"Thỏa lòng" bông chít vùng sâu
BHG- Bạch Ngọc là một trong những xã vùng sâu của huyện Vị Xuyên, điều kiện để phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, bà con nhân dân trong xã đã đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất để nâng cao thu nhập. Một trong những mô hình sản xuất đã và đang thực hiện là mô hình trồng cây chít làm vùng nguyên liệu cho Làng nghề chổi chít Việt Lâm. Mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, giúp cho đời sống của bà con từng bước được nâng cao.
Lãnh đạo, cán bộ xã kiểm tra mô hình trồng chít tại thôn Ngọc Lâm. |
Cây chít ở Bạch Ngọc chủ yếu là mọc tự nhiên do có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho cây phát triển. Cây mọc tập trung nhiều ở các thôn như Ngọc Sơn, Ngọc Lâm, Khuổi Vài, Khuổi Dò... Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng bông chít làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm từ chít khá lớn, do đó người dân đã tự phát trồng chít trên nương, vườn rừng gia đình. Tuy nhiên do chưa có quy trình về trồng và chăm sóc cây chít, chỉ dựa vào kinh nghiệm, tận dụng cây mọc tự nhiên để thu hái nên sản phẩm thu hoạch đạt thấp so với tiềm năng của cây (năng suất trung bình chỉ đạt 10 đến 12 ngàn bông/ha). Trước nhu cầu khá lớn về nguyên liệu của Làng nghề chổi chít Việt Lâm, hàng năm trung bình phải nhập khoảng 600 tấn nguyên liệu (với số lượng trên, vùng nguyên liệu trong tỉnh không đáp ứng được, làng nghề phải nhập nguyên liệu từ tỉnh ngoài như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, thậm chí phải nhập từ Thanh Hóa). Để phần nào đáp ứng được nhu cầu về nguyên liệu cho làng nghề, mô hình trồng chít tại Bạch Ngọc được triển khai từ giữa năm 2014 với quy mô nhỏ, chỉ với 5 ha/10 hộ tham gia. Các gia đình được hỗ trợ cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc, thu hoạch; được hỗ trợ một phần phân bón... Sau 1 năm, diện tích cây trồng năm đầu thu được 573.330 bông/ha, với giá bán tại chỗ là 18.000 đồng/100 bông, cho thu nhập bình quân bằng tiền là 10.320.000 đồng/ha. Đặc biệt gia đình chị Phàn Thị Máy, thôn Ngọc Lâm có tỷ lệ ra bông năm đầu khá cao, cho thu nhập 11.666.000 đồng/ha.
Chít là loại cây phát triển nhanh, sinh nhánh khỏe. Trong năm đầu 1 khóm thường có từ 30 – 40 bông. Hiện nay, cây đã bước sang năm thứ 2 và đang ra bông, bình quân có từ 50 – 70 bông/khóm, như vậy sản lượng năm sau sẽ cao hơn năm trước, đồng nghĩa với việc thu nhập của người dân cũng được nâng lên (ước tính thu nhập bằng tiền năm thứ 2 sẽ đạt từ 18 đến 23 triệu đồng/ha). Có thể so sánh hiệu quả kinh tế của 1 ha trồng rừng sản xuất với 1ha trồng chít. Đối với trồng rừng, với chu kỳ 5 năm, 1 ha cho thu nhập 15 triệu đồng; đối với trồng chít chu kỳ 1 năm, 1 ha cho thu nhập 18 triệu đồng, 5 năm cho thu nhập 90 triệu đồng. Ngoài hiệu quả về kinh tế, mô hình trồng chít ở Bạch Ngọc cũng mang lại hiểu quả thiết thực về mặt xã hội và môi trường. Khi mô hình được nhân rộng sẽ giải quyết được việc làm, tạo hướng làm ăn mới cho người dân; góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; chống sói mòn, rửa trôi...
Trước hiệu quả thiết thực từ mô hình trồng cây chít, đến nay trên địa bàn toàn xã, người dân đã tự nhân rộng, học hỏi thêm kỹ thuật từ những hộ tham gia mô hình, lựa chọn cây giống trồng được trên 40 ha chít tập trung, dần xóa bỏ tập quán trồng chít truyền thống; tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định; tạo nguồn thu nhập bền vững.
AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc