Bắc Quang: Khi sức dân trở thành "đòn bẩy"
BHG- Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng thuận của người dân, diện mạo nông thôn huyện Bắc Quang đang ngày càng đổi thay. XDNTM đang dần trở thành phong trào thi đua có sức lan tỏa rộng khắp ở các xã, thị trấn và nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về XDNTM. Xác định XDNTM là một trong những nhiệm vụ khó khăn, phải phát động trở thành phong trào thi đua và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân nên huyện luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về XDNTM đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Qua đó, đã tác động mạnh tới nhân dân trên địa bàn và giúp bà con hiểu rõ: Đây là chương trình phát triển KT – XH lâu dài trong nông thôn, “dân làm, dân hưởng”, phải do người dân làm chủ, huy động nội lực là chính thì công cuộc XDNTM mới thành công và bền vững.
Huy động nội lực sức dân trong làm đường bê - tông nông thôn ở thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc. |
Qua đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên, tình hình an ninh trật tự ổn định, nhân dân yên tâm lao động sản xuất, đóng góp tiền của và ngày công lao động để XDNTM. Chuyển biến rõ nhất trong tư tưởng, cách nghĩ, cách làm của bà con đó là: Bà con tích cực phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh, chăn nuôi quy mô lớn. Từ việc sản xuất nhỏ lẻ, phân tán; huyện Bắc Quang đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá chuyên canh tập trung, điển hình như: Vùng trọng điểm sản xuất lúa có diện tích 2.000 ha ở các xã: Quang Minh, Bằng Hành, Việt Vinh,... cho sản lượng hàng hóa (SLHH) trung bình trên 10.000 tấn/năm; vùng sản xuất lạc hàng hoá 1.200 ha, ở các xã: Đồng Yên, Vĩnh Phúc, Đông Thành, với SLHH trung bình đạt 6.900 tấn (tương đương 140 tỷ đồng); vùng trồng chè nguyên liệu 3.300 ha, tập trung ở các xã: Hùng An, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tuy, Tân Lập; vùng trồng cam, quýt trên 1.000 ha...
Ở xã Quang Minh, việc huy động nội lực sức dân cũng chính là “đòn bẩy” tạo nên thành công trong XDNTM. Anh Nguyễn Tiến Chước, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: “Trong quá trình XDNTM, xã luôn chú trọng thực hiện công khai và phát huy quyền làm chủ của dân. Nhờ phát huy dân chủ, nhân dân đã đồng tình và tích cực XDNTM. Trong tổng kinh phí thực hiện XDNTM của xã lên đến trên 46,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư, tỉnh, huyện và sự hỗ trợ của doanh nghiệp thì con số trên 12,8 tỷ đồng do nhân dân đóng góp vật chất, công lao động cũng không hề khiêm tốn. Cùng 29,96 km đường trục, ngõ thôn, xóm được bê-tông hóa, cứng hóa, nhân dân còn chủ động hiến 4.055 m2 đất để xây dựng NTM với tinh thần tự nguyện. Góp phần đưa xã nhà cán đích chuẩn Quốc gia về xây dựng NTM cuối năm 2015, trước thời gian dự kiến 2 năm”.
Bên con đường chánh mới đổ bê - tông dài 450 m ở thôn Minh Tâm (xã Quang Minh), bác Lộc Văn Thương, một hộ tiêu biểu nhất của xã hiến nhiều đất làm đường bê - tông XDNTM lên đến 1.200 m2 tâm sự: “ Dẫu biết là hiến đất, nhà tôi bớt đi một khoản thu nhập vì đã phải lấp đi 1 ao cá 630 m2, đất thổ cư, ruộng lúa, cùng chặt hạ nhiều cây gỗ lâu năm, ước ra cũng trên 100 triệu đấy. Nhưng nghĩ đến có con đường bê-tông đi lại, bà con nhân dân cùng con cháu mình được hưởng lợi về sau, có chỗ đi lại thông suốt ra chợ thuận tiện, ô-tô, xe máy đến tận nhà thu mua nông sản. cuộc sống sẽ bớt khó khăn đi rất nhiều”.
Tuyến đường dài 1,7 km được hơn 20 hộ dân thôn Pù Ngọm, xã Quang Minh hiến gần 3.000 m2 đất để làm đường bê-tông xây dựng NTM. |
Tổng nguồn vốn huy động XDNTM giai đoạn 2011-2015 toàn huyện trên 338 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư hỗ trợ trên 129 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương gần 2 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên 134 tỷ đồng; vốn vay tín dụng ưu đãi trên 20 tỷ đồng; vốn nhân dân đóng góp gần 60 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, nhân dân toàn huyện đã làm mới được trên 35 km đường nhựa liên xã; 122 km đường bê-tông nông thôn. Đến nay 100% đường từ huyện đến trung tâm xã đã được trải nhựa, hệ thống đường trục xã, thôn, ngõ xóm từng bước được bê-tông hóa, chủ yếu theo hướng Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu, tự thi công. Xây dựng mới 3 và cải tạo 4 công trình trường học. Sửa chữa 26 công trình nhà văn hóa kiêm trụ sở thôn. Tỷ lệ sử dụng điện lưới Quốc gia tăng từ 80% năm 2011 lên 96% năm 2015. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện đạt 75% kênh mương được xây dựng kiên cố đảm bảo nước tưới cho trên 6.300 ha đất canh tác. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 31,2 triệu đồng/người/năm (tăng 9,5 triệu so với năm 2011), giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 12,5% (năm 2011) xuống còn 2,5% (năm 2015). Tính đến hết quý I năm 2016, huyện có 2 xã là Vĩnh Phúc, Quang Minh đạt chuẩn NTM. Xã Vĩnh Hảo đạt 12/19 tiêu chí, Hùng An đạt 10/19 tiêu chí. Các xã đạt từ 5-9 tiêu chí gồm 14 xã: Vô Điếm; Việt Hồng; Bằng Hành; Liên Hiệp; Tân Thành; Đồng Tâm; Đông Thành; Đức Xuân; Thượng Bình; Đồng Tiến; Tân Lập; Hữu Sản; Tiên Kiều, Kim Ngọc. Xã hoàn thành 10-14 tiêu chí gồm 2 xã Việt Vinh, Tân Quang. Xã Đồng Yên đạt 14/19 tiêu chí và dự kiến sẽ phấn đấu về đích cuối năm 2016.
Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: “Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, kết hợp phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong việc chung tay XDNTM (tự nguyện hiến đất, góp ngày công lao động, ủng hộ bằng tiền...) là những tiền đề quan trọng để Bắc Quang tiếp tục đẩy mạnh Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM thành công trong những năm tới”.
Bài, ảnh: MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc