Trồng rừng mà... chưa thành rừng!
BHG- Theo thống kê của Ban quản lý rừng phòng hộ Vị Xuyên, là đơn vị chủ đầu tư hợp đồng giao khoán cho các tập thể, cá nhân có đủ năng lực thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, trên địa bàn toàn huyện có 584,0 ha rừng trồng bị thiệt hại. Trong đó, có 503,7 ha rừng trồng phòng hộ và 80,3 ha rừng trồng sản xuất (rừng lâm nghiệp xã hội). Diện tích bị thiệt hại chủ yếu tại các khu vực vùng cao của các xã: Lao Chải, Xín Chải, Thanh Đức, Thanh Thủy, Thượng Sơn, Kim Linh...
Rừng thông phòng hộ tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn bị thiệt hại 100%. |
Vị Xuyên là một trong những huyện có diện tích che phủ rừng khá lớn của tỉnh. Thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình, dự án lâm nghiệp như: Chương trình 327, 135, Chương trình dự án 5 triệu ha rừng... và nay là Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vừng; Vị Xuyên đã nâng độ che phủ của rừng của huyện tăng từ 49% năm 1999 lên 59% năm 2011 và phấn đấu hết năm 2016 đạt 68%. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, thiên tai liên tiếp xảy ra, đặc biệt là cuối tháng 1 vừa qua xảy ra rét đậm, rét hại kỷ lục; nhiều khu vực có hiện tượng băng tuyết gây thiệt hại trực tiếp tại những nơi có cây non mới trồng đang trong chu kỳ chăm sóc (chưa thành rừng).
Ông Hà Đình Cương, Giám đốc BQL rừng phòng hộ cho biết: Sau khi phát hiện diện tích rừng ở các địa phương trên, cây bị vàng lá, khô thân và chết rễ, BQL đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, ra soát lại diện tích bị thiệt hại. Cụ thể là: Đối với rừng phòng hộ trồng năm 2011 có diện tích 191,6 ha tại thôn Khuổi Niềng, xã Kim Linh thuộc tiểu khu 152A, 2 khoảnh, 33 lô. 245,6 ha tại thôn Lùng Vùi, xã Thượng Sơn, thuộc tiểu khu 236, 2 khoảnh, 37 lô. Rừng trồng năm 2013 thiệt hại 66,5 ha tại tại thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn thuộc tiểu khu 232, 2 khoảnh, 10 lô. Đối với rừng trồng sản xuất năm trồng 2015 thiệt hại 80,3 ha, tại thôn Bản Phùng, xã Lao Chải.
Rừng trồng phòng hộ được đầu tư 100% vốn Nhà nước theo chương trình dự án bảo vệ và phát triển rừng. Rừng trồng sản xuất được thực hiện theo phương án Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ cây giống (đơn giá 600 đồng/cây). Nhân dân tự bỏ công trồng, chăm sóc, bảo vệ và được hưởng giá trị sản phẩm rừng trồng sau khi khai thác. Trong quá trình thực hiện từng giai đoạn trồng, chăm sóc, bảo vệ được nghiệm thu theo quy trình, quy định của Nhà nước. Rừng phòng hộ trồng thông và sa mộc, sau đợt rét, tỷ lệ cây hiện còn sống là 40-45. Diện tích rừng sản xuất sử dụng giống bồ đề tỷ lệ cây chết là 100%. Các loại giống cây trên đều có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, thực hiện đúng theo pháp lệnh giống cây trồng.
Xác định rõ ràng nguyên nhân gây đến thiệt hại là do ảnh hưởng của thời tiết, cây trồng còn non, sức chống chịu kém, gặp thời tiết giá rét, băng tuyết đóng dài ngày làm cho cây khô thân và chết. Đây là nguyên nhân khách quan bất khả kháng. Căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, BQL rừng phòng hộ Vị Xuyên đã xây dựng hồ sơ đề nghị Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông Nghiệp - PTNT, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh cho thanh lý toàn bội diện tích bị thiệt hại theo quy định là: Hủy bỏ không thu hồi vốn, tổng giá trị xin thanh lý là 7.325.805.507 đồng; trong đó: Chi phí cây giống: 1.160.964.000 đồng, chi phí nhân công 5.984.041.907 đồng, chi phí phục vụ 180.799.600 đồng.
503,7 ha rừng được BQL rừng phòng hộ, cấp ủy, chính quyền nhân dân các xã nỗ lực trồng, chăm sóc, bảo vệ từ năm 2011 đến nay; đã chưa thành rừng. Đây là thiệt hại không nhỏ về kinh tế đối với tỉnh, huyện và người dân ở các xã trên. Bên cạnh đó cũng gây ảnh hưởng đến tỷ lệ phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; chất lượng rừng đầu nguồn... Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là cùng với hơn 500 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất bị chết thì đợt rét vừa qua cũng làm hơn 2.500 ha Thảo quả của huyện trải dài theo dãy Tây Côn Lĩnh từ xã Thượng Sơn đến xã Lao Chải bị chết khô. Do đó tiềm ẩn hiểm họa cháy rừng rất lớn, nhất là trong thời điểm khí hậu đang khô hanh, hạn hán như hiện nay. Chính vì vậy, công tác thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ cần được quan tâm, chú trọng ở những địa phương có rừng và Thảo quả bị chết để tránh gây thêm thiệt hại, gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.
An Dương
Ý kiến bạn đọc