Gia nhập Cộng đồng ASEAN, quyền lợi của người tiêu dùng được ưu tiên
BHG- Ngày càng nhiều siêu thị mini mọc lên ở trên địa bàn tỉnh, những dịch vụ đặt hàng tiện ích, có thể sử dụng hàng hóa của nhiều nước khác nhau... là điều mà trước đây người tiêu dùng Hà Giang không thể có được. Do điều kiện của tỉnh còn nghèo, ít doanh nghiệp đến đầu tư, mở rộng thị trường nên thị trường hàng bán lẻ khá đơn điệu, giá cả đắt hơn so với các vùng khác.
Nhiều người tiêu dùng ưa chuộng hàng gia dụng của Thái Lan. |
Thế nhưng, chỉ trong vài năm trở lại đây, thị trường bán lẻ đã trở nên sôi động hơn hẳn. Nhờ việc gia nhập Cộng đồng ASEAN đã mở ra cho Việt Nam nhiều triển vọng về đầu tư, thương mại...; các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu tập trung đầu tư vào nước ta. Như đã biết, một trong những lĩnh vực cạnh tranh lớn nhất khi thành lập Cộng đồng ASEAN là ngành bán lẻ. Hàng loạt các hãng, nhãn hàng nước ngoài có đại lý nhập khẩu tại Việt Nam. Từ đó, người tiêu dùng có cơ hội được sử dụng những sản phẩm tốt nhất, không phân biệt là hàng ngoại nhập hay hàng sản xuất trong nước. Do vậy, đáp ứng được nhu cầu khá lớn của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Phát triển theo xu hướng này, nhiều hộ kinh doanh đã cải tạo, đầu tư nâng cấp từ cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ sang kinh doanh theo hình thức siêu thị mini. Thậm chí một vài cơ sở còn chịu khó tìm tòi các sản phẩm mới theo xu hướng: độc đáo, đảm bảo tiêu chí về số lượng, thời gian giao hàng, chất lượng ổn định cũng như cải tiến về mặt bao bì, hình thức sản phẩm.
Hiện nay, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như: Thành phố Hà Giang, Bắc Quang... chiếm ưu thế hơn so với hàng của nước khác, với lợi thế là đa dạng về chủng loại, mẫu mã phong phú, giá cả cạnh tranh. Chị Quỳnh Anh - một cửa hàng chuyên bán hàng Thái Lan, ở tổ 21, phường Minh Khai cho biết: “Bây giờ nhập các loại hàng từ Thái Lan đến không hề khó, do ở Hà Nội có công ty chuyên nhập khẩu các mặt hàng này. Người tiêu dùng ở thành phố Hà Giang thì thích dùng các loại hàng cho sinh hoạt hàng ngày như nước giặt, dầu gội đầu, chậu, khăn,... ”.
Bên cạnh đó, sản phẩm tiêu dùng của nhiều quốc gia trong khu vực như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia... cũng xuất hiện khá nhiều và được người tiêu dùng ưa chuộng là mỹ phẩm, thực phẩm chăm sóc sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Ly, chủ một siêu thị mini ở tổ 10, phường Trần Phú chia sẻ: “Nhà mình nhập về khá nhiều hàng của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... Bây giờ việc tìm nguồn hàng, lấy hàng không còn khó như ngày trước. Ở Hà Nội, thậm chí là Hà Giang cũng có những cơ sở, doanh nghiệp chuyên bán hàng ngoại”. Giờ đây, quyền lợi của người tiêu dùng đã được ưu tiên hơn, chị Trần Diệu Linh, một khách hàng bộc bạch: “Nhà tôi hay dùng nước giặt, tẩy của Thái Lan vì chất lượng tốt và giá cả phải chăng. Bây giờ muốn mua hàng Thái hoặc hàng hóa của các nước khác cũng không còn khó. Tiêu chí mua hàng của mình và nhiều người khác là tìm loại sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh”.
Phân tích về một số khó khăn khi tham gia ASEAN, ông Mai Văn Sướng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Các doanh nghiệp bán lẻ ở trong và ngoài nước chưa đặt chân tới thị trường tỉnh ta. Nguyên nhân là do khó tìm kiếm quỹ đất để xây dựng các siêu thị, đường xá đi lại khó khăn, số lượng người tiêu dùng thấp hơn so với ở nhiều nơi khác, mức độ tiêu thụ thấp. Nếu các doanh nghiệp này mở rộng thị trường ở Hà Giang thì các sản phẩm địa phương như: cam, mật ong, rượu... sẽ khó cạnh tranh và xâm nhập được vào các siêu thị do chưa chứng minh được nguồn gốc.
Dù vậy, làn sóng ASEAN đã mang lại nhiều thay đổi ở thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh, tạo ra cơ hội cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồ gia dụng, may mặc; quyền lợi của người tiêu dùng đã được chú trọng.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc