Xã Hữu Sản đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

08:35, 16/03/2016

BHG- Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Hữu Sản (Bắc Quang) đã tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích các hộ phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Hiện tại xã đã có nhiều mô hình chăn nuôi quy mô lớn mang lại thu nhập mỗi năm gần 100 triệu đồng.

Anh Ma Văn Chương ở thôn Thống Nhất, xã Hữu Sản chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Anh Ma Văn Chương ở thôn Thống Nhất, xã Hữu Sản chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Vài năm trở lại đây, người dân xã Hữu Sản đã chú trọng đầu tư cho phát triển chăn nuôi và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nhờ chăn nuôi đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện để nuôi các con ăn học đầy đủ và tham gia các khoản đóng góp tại địa phương. Để người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền và phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trạm thú y tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi cho bà con nhân dân. Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, ngân hàng ký kết ủy thác, tín chấp, hỗ trợ vốn để người dân có vốn đầu tư chăn nuôi.

Cùng với việc vận động người dân mở rộng quy mô chăn nuôi, xã cũng đã tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống; phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố, tổ chức nuôi nhốt gia súc, tạo thế phát triển bền vững trong chăn nuôi. Đồng thời, vận động người dân chuyển đổi nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc để mở rộng quy mô đồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Đảng bộ xã Hữu Sản đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức lấy ý kiến ở các chi bộ, sau đó đưa ra bàn bạc trước các cuộc họp của từng thôn để phổ biến cho nhân dân.

Điển hình trong cách làm này có hộ gia đình anh Ma Văn Chương, ở thôn Thống Nhất, chủ mô hình chăn nuôi lợn đen kết hợp nuôi trâu và gia cầm. Anh Chương cho biết: “Gia đình nuôi lợn từ lâu rồi, nhưng nuôi nhỏ lẻ, cho đến năm 2010 tôi mới nuôi lợn với quy mô lớn hơn. Thấy giống lợn đen được thị trường ưa chuộng, tôi đã đi tham quan các mô hình chăn nuôi địa phương khác rồi về áp dụng tại gia đình. Nhìn chung, nuôi lợn vốn đầu tư ban đầu không quá lớn, dễ thu hồi, nhà tôi tận dụng được nguồn thức ăn như ngô, thóc, sắn của gia đình nữa. Vừa rồi gia đình tôi mới bán bớt đàn lợn thịt, hiện nay còn gần 30 con lợn, nuôi 3 con trâu mẹ sinh sản và hơn 50 con gà, vịt bầu. Tùy từng năm, có năm gia đình tôi xuất bán 3 lứa lợn, vịt... với số tiền lãi hàng năm thu về gần 100 triệu đồng”. Không chỉ có gia đình anh Chương, nhiều hộ gia đình khác như ông Nông Hoàng Quyết – thôn Kiên Quyết, bà Hoàng Thị Thuận - thôn An Toàn ... cũng đã phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Hiện nay, xã Hữu Sản có trên 20.100 con gia súc, gia cầm. Trong đó đàn trâu có trên 960 con, trên 500 con dê, đàn lợn có gần 4.800 con, trên 13.500 con gia cầm các loại. Qua đó góp phần không nhỏ vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã Hữu Sản giảm xuống còn 9%, năm 2016 xã phấn đấu giảm xuống còn 6%. Anh Mai Kiến Quốc, Chủ tịch UBND xã Hữu Sản cho biết: “Trong thời gian tới, để chăn nuôi thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, chính quyền xã sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi. Đồng thời, tranh thủ mọi nguồn lực đầu tư, tận dụng các nguồn vốn, chương trình để hỗ trợ, phát triển chăn nuôi, góp phần lớn vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở xã còn gặp nhiều khó khăn như chưa tìm được đầu ra ổn định, biến động về giá cả, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi phát triển với quy mô nhỏ lẻ, manh mún...”.

MỸ HẰNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nghề nuôi ong lấy mật trên Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG- Mật ong Bạc hà là sản vật mang tính đặc trưng của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Chất lượng loại mật ong này vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi, với giá bán bình quân trên thị trường hiện nay giao động từ 400 đến 600 nghìn đồng/lít. Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi ong lấy mật đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm quy hoạch, phát triển vùng trồng hoa, nuôi ong; coi nghề nuôi ong là nghề chính trong phát triển kinh tế, XĐGN cho người dân địa phương.  

16/03/2016
Bắc Mê thực hiện đầu tư xây dựng "có trọng tâm, trọng điểm"

BHG- Đầu tư xây dựng (ĐTXD) có vai trò quan trọng trong việc phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo động lực thúc đẩy KT - XH ở địa phương, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

16/03/2016
"Khơi thông" nguồn lực cho các HTX nông, lâm nghiệp ở Vị Xuyên

BHG- Không riêng gì các HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp mà các HTX trong lĩnh vực khác, các tổ chức, cá nhân đều mong muốn có được nguồn vốn vay của các ngân hàng để đầu tư kinh doanh, mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Vị Xuyên, nguồn lực từ các tổ chức tín dụng đầu tư  cho các HTX nông, lâm nghiệp chưa được khơi thông do các HTX này chưa xây dựng được phương án kinh doanh, sản xuất để làm cơ sở để vay vốn.

16/03/2016
Ký kết hợp tác giữa Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Hà Giang và Sở NN&PTNT Lâm Đồng

BHG- Chiều ngày 14.3, tại tỉnh Lâm Đồng, Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức Lễ ký kết hợp tác với Sở NN&PTNT tỉnh Hà Giang về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, với sự chứng kiến của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cùng lãnh đạo các sở, ngành của hai tỉnh.

15/03/2016