Bắc Mê, hiệu quả mô hình trồng hồi
BHG - Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn huyện Bắc Mê đã triển khai xây dựng nhiều mô hình mang lại hiệu quả. Trong đó, cây hồi là một trong những cây trồng trọng tâm đã đưa vào Nghị quyết của Đảng bộ huyện về trồng rừng kinh tế gắn với phát triển cây dược liệu, đang từng bước giúp người dân giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn mới của địa phương.
Người dân thôn Nà Nôm (Đường Âm) mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất mang lại thu nhập ổn định hàng năm. |
Để các mô hình phát triển kinh tế (PTKT) mang lại hiệu quả, nhiều địa phương trong huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất; thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư phục vụ sản xuất từ nguồn ngân sách của tỉnh, huyện và chương trình mục tiêu quốc gia; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Thôn Nà Nôm xã Đường Âm huyện Bắc Mê là một trong những địa phương có thế mạnh về trồng cây lâm nghiệp hàng hóa. Trong đó, cây hồi là cây trồng chủ lực được người dân Nà Nôm tiên phong trồng thử nghiệm. Giờ đây, những cánh rừng hồi xanh ngát đã từng bước giúp người dân PTKT, giảm nghèo bền vững. Thấy được hiệu quả của việc trồng cây hồi vừa có giá trị phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, vừa cho người dân thu nhập ổn định hàng năm, huyện Bắc Mê đã xây dựng dự án hỗ trợ bà con nhân dân mở rộng mô hình trồng hồi trên địa bàn toàn thôn. Đến nay, từ 3ha ban đầu, toàn thôn Nà Nôm đã xanh ngát rừng hồi với diện tích trên 140ha. Đồng thời, Xã Đường Âm đã nhân rộng sang một số thôn khác như thôn Nà Nhùng, Thâm Quảng.
Ông Triệu Văn Thành, thôn Nà Nôm, xã Đường Âm là một trong những hộ đầu tiên đưa cây hồi từ xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) về trồng thử nghiệm. Qua một thời gian chăm sóc, cây hồi thích nghi với khí hậu trong thôn nên sinh trưởng và phát triển tốt, sau 3 năm cây hồi đã cho gia đình ông Thành thu nhập 30 triệu đồng/ha/năm từ việc thu hoạch lá chiết suất tinh dầu hồi. Ngoài ra, quả hồi cũng cho giá trị kinh tế cao, với giá bán 20 nghìn/1kg tươi và 300 đến 350 nghìn/kg khô. Đây là minh chứng sinh động cho việc mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất sau nhiều lần vận động của chính quyền địa phương.
Đồng chí Triệu Trung Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê cho biết: Lợi thế khá lớn của huyện là diện tích đất nông nghiệp khá rộng nên việc triển khai các mô hình kinh tế vườn, đồi rất phù hợp và hiệu quả. Vấn đề then chốt có vai trò quyết định đến thành công của mô hình là người dân trên địa bàn huyện, đặc biệt, các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, đã nhận thức rất rõ về ý nghĩa của việc cải tạo vườn, đồi, đầu tư kinh phí cùng vốn hỗ trợ ban đầu của Nhà nước để PTKT hộ gia đình. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tích cực và sâu sát trong việc tổ chức hướng dẫn, vận động người dân PTKT, vươn lên trở thành hộ khá, hộ giàu, tăng thu nhập để nâng cao đời sống. Đối với khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, huyện Bắc Mê đang tích cực hoàn tất thủ tục thành lập hợp tác xã dịch vụ trồng hồi. Đồng thời, đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu xây dựng thương hiệu dầu hồi, khẳng định uy tín, chất lượng trong và ngoài nước.
Có thể thấy, hiệu quả từ mô hình trồng hồi đã góp phần không nhỏ vào sự đổi thay ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện. Ðây cũng là kết quả đáng ghi nhận của Ðảng bộ và nhân dân huyện Bắc Mê nhằm xây dựng phát triển vùng dược liệu, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người nông dân.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc