Yên Minh, hiệu quả từ chủ động ứng phó hạn
BHG- Tình trạng hạn hán trên địa bàn huyện Yên Minh nói riêng và toàn tỉnh nói chung đã may mắn được “giải cứu” bởi đợt mưa lớn trên diện rộng trong ngày 23 - 24.3 vừa qua. Tuy nhiên trước đó, những đồng ruộng, đồi núi của các địa phương khác vì “khát nước”, khô cằn nên phải chuyển đổi sang loại cây trồng khác hoặc bỏ không với diện tích lớn, hay chậm khung thời vụ...; nhưng với Yên Minh, sản xuất vụ Xuân vẫn duy trì được tiến độ, sự phát triển của cây trồng được đảm bảo và không chịu ảnh hưởng nhiều từ hạn hán. Đó chính là nhờ sự chủ động ứng phó với thiên tai – hạn hán.
Nhờ được hỗ trợ máy bơm nước, gia đình anh Nùng Văn Phù ở thôn Tân Tiến, xã Hữu Vinh chủ động được nước làm đất, kịp thời cấy lúa Xuân. |
Huyện Yên Minh luôn có khung thời vụ chậm hơn so với tiến độ chung toàn tỉnh, nhất là các huyện vùng thấp như Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình. Theo tiến độ hàng năm, việc gieo cấy lúa Xuân của huyện thường hoàn thành vào cuối tháng 3. Đối với cây ngô Xuân và ngô chính vụ phải kéo dài sang tháng 4. Vụ Xuân năm nay, do trước Tết Nguyên đán thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, ảnh hưởng lớn tới việc gieo cũng như sự phát triển của cây mạ. Sau Tết, không có mưa khiến việc làm đất chậm và có làm được cũng không có nước để cấy, dẫn đến sản xuất vụ Xuân chậm khung thời vụ so với các năm trước khoảng 10 này. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ này được Phó Chủ tịch UBND huyện, Hoàng Quang Hoàn cho rằng không ảnh hưởng lớn. Bởi, vụ Xuân năm nay, huyện Yên Minh gieo cấy trên 430 ha lúa. Trong đó, khoảng một nửa diện tích được cấy giống lúa Japonica ĐS1 và ĐS3, đây là những giống lúa ngắn ngày, đặc biệt là giống ĐS3, có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn hơn các giống lúa khác, nên vẫn đảm bảo vụ Mùa và đúng tiến độ.
Tính đến ngày 21.3, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp, toàn huyện đã cấy được 285 ha lúa, đạt 66,2% kế hoạch; trồng được 663,7 ha ngô xuống chân ruộng một vụ, đạt 101,2% kế hoạch; 2.236,8% ngô chính vụ, đạt 32,5% kế hoạch, cây ngô phát triển tốt, một số diện tích trồng sớm người dân đã tiến hành chăm sóc đợt 1; trong diện tích ngô trồng xuống ruộng, có 4,2ha được chuyển đổi từ diện tích đất lúa bị hạn; gieo trồng được 327,2 ha đậu tương Xuân, đạt 93,5% kế hoạch; các loại cây trồng khác thực hiện cơ bản đạt chỉ tiêu so tiến độ. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, Nguyễn Đình Duẩn, cho biết: Theo dự kiến ban đầu, huyện sẽ hoàn thành vụ Xuân muộn hơn các năm khoảng 10 ngày, nhất là đối với lúa Xuân. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động ứng phó thiên tai và trận mưa mới đây, diện tích lúa Xuân chắc chắn sẽ hoàn thành trong tháng 3; các loại cây trồng khác cơ bản sẽ hoàn thành trong tháng 4.
Với điều kiện thiếu nước, hạn hán trong những tháng qua, để có thể đạt tiến độ như trên, huyện Yên Minh đã chủ động ban hành Phương án phòng, chống hạn ngay trong Quý I năm 2016, với các giải pháp cụ thể về: Quản lý vận hành, tu sửa các công trình hồ chứa nước, kênh mương thuỷ lợi; hỗ trợ các loại máy bơm nước để tưới động lực và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, dự đoán trước tình hình thiên tai, cuối năm 2015, huyện đã hỗ trợ 21 chiếc máy bơm nước cho các xã, thị trấn có diện tích cấy lúa. Phó Chủ tịch UBND huyện, Hoàng Quang Hoàn, cho biết: Những chiếc máy này hỗ trợ cho các địa phương và người dân để chủ động bơm nước vào đồng ruộng đối với những diện tích không chủ động được nước nhưng gần các dòng suối. Qua đó, giúp việc làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa hoàn thành sớm; hạn chế một số diện tích đất lúa phải chuyển sang trồng các loại cây khác.
Anh Nùng Văn Phù, thôn Tân Tiến, xã Hữu Vinh chia sẻ: Nhờ được hỗ trợ máy bơm nước, gia đình tôi và một số gia đình trong thôn đã có thể chủ động bơm nước vào đồng ruộng để làm đất, kịp thời cấy lúa Xuân.
Những cây trồng vụ Xuân ở Yên Minh giờ đây đã không còn “khát nước” như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, nếu không chủ động đưa ra phương án chống hạn kịp thời và hiệu quả của các cấp, ngành trong huyện thì tiến độ, năng suất, sản lượng cây trồng và lương thực trong vụ Xuân của Yên Minh chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ bởi hạn hán.
LƯƠNG HÀ
Ý kiến bạn đọc