Nâng cao giá trị kinh tế của cây chè ở Vị Xuyên
BHG- Là một trong những địa phương có diện tích chè lớn của tỉnh, hiện nay huyện Vị Xuyên đang tập trung cải tạo, trồng mới, thâm canh cây chè, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng chè.
Người dân xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) thu hái chè. |
Huyện Vị Xuyên hiện có 3.544,9 ha chè, trong đó, diện tích chè cho thu hoạch là 3.376,1 ha, diện tích chè trồng mới đang trong thời kỳ chăm bón là 168,8 ha. Được chia thành 2 vùng chè chính, là chè vùng cao chiếm 75% tổng diện tích, tập trung ở các xã như Cao Bồ, Thượng Sơn, Lao Chải, Xín Chải... và chè vùng thấp chiếm 25% tổng diện tích, tập trung tại các xã: Trung Thành, Việt Lâm, thị trấn Vị Xuyên, thị trấn Việt Lâm...
Có thể nói, chè là cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao. Đối với người dân Vị Xuyên, cây chè đã góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, tạo việc làm cho một bộ phận lao động, nhất là lao động nông thôn. Tuy nhiên, theo đánh giá, cây chè ở huyện Vị Xuyên chưa mang lại giá trị kinh tế tương xứng với vùng đất này. Năm 2015, năng suất chè búp tươi bình quân của huyện đạt 37,86 tạ/ha, sản lượng đạt 12.511,6 tấn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến năng suất thấp là do đầu tư, chăm sóc kém; thu hoạch chè chưa theo đúng quy trình kỹ thuật, hầu hết diện tích chè không thực hiện tưới nước. Diện tích chè tại các xã vùng cao trồng, thu hái không gắn với đầu tư chăm sóc, mật độ thưa thớt, không đảm bảo.
Để nâng cao giá trị kinh tế cây chè, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huyện Vị Xuyên đã xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi huyện Vị Xuyên giai đoạn 2016 – 2020. Mục tiêu đến năm 2020, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên 3.800 ha, phấn đấu từ năm 2016 đến năm 2020 trồng mới 255,1 ha chè. Năng suất chè búp tươi bình quân toàn huyện đạt 42,16 tạ/ha, sản lượng chè đạt 15.200 tấn. Giá trị sản suất/đơn vị diện tích đạt trên 60 triệu đồng/ha. Thực hiện mục tiêu này, huyện Vị Xuyên đã đưa ra nhiều giải pháp về kỹ thuật, cơ chế chính sách, cơ cấu giống chè. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thâm canh diện tích chè tại các xã, thị trấn vùng thấp, áp dụng đúng theo quy trình bón phân cân đối, chăm sóc theo độ tuổi của cây chè, lắp đặt hệ thống phun mưa nhỏ giọt tại một số diện tích tập trung làm mô hình để tuyên truyền, nhân rộng. Đối với các diện tích chè vùng cao, chè cổ thụ tập trung chủ yếu ở các xã: Thượng Sơn, Cao Bồ, Quảng Ngần, Thanh Thủy... khuyến khích người dân chăm sóc, tận dụng tối đa các nguồn phân bón hữu cơ sẵn có như phân chuồng, phân xanh. Hạn chế thấp nhất việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng; thực hiện cơ giới hóa trong các khâu làm đất, chăm sóc nhằm giảm chi phí, đáp ứng kịp thời về thời vụ.
Cùng với đó, huyện tiếp tục quy hoạch vùng chè VietGAP tại các xã: Ngọc Linh, Trung Thành, Việt Lâm, phấn đấu đến năm 2020 tổng diện tích chè được chứng nhận đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP đạt 500 ha. Và quy hoạch phát triển vùng chè Shan tuyết hữu cơ tại các xã vùng cao, phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích chè được chứng nhận hữu cơ đạt khoảng 2.000 ha. Huyện tiến hành xây dựng thương hiệu chè Vị Xuyên để quảng bá sản phẩm. Gắn liền doanh nghiệp với vùng bao tiêu sản phẩm bằng các hợp đồng bao tiêu, kiểm soát được đầu vào, đầu ra; nâng cao chất lượng, giá trị cũng như thương hiệu chè Vị Xuyên. Các tổ chức, doanh nghiệp chế biến chè trong vùng quy hoạch nguyên liệu chè tập trung phải thực hiện hợp đồng đầu tư, thu mua chế biến theo các hình thức như: Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật và mua lại chè búp tươi, đầu tư chuyên sâu vào chuỗi sản phẩm...
Cùng với các giải pháp đầu tư đồng bộ và hiệu quả, huyện Vị Xuyên đang tập trung mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè nhằm đưa sản phẩm chè Vị Xuyên đến với đông đảo người tiêu dùng. Qua đó, từng bước XĐGN, nâng cao thu nhập cho người dân.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc