Nên hay không nên đưa cây cam "xuống ruộng"?
BHG- Trong vài năm gần đây, giá trị kinh tế của cây cam đã mang lại cho người dân cuộc sống ấm no. Không thể phủ nhận, trồng cam đã xuất hiện nhiều nhà nông tỷ phủ, triệu phú. Chính vì lẽ đó, nhiều người dân và cả các CCVC có điều kiện đã “đổ xô” mua đất, mua vườn trồng cam.
Đã có rất nhiều vườn cam “nhảy dù” xuống ruộng ở xã Vĩnh Phúc, (Bắc Quang). |
Tỉnh ta hiện có 5.709 ha cam. Trong đó, diện tích cam cho thu hoạch trên 1.600 ha; năng suất bình quân 82 tạ/ha. Nghị quyết của tỉnh đặt mục tiêu, phát triển cây cam là cây “mũi nhọn” xóa đói, giảm nghèo. Cây cam có thể hỗ trợ nhân dân xóa được đói, giảm được nghèo hay không còn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ sản phẩm. Muốn vậy, phải có cơ chế thu hút các doanh nghiệp “bắt tay” với nông dân trồng cam. Đồng thời, phải có cơ chế ưu đãi nhằm thu hút đầu tư: Nhà máy, công nghệ chế biến hoa quả ngay tại Hà Giang. Để từ đó, thu mua, bao tiêu một phần sản phẩm cho nhà nông mới tránh được tình trạng ép giá, hoặc dư thừa sản phẩm và mới thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.
Còn trước mắt, nhìn tổng thể, chúng ta thấy mỗi năm tỉnh ta có một sản lượng cam không hề nhỏ cung ứng ra thị trường. Các cấp, ngành của tỉnh đang nỗ lực tìm đầu ra cho cây cam, tuy nhiên, hiện vẫn phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ.
Nhiều chân ruộng (ở thôn Vĩnh Ban, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) được người dân trồng mới bằng cây cam giống cấp từ Dự án trồng cam của tỉnh. |
Tuy chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, nhưng việc mở rộng diện tích trồng cam hiện vẫn diễn ra như một “cao trào” ở khắp mọi nơi: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên... Mới đây, đưa cây cam “xuống ruộng” đang dần trở thành việc làm khá phổ biến của nông dân ở khắp các địa phương vùng cam. Đã có rất nhiều vườn cam “nhảy dù” xuống các chân ruộng sản xuất nông nghiệp. Nhiều nơi, người dân còn san đất đồi lấp đất ruộng để trồng cam. Thử hỏi, có bao giờ họ nghĩ lại: Khi cây cam không trụ nổi trên đất ruộng họ đã lấp, thì họ cải tạo đất ruộng trở lại thế nào?
Vẫn biết, nhà nông cần chuyển đổi cây, con theo hướng sản xuất có giá trị kinh tế cao. Cách chuyển đổi từng bước thường đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn và đó là cách làm được tính toán có lộ trình, khoa học, được cân nhắc bằng quy luật kinh tế thị trường giữa cung- cầu hợp lý.
Trở lại chuyện đưa cây cam “xuống ruộng” khá phổ biến hiện nay tại một số địa bàn trồng cam là điều đáng quan ngại. Rất cần sự định hướng quản lý của chính quyền và quan điểm của nhà khoa học có chuyên môn sâu. Bởi làm gì cũng phải cân nhắc, phải có lộ trình được thử nghiệm, đánh giá và các bước đi cụ thể.
Nguyễn Hùng
Ý kiến bạn đọc