Tăng cường liên kết trong sản xuất nông - lâm nghiệp ở Hoàng Su Phì
BHG- Bằng việc liên kết với nhau thông qua các Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và nhóm cùng sở thích đã giúp nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì tìm được hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cùng địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng Nông thôn mới, giải quyết việc làm cho người lao động.
Hệ thống lò hơi phục vụ sấy các sản phẩm nông sản của HTX Thương mại, dịch vụ và chế biến Nông - lâm sản Hoàng Su Phì. |
Những năm qua, dưới sự điều hành của Ban đại diện Liên minh HTX huyện, nhìn chung các HTX trên địa bàn huyện đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; phát triển thêm các lĩnh vực mới, tạo cách làm mới để hỗ trợ xã viên và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đặc biệt, các HTX dịch vụ, chế biến, sản xuất nông-lâm nghiệp (NLN) đã tích cực vận động, liên kết với người nông dân chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, bao tiêu sản phẩm và đưa các tiến bộ KHKT áp dụng vào sản xuất. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện có 48 HTX và 379 hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 27 HTX dịch vụ tổng hợp, 10 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 11 HTX dịch vụ nông nghiệp với tổng số 526 xã viên, tổng vốn hoạt động trên 15 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện cũng đã thành lập được 193 tổ chỉ đạo sản xuất với 1.351 thành viên, hoạt động theo các lĩnh vực như: Thủy lợi, sản xuất và chế biến NLN; duy trì và thực hiện hiệu quả 19 nhóm cùng sở thích.
Là một trong những HTX đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi và hoạt động theo Luật HTX, đổi mới hoạt động, HTX Thương mại, dịch vụ và chế biến Nông - lâm sản Hoàng Su Phì đang là một “điểm sáng” trong “bức tranh” kinh tế tập thể (KTTT) của huyện bằng việc tạo ra sự liên kết trong sản xuất, tiếp nhận và chuyển giao các tiến bộ KHKT giúp người dân sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Để nâng cao giá trị của sản phẩm, HTX đã đầu tư dây chuyền, xưởng sản xuất với tổng kinh phí đầu tư hơn 5,5 tỷ đồng bao gồm: Nhà làm việc, phòng trưng bày sản phẩm, nhà xưởng chế biến sản phẩm với diện tích gần 600m2. Trong đó, hệ thống lò hơi phục vụ sấy các sản phẩm nông sản, công suất bình quân 5 tấn sản phẩm/ngày. Hiện nay, HTX xây dựng các nhãn hiệu bảo hộ độc quyền cho từng sản phẩm như: Củ cải nương sấy khô, mật ong hốc, chè Shan tuyết, đảm bảo tư cách pháp lý trở thành hàng hóa bán ra thị trường. Bên cạnh đó, một số HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hoạt động có hiệu quả như: HTX chế biến chè Hạnh Quang, HTX chế biến chè Tấn Xà Phìn, HTX chế biến chè Phìn Hồ, HTX chế biến chè Thuận An đã tạo việc làm có thu nhập ổn định cho trên 213 lao động với mức lương bình quân từ 2,5 triệu đồng/người/tháng.
Thực tế cho thấy, quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương. Tuy nhiên, xét về tổng thể, quy mô của HTX còn nhỏ, số lượng xã viên chưa nhiều, vốn còn thấp dẫn đến khó khăn trong việc đưa máy móc, KHKT hiện đại vào sản xuất. Một số ít HTX còn thiếu tính chủ động, sáng tạo trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh thấp...
Nhằm phát huy và nâng cao hơn nữa hiệu quả mô hình KTTT trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì đã xác định phát triển KTTT là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho KTTT phát triển. Ngoài ra, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX của Nhà nước như: Chính sách về đất đai, tài chính tín dụng và hỗ trợ tiếp thị, mở rộng thị trường. Đồng thời, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý HTX đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế trong tình hình mới; khuyến khích các HTX mở thêm ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, đặc biệt là sản xuất, chế biến NLN gắn với bao tiêu sản phẩm cho người nông dân... Qua đó, tạo điều kiện cho mô hình KTTT thực sự đổi mới, phát triển, góp phần phát triển KT-XH của đơn vị, địa phương.
TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc