Thu nhập hàng tỷ đồng từ mô hình "Vườn - ao - chuồng"
BHG - Một trang trại hơn 5 ha cây ăn quả các loại có giá trị kinh tế của nhiều vùng, miền tụ về nơi đây từ bưởi Da xanh, bưởi Diễn, cam Đường canh và một số loại cây ăn quả của địa phương được gia đình ông Trịnh Quốc Huy (tổ 1 thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên) xây dựng theo một mô hình gần như khép kín “Vườn - Ao - Chuồng”. Từ mô hình này, trang trại của gia đình ông hàng năm đã có thu nhập hàng tỷ đồng từ trồng trọt và chăn nuôi. Đây xứng đáng là một trong những điển hình về phát triển kinh tế dựa trên chính nguồn tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương để người dân trong vùng, trong tỉnh đến thăm quan, học tập...
Trải lòng về quá trình xây dựng và lập nghiệp của mình khi ông Huy đưa chúng tôi đi tham quan trang trại của gia đình: “...Để có được ngày hôm nay, vợ chồng mình cũng đã bôn ba khắp mọi vùng miền, trong và ngoài nước hòng lập nghiệp. Trải qua bao nhiêu thăng trầm của của cuộc sống nhưng rồi sau đó mới thấy không ở đâu bằng chính trên mảnh đất quê hương mình. Bởi, có đi mới thấy ở những vùng, các nước phát triển, người nông dân đều giàu, khá giả nhờ sản xuất nông nghiệp. Làm giàu trên chính mảnh đất của mình nên vợ chồng mình cũng ấp ủ ý tưởng về một trang trại cây ăn quả, chăn nuôi khép kín. Năm 2008, từ nước Nga trở về Việt Nam; vợ chồng mình đã chọn Hà Giang là quê hương thứ 2 để lập nghiệp. Sau gần 10 năm đến nay, chúng tôi đã chọn đúng con đường để đi rồi...” . Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương huyện Phú Xuyên, Hà Tây, nay là Hà Nội, thì giờ đây tổ 1, thị trấn Việt Lâm đã là “bến đậu”, là quê hương thứ 2 của gia đình ông Trịnh Quốc Huy.
Qua tìm hiểu, được biết: Từ thủa ban đầu, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình ông chỉ đầu tư mô hình “Vườn - Ao - Chuồng” nhỏ lẻ và sau nhiều năm làm ăn, tích lũy, ông tiếp tục mở rộng quy mô. Tới nay, trang trại của gia đình ông phát triển lên hơn 5 ha với hệ thống cây ăn quả và chuồng trại kết hợp hệ thống bể lọc phân liên hoàn với hệ thống Bioga khép kín hoàn toàn. Ông Huy tâm sự: “Lúc đầu nuôi giống lợn địa phương lãi suất không cao, qua tìm hiểu, nghiên cứu mình đã quyết định mua giống lợn dòng từ Thái Lan. Hiện đã phát triển được 170 con lợn nái cung ứng giống ra thị trường và tập trung nuôi lợn thương phẩm, bình quân mỗi năm xuất 250 tấn lợn ra thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và các tỉnh vùng xuôi. Riêng ở tỉnh, mỗi năm tiêu thụ khoảng 50 tấn lợn thịt. Chỉ tính riêng chăn nuôi sau khi đã trừ chi phí đầu tư cũng cho thu nhập trên 2 tỷ đồng/năm.”. Không chỉ vậy, từ việc phát triển tốt chăn nuôi, nên trang trại của ông Huy đã giảm bớt được nguồn kinh phí đáng kể từ việc tận dụng nguồn phân thải chăn nuôi bón cho 350 gốc bưởi Da xanh và bưởi Diễn; gần 1.000 cây cam Đường canh theo tiêu chuẩn VietGAP đến nay đã cho thu hoạch mỗi vụ 200 triệu đồng. Ngoài ra, với lợi thế nguồn nước sẵn có, gia đình ông Huy còn tập trung đào ao thả cá với diện tích khoảng 5.000 m2, mỗi năm cũng cho thu hoạch khoảng 5 - 6 tấn cá...
Có tư duy làm giàu và biết cách khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có của vùng, từng bước đã đưa gia đình ông Trịnh Quốc Huy lên thành hộ giàu có. Từ mô hình kinh tế trang trại của mình, gia đình ông đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương làm trực tiếp với mức thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông cũng sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất và hỗ trợ cây, con giống cho các hộ nông dân trên địa bàn.Để có được những thành quả như vậy, chính là sự xuất phát từ lòng đam mê làm kinh tế nông nghiệp và nhờ áp dụng đúng khoa học kỹ thuật qua sách, báo, các kênh truyền thông cùng với quyết tâm làm giàu không ngại khó, ngại khổ. Đến nay, mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Trịnh Quốc Huy không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn xứng đáng là một mô hình điển hình để nhân rộng theo đúng chủ trương của tỉnh về tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, nâng cao nhanh hơn đời sống của nông dân...
Phi Anh
Ý kiến bạn đọc