùng nông thôn, rẻo cao Hà Giang. Thấm nhuần từng lời căn dặn của Người, Trung tâm Khuyến nông (KN) tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hướng về cơ sở. Tất cả vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân.

26/05/2016
Hoàng Su Phì: Chuẩn bị tốt các điều kiện trồng rừng năm 2016

BHG- Theo kế hoạch, năm 2016 huyện Hoàng Su Phì trồng mới 350 ha rừng; trong đó có 50 ha rừng phòng hộ, 300 ha rừng sản xuất phân tán. Để đảm bảo tiến độ trồng rừng theo kế hoạch, hiện, Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ huyện đang tích cực phối hợp với các xã, thị trấn chuẩn bị mặt bằng, nhân lực, cây giống..., sẵn sàng cho mùa trồng rừng mới.

26/05/2016